Những năm tháng miệt mài

.

Sinh ra và lớn lên ở làng quê Quảng Bình đầy khói lửa chiến tranh, với tuổi thơ khổ cực, từ khi ngồi trên ghế giảng đường, GS.TS Võ Xuân Tiến đã mơ ước đến một chân trời khoa học, đóng góp phát triển đất nước và “trồng người”. Hình ảnh những năm tháng theo nghiệp sách đèn, vượt qua khó khăn, từ cậu học trò nghèo trường làng trở thành sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Kế hoạch (nay là Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) ngay giữa Hà Nội vẫn còn in dấu trong ông.

Thầy giáo Võ Xuân Tiến (thứ hai, phải qua) được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 2001. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Thầy giáo Võ Xuân Tiến (thứ hai, phải qua) được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 2001. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

-Tôi quê Lệ Thủy, một vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra nhiều nhân vật lịch sử (Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Diệm), nơi để lại dấu ấn rõ nét của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với phong trào “Gió Đại Phong”, nơi của những cánh đồng màu mỡ. Không phải ngẫu nhiên mà có câu ca dao: Nhất Đồng Nai, Nhì hai huyện (Lệ Thủy và Quảng Ninh). Nhưng đây cũng là vùng chiêm trũng, thiên tai địch họa thường xuyên.

Lệ Thủy cũng là nơi đầy ác liệt trong những năm địch đánh phá miền Bắc, là một trong những “túi đựng bom”. Cả thị trấn bấy giờ chỉ còn trụ lại được 7 gia đình, trong đó có gia đình tôi. Tuổi thơ của tôi đã trải qua những năm tháng ác liệt và đầy gian khó, thiếu thốn đủ bề. Chúng tôi phải học ở trong hầm trú ẩn và chỉ được học các môn chính. Phải tới khi vào đại học tôi mới biết đến môn học ngoại ngữ. Tất nhiên, lúc đó là tiếng Nga.  

Cũng trong ác liệt và gian khó đó, bản lĩnh người dân ở đây mới thể hiện rõ. Một câu ca mà chúng tôi hay hát: Dù trăm địch họa, dù ngàn thiên tai, vượt mọi thác ghềnh mới biết sức trai Lệ Thủy. Có lẽ bối cảnh đó đã hình thành trong tôi suy nghĩ khi vào đại học: Ác liệt, khó khăn, gian khổ thế mà vượt qua được thì không có trở lực nào cản được bước tiến của mình.

* Sau khi tốt nghiệp, cơ duyên nào khiến ông chọn Đà Nẵng làm nơi đầu tiên công tác vào năm 1978 mà không là một nơi nào khác? Hai nhiệm kỳ đảm nhiệm chức Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ông đã nỗ lực ra sao cùng ban giám hiệu nhằm góp phần đưa trường trở thành một đơn vị mạnh của Đại học Đà Nẵng?

- Tôi không nghĩ mình trở thành thầy giáo, vì trúng tuyển Trường ĐH Kinh tế -Kế hoạch, chuyên ngành là Kinh tế nông nghiệp. Và, lúc đó cũng chưa có khái niệm ở lại trường làm giáo viên. Ấy mà,…

Còn vì sao về Đà Nẵng? Lúc đầu Bộ Giáo dục phân công vào Sài Gòn, song vì thích gần quê nên tôi xin về Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Thú thật, lúc đó chưa cảm nhận được “Đà Nẵng, nơi đáng sống” như bây giờ. Cùng về khoa Kinh tế với tôi dạo đó có hơn 60 người. Bối cảnh đang rất khó khăn nhưng ai cũng hào hứng vui vẻ. Dần dần, sự vui vẻ ít đi, nhiều người không chịu nổi cuộc sống thiếu thốn của giáo viên, họ xin ra ngoài làm việc.

Còn tôi, không hiểu sao, không có suy nghĩ ấy và chỉ biết phải làm việc chăm chỉ. Tôi đã nhận ra rằng, làm thầy giáo rất hay, phàm là thầy giáo phải rất cố gắng và làm thầy giáo không dễ. Tôi cũng không nghĩ rằng mình sẽ làm hiệu trưởng. Sau này, khi làm quản lý tôi cũng nhận thấy làm gì cho tốt đều không dễ. Ngoài năng lực tích lũy được, phải quyết tâm, cố gắng, khách quan, đừng bao giờ sợ thiệt. Có lẽ suy nghĩ đó đã giúp tôi thành công.

* Ngót nghét 4 thập niên xem Đà Nẵng là quê hương thứ hai, GS.TS đã tạo đam mê, truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ học trò. Điều gì đọng lại trong tâm hồn mình đến bây giờ, khi ông nhìn lại những năm tháng miệt mài đứng trên bục giảng?

