Phát triển thư viện thời công nghiệp 4.0

.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự ra đời của nhiều ngành khoa học mới đã làm cho khối lượng thông tin gia tăng nhanh chóng, dẫn đến hiện tượng “bùng nổ” thông tin. Trước tình hình đó, nếu không kịp thay đổi thì sẽ dẫn đến việc sinh viên quay lưng với thư viện.

Thư viện các trường đại học cần phải đổi mới để đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đọc sách và trao đổi bài tại Trung tâm Học liệu và truyền thông của trường. Ảnh: K.N
Thư viện các trường đại học cần phải đổi mới để đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đọc sách và trao đổi bài tại Trung tâm Học liệu và truyền thông của trường. Ảnh: K.N

Thư viện còn phục vụ kiểu truyền thống

Thực tế hiện nay, các thư viện ở Việt Nam chủ yếu làm việc theo phương thức truyền thống. Nghĩa là khi độc giả có yêu cầu thì cán bộ thư viện mới tìm kiếm, thu thập và xử lý thông tin. ThS Vũ Thị Ân, Phó Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Đà Nẵng cho rằng cần đổi mới trong hoạt động cung cấp dịch vụ thông tin thư viện hiện đại tới người dùng như phương thức phục vụ theo kiểu nhà hàng.

Tức là phải phân phối nội dung thông tin quan trọng để đáp ứng nhu cầu thông tin mà họ cần hoặc thậm chí khi nhu cầu chưa xuất hiện nhưng vì sự tiếp thị hấp dẫn của thư viện mà độc giả đã muốn “ăn thử”.

Không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực về phương diện truyền thông quảng bá đã và đang diễn ra trong hoạt động thư viện nói chung, đặc biệt là việc quảng bá thư viện thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, đối với thư viện đại học, ứng dụng công nghệ trong việc quảng bá đến với người đọc hầu như chỉ tập trung chủ yếu vào trang web. Bởi vậy, theo ThS Phạm Thị Hương, giảng viên Trường Đại học Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, thay vì đưa bạn đọc đến thư viện thì các trường cần chuyển sang đưa thư viện đến với bạn đọc, tức là phải tạo những điều kiện thuận tiện nhất để bạn đọc thích và thường xuyên đến với thư viện.

Tại hội thảo “Tác động của cuộc cách mạng 4.0 đến hoạt động Thông tin - Thư viện” do Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tổ chức vừa qua, ThS Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho biết, thời gian qua, thư viện các trường đại học thực hiện còn yếu do nhiều vướng mắc trong các quy định, thủ tục hành chính, hạ tầng công nghệ thông tin…

Sắp tới, công tác này cần phải được tiến hành mạnh mẽ hơn nhằm tránh lãng phí tài nguyên và nguồn lực thông tin trong các trường đại học. Bên cạnh đó, vẫn còn những trường đại học khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ… nên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thư viện còn hạn chế. Đồng thời còn tình trạng cán bộ thủ thư ngại học tập nâng cao trình độ, ít có chí tiến thủ.

Cần mạnh dạn thay đổi

Năm 2008, Trường Cao đẳng Lương thực-Thực phẩm Đà Nẵng ứng dụng phần mềm thư viện điện tử, làm thay đổi phương thức hoạt động nghiệp vụ cũng như công tác phục vụ bạn đọc nơi đây. Năm 2011, thư viện số được hình thành đã  mở rộng hình thức phục vụ đa dạng với nguồn tài liệu phong phú, đồng thời liên kết với các trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp thư viện phục vụ đa dạng, chia sẻ thông tin rộng khắp cả về thời gian và không gian, trao đổi thông tin nhanh chóng thuận lợi, rút ngắn quá trình tìm kiếm cung cấp thông tin một cách thuận tiện và đạt hiệu quả nhất.

Bà Ông Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Thư viện nhà trường cho biết, xu hướng phát triển của thư viện là giúp bạn đọc ít phụ thuộc vào thư viện giảm công sức đi lại của bạn đọc bằng cách giúp họ nắm vững kỹ năng thông tin để tự tìm kiếm; các dịch vụ hầu như được cung cấp từ xa.

