Hòn đất mà biết nói năng…

.

1. Hòn đất mà biết nói năng/ Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn - câu ca dao xưa khẳng định đất không biết nói, cho nên không thể tự vạch trần kẻ lừa đảo đang thổi phồng về giá trị thật của mình, rằng cuộc đất này tụ khí ra sao, hợp phong thủy thế nào… Nhưng dẫu ngày xưa đất biết nói đi chăng nữa thì cũng chỉ phải đối phó với các thầy địa lý giả hiệu chuyên lợi dụng sự thiếu hiểu biết về khoa học phong thủy của thân chủ để nâng giá trị tâm linh nhiều khi không có thật của một cuộc đất nào đó. Còn đất ngày nay mà biết nói thì không chỉ phải đối phó với các thầy địa lý giả hiệu chuyên “hành nghề” vừa bằng lời nói vừa bằng sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện thông tin hiện đại, chẳng hạn như điện thoại thông minh… Bởi ngày nay đang có thêm một lực lượng lừa đảo đông đảo không kém các thầy địa lý giả hiệu thời kỹ thuật số là các… “cò đất” chuyên môi giới mua bán nhà đất với vô vàn thủ đoạn để thổi phồng giá trị kinh tế của bất động sản. 

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Có một nhà báo từng chơi chữ rất hay: bất động sản bất động… sảng! Bất động sản đương nhiên là bất động, bởi làm sao mà di chuyển một mảnh đất - kể cả những mảnh đất không chỉ là đất ở mà đã hóa tâm hồn theo cách nói của Chế Lan Viên - từ chỗ này sang chỗ khác. Ngay cả nhà thì muốn di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác cũng phải nhờ đến tài năng của một vài “thần đèn” xưa nay hiếm, mà giỏi lắm chỉ trong vòng chục thước. Nhưng bất động sản lại có thể biến động về giá trị kinh tế, chẳng hạn nhờ chỉnh trang đô thị, giá đất giá nhà ở một số tuyến đường được nâng cao hơn trước, nhất là với nhà có số phố có tên… Có điều động đến mấy cũng có ngày… bất động trở lại và khi bỗng dưng… “đóng băng”, “vỡ bong bóng” như vậy thì bất động sản đã thành bất động… sảng - gây bất ngờ, làm bất tỉnh. Và người dễ bất ngờ nhất, dễ bất tỉnh nhất, dễ sảng nhất chính là những người mua đất bán kiếm lời, thậm chí dốc hết vốn liếng kể cả vay tiền đầu tư vào đất.    

Tình trạng bất động sản thành bất động… sảng hay xảy ra sau khi giá nhà đất tăng nhanh bất thường - ngôn ngữ thời thượng gọi là “sốt đất”. Trong tiếng Việt hiện đại, từ “sốt đất” thuộc loại sinh sau đẻ muộn, so với những “sốt rét”, “sốt xuất huyết” hay “sốt ruột”… Thực ra “sốt đất” là cách nói hình ảnh nhằm cảnh báo tính chất nguy hiểm của tình trạng giá nhà đất tăng nhanh bất thường chủ yếu do các “cò đất” dùng thủ đoạn có khi rất quen thuộc để thổi phồng giá trị kinh tế của bất động sản; hoặc do nhà đầu tư đã biến chất thành nhà đầu cơ. Nhưng dẫu là do nguyên nhân nào thì “sốt đất” cũng nguy hiểm không kém sốt rét ác tính hoặc sốt xuất huyết luôn tiềm ẩn khả năng dẫn đến tử vong nếu không được chữa chạy kịp thời và đúng cách. Tương tự, những người đầu tư mua đất ngay trong cơn “sốt đất” và sau đó là rơi vào tình trạng “đóng băng”, “vỡ bong bóng” cũng sẽ mất nhiều thứ, kể cả mất mạng - chủ yếu do suy sụp tinh thần tự tìm đến cái chết...

2. Đất ngày nay mà biết nói thì không chỉ ngăn được các thầy