- Lựa chọn hướng đi, quyết tâm theo đuổi, làm việc hết mình, làm việc có trách nhiệm, lôi kéo sự ủng hộ của mọi người bằng suy nghĩ và việc làm đúng đắn, bạn sẽ thành công. Với cương vị hiệu trưởng một trường đại học, thủ trưởng một đơn vị, bài học cho sự thành công của tôi là cùng với năng lực, để có sự thành công bạn phải minh bạch, công tâm, công bằng và bao dung độ lượng. Không phải ngẫu nhiên, suốt hai nhiệm kỳ hiệu trưởng tôi luôn có được sự ủng hộ nhiệt liệt của mọi người.

* So với thời ông, sinh viên ngày nay có những khác biệt nhất định. Với tư cách sinh viên xưa và giảng viên nay, ông chia sẻ điều gì để những ai ngồi trên ghế giảng đường có thể từ đó lần tìm một hướng đi đúng với ước mong, hoài bão của mình?

- Sinh viên trước đây khó khăn hơn song chịu khó hơn, ham học hơn và ra trường họ có kiến thức cơ bản tốt. Về tính năng động, thì sinh viên bây giờ tốt hơn. Hiện nay, trình độ của sinh viên khi ra trường còn nhiều hạn chế, cả về lý thuyết lẫn thực hành. Bắt tay vào công việc, họ rất bỡ ngỡ. Tuy nhiên, các em nhanh nhạy, năng động, tiếp thu nhanh nên khi được tạo điều kiện thì làm việc rất tốt. Về kiến thức tổng hợp kinh tế, chính trị, xã hội nhiều em vẫn còn nhiều hạn chế. Như đã biết, kiến thức chính trị, xã hội là điều không kém quan trọng so với kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ.

Một nhược điểm lớn cần chú ý tiếp theo là sinh viên ngày nay thiếu hẳn tính sáng tạo. Sinh viên cần có tư duy sáng tạo, tự tin, dám bứt phá, dám đưa ra những ý tưởng mới. Các em thường làm việc một cách thụ động, chờ ý kiến chỉ bảo, chờ lãnh đạo giao nhiệm vụ, ít tự tìm tòi, đưa ra các giải pháp...

Công việc hiện nay rất cần những người ngoài kiến thức chuyên môn, phải tự tin, có tư duy sáng tạo, dám bứt phá, dám đưa ra ý tưởng mới, sáng kiến mới,… dám xóa bỏ cách nghĩ cách làm theo khuôn phép kiểu cũ: chờ cấp trên, chờ hướng dẫn, chờ chỉ đạo... mà phải biết tự vạch cho mình lộ trình phát triển. Hơn thế nữa phải có chí lập nghiệp, dám đương đầu với thử thách, vượt qua khó khăn của kinh tế thị trường. Không chỉ tạo việc làm cho mình mà còn tạo việc làm cho người khác. Chỉ đến khi tạo được nhiều việc làm cho người khác mới coi là thành công.

Để làm được điều đó sinh viên phải không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng bằng nhiều cách và phải giỏi ngoại ngữ. Thành công chỉ có thể đến với những người như vậy.

* Xin cảm ơn GS.TS.

GS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng:

GS Võ Xuân Tiến là tấm gương cho thế hệ trẻ, cần cù, chịu khó, nỗ lực vươn lên từ nghèo khó.
Qua 2 nhiệm kỳ (1995 - 2004) làm Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (hiện nay là Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng) GS Võ Xuân Tiến đã xây dựng nhà trường phát triển về đào tạo, nghiên cứu khoa học, quan hệ doanh nghiệp và hợp tác quốc tế một cách mạnh mẽ, góp phần quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để tạo nên một học hiệu ĐH Kinh tế lớn mạnh và tạo nên một trong ba trường đại học kinh tế hàng đầu của Việt Nam hiện nay.

Có thể nói qua 37 năm làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, quản lý, GS Võ Xuân Tiến đã trực tiếp và gián tiếp đào tạo hàng vạn cử nhân kinh tế, thạc sĩ và tiến sĩ.

Trong thời gian phụ trách đào tạo sau đại học của ĐH Đà Nẵng, GS đã phát triển mạnh mẽ các ngành cao học và nghiên cứu sinh, mở rộng hợp tác với các trường đại học - đặc biệt là khu vực Tây Nguyên và Tây Nam Bộ - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. GS đã thực hiện được nhiều công trình nghiên cứu, ứng dụng cho các ngành, tỉnh thể hiện qua các đề tài nghiên cứu, bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, qua các sách, giáo trình và chuyên khảo.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.