Bà Hoàng Thị Nhung, cán bộ Trung tâm Học liệu và truyền thông của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho rằng, thư viện cần phải xây dựng chương trình kiến thức thông tin hoàn chỉnh từ những kiến thức cơ bản đến những kiến thức nâng cao một cách đầy đủ có hệ thống.

Đồng thời, cần tăng cường mối liên kết hợp tác giữa thư viện với đội ngũ giảng viên để kịp thời cập nhật nội dung kiến thức môn học. Theo bà Nhung, hoạt động thông tin thư viện trong trường đại học bên cạnh việc xây dựng cho mình những kế hoạch hoạt động loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ giảng dạy nghiên cứu và học tập của các đối tượng người dùng, cũng cần góp phần cùng nhà trường trang bị cho họ những kỹ năng và kiến thức để làm chủ thế giới thông tin.

Đó chính là sự tổng hợp những kỹ năng nhận dạng nhu cầu thông tin của bản thân định vị nguồn thông tin phù hợp với nhu cầu tổ chức nguồn thông tin tìm được một cách hợp lý, thẩm định nguồn thông tin đã được lựa chọn sử dụng thông tin đó một cách hiệu quả.

ThS Nguyễn Hữu Giới cũng cho rằng, trong tương lai các thư viện phải đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc và những yêu cầu xã hội đặt ra. Trong đó, có nhiều hình thức mới như truy cập tài liệu mở đa phương tiện để độc giả tiếp cận với thông tin tri thức tiện lợi thoải mái hơn. Bạn đọc tự chọn sách và cán bộ thư viện chỉ cần giám sát theo dõi. Ngoài ra, cán bộ thư viện cũng phải quảng bá hình ảnh của thư viện, đưa các loại sách mới đến gần hơn với bạn đọc.

ThS Vũ Thị Ân thì cho rằng phần lớn dịch vụ trong thư viện được triển khai dựa trên các sản phẩm thông tin những ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ cho phép các thư viện có thể tạo lập các sản phẩm và triển khai các dịch vụ theo hướng ứng dụng công nghệ.

Những dịch vụ này mang đến nhiều ưu điểm vượt trội như khả năng liên kết chia sẻ, khả năng khai thác tương tác thông qua môi trường mạng không bị lệ thuộc vào không gian thời gian.

Việc tăng cường các sản phẩm và dịch vụ thông tin theo hướng ứng dụng công nghệ là giải pháp tất yếu để các thư viện có thể nâng cao chất lượng dịch vụ của mình. Dịch vụ thông tin thư viện hiện đại cần thúc đẩy tạo ra tri thức chứ không chỉ đơn thuần giúp người dùng tiếp cận kiến thức.

Thư viện trong thế kỷ 21 đã vượt ra ngoài bức tường vật lý của cơ sở trường học để tiếp cận với các không gian chuyên thông tin truy cập trực tuyến.

Trước thực tế này, theo TS Lê Phước Cường, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Học liệu và truyền thông Trường ĐH Bách khoa, yêu cầu đối với các thư viện đại học hiện nay không chỉ dừng lại ở việc tổ chức lưu trữ số lượng lớn các nghiên cứu chuyên sâu mà còn bảo đảm tính sẵn sàng cho các nguồn dữ liệu, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các nhà nghiên cứu.

Sự chuyển đổi không chỉ về thể loại tài nguyên ngoài các tài liệu truyền thống được bổ sung mà còn là cách thức bổ sung, phương thức tiếp nhận các đơn đặt hàng yêu cầu của giảng viên, các nhà khoa học một cách trực tiếp và trực tuyến thông qua ứng dụng đọc trực tuyến. Bởi vậy, nếu không thay đổi thì thư viện các trường đại học sẽ không đáp ứng được yêu cầu của người đọc hiện nay.

Theo khảo sát nhỏ của nhóm giảng viên Trường Đại học Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, sinh viên đến thư viện để tìm tài liệu hoặc đọc sách chưa nhiều. Cụ thể, có 84% sinh viên tìm kiếm tài liệu học tập từ Internet, 9% từ thư viện và 7% từ các nguồn khác.

Khi được hỏi vì sao ít đến thư viện thì nhiều sinh viên cho biết do chủ quan nghĩ là thư viện ít tài liệu, thủ tục thư viện tốn thời gian, không biết các dịch vụ ở thư viện; tài liệu đã có sẵn trên mạng…

KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.
.