Mưa Huế

.

Nguyễn Bính, dường như có chút nhầm lẫn khi có thơ viết rằng “Giời mưa ở Huế sao buồn thế/ Cứ kéo dài ra đến mấy ngày”. Tôi chủ quan tự mình suy diễn, những ai đã từng ở Huế, nhất là vì căn cớ nào đó từng tha phương nơi xứ sở thần kinh nhất định sẽ phản đối không thể nào.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mưa Huế, không biết tự khi nào đã trở thành “thương hiệu”. Mưa ấy đã được trời cao đất dày hưỡn đãi cho một vẻ riêng kỳ lạ đến khôn cùng. Cũng là mưa mà chỉ cần nghe tới mưa Huế thì nhất định ai ai cũng... sợ. Một nỗi sợ hoàn toàn có thật và rất chân thành. Xứ sở đẹp và thơ ấy, vẫn đẹp và thơ trong mưa và rất có thể nhờ mưa mà thơ hơn nhưng cũng thật lạ thay, hễ trời mưa thì Huế như thể bỗng là một trời khác: một trời buồn, một trời não nề, một trời u ám rợn ngợp cả không gian. Và dường như không còn sự lựa chọn nào khác, mưa ấy phải được gọi tên bằng những thức vị mỹ miều của thơ ca và âm nhạc. Và dĩ nhiên, những nghệ thuật ấy rất  thâm trầm.

Năm 1998, trong cơn mưa chiều ở Yên Hà các nơi Huyền Không sơn trung, tôi đã được sư Pháp Tông giảng cho nghe vài trang trong sách “Hải ngoại ký sự” của Thạch Liêm hòa thượng - một cao tăng cuối đời nhà Minh Trung Quốc. Là bậc “bác nhã kỳ khôi”, lại sở trường về thi ca, ông viết hai câu tóm lược thời tiết Huế đại ý “bốn mùa đều là mùa hạ, một cơn mưa thì biến thành mùa đông” (Tứ thời giai thị hạ, nhất vũ tiệm thành đông). Nhận xét chỉ trên cơ sở quan sát của một du khách như ông dường như có chút phiến diện và cực đoan nhưng lại rất hợp với tinh thần mưa Huế. Chỉ cần một cơn mưa.

Mưa đó, đã đi vào âm nhạc Trịnh Công Sơn như một phần bất tử. Mưa tưới tắm cho biết bao nỗi niềm (Chiều nay còn mưa sao em không lại), mưa dệt cho Huế biết bao huyền thoại đẹp (em đi về cầu mưa ướt áo, đường phượng bay mù không lối vào), mưa thủy tinh chỉ có thể trên con đường long não như linh hồn xứ Huế… Mưa ấy, không thể ngừng rơi trong bất kỳ ca khúc Trịnh nào. Chủ quan tôi nghĩ rằng, mưa Huế, vô hình chung đã là một sự “biệt nhỡn liên tài” của đất trời trong âm nhạc người nghệ sĩ tài hoa ấy.

Mùa đông đầu tiên ở Huế, chị em tôi co ro trong một tấm chăn mỏng mang ra từ xứ Quảng với một hình dung sơ sài về mưa Huế. Mưa và lạnh. Cái lạnh thấu xương không giống như xứ bên ni đèo Hải Vân. Nhưng rồi chúng tôi cũng qua được tiết đông thiên năm ấy bởi những tấm chăn đắp chung ấm áp với bạn bè. Và những năm sau nữa. Nhưng có lẽ sẽ là một vùng ký ức không thể nguôi quên khi mà tích góp ki bo lắm, hai chị em mới mua được… một chiếc áo phao màu tím. Chiếc áo ấy, chẳng khác nào “huyền thoại Chử Đồng Tử” khi mà chị được trường cho đi tham quan ở Hà Nội nên dĩ nhiên được nhường luôn phần áo đẹp. Giờ đây, nhớ lại tuần lễ cách xa đó, tôi vẫn như còn nghe xương cốt mình tê cóng cả một trời nhớ thương.

Tôi đã sống những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất của một đời người gần mười năm trên đất Huế. Trong quãng thời gian nhiều ước vọng ấy, có biết bao cơn mưa chốn kinh thành đã rơi xuống nỗi niềm đứa “học trò xứ Quảng”. Nhờ mưa ấy, tôi đã được vạn lần “nương nhờ lúc thở than”. Nhờ mưa ấy, con đường từ ký túc xá vào lớp học, từ giảng đường tới hằng hà sa số những chốn thân quen như cà-phê Thảo Vy, phố cổ Bao Vinh, như chùa Huyền Không, Trường Tiền, Đập Đá… đã tựu thành thơ mộng hơn bao giờ hết. Nhờ mưa ấy, lần đầu tiên tôi đã biết những rung động yêu đương khe khẽ. Nhờ mưa ấy, với tôi Huế không chỉ là “đất ở” nên không có cái thường thức vô tâm như Giả Đảo trong Độ Tang Càn: Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương/ Quy tâm nhật dạ ức Hàm Dương (Ở trọ Tinh Châu đã mười mùa sương/ Ngày nào đêm nào cũng nhớ về Hàm Dương). Nỗi lòng bi kịch ấy, có lẽ nhờ mưa, đã không rơi trúng tim tôi!

Trời mưa ở Huế sao buồn thế. Và nhiều người đều đồng ý với tôi rằng, cứ kéo dài ra đến… mấy tuần! Mấy tuần, chắc cũng chưa đủ để tả, để gợi nỗi sầu trong mưa Huế. Và khi mưa đã rơi đủ chán chê, đủ thê lương ảo não, thì “mưa trên ngày tháng đó” nhất định sẽ trở thành một mùi hương kỷ niệm. Một thứ kỷ niệm khó phai tựa hồ như trong những ngày ngưng mưa và giá buốt, có ai đó đi ngang căn phòng hẹp, chỉ để tặng bạn những bông margaritte trắng tinh khôi vừa mua ở chợ Đông Ba.

NGUYỄN THỊ THANH THẢO

;
.
.
.
.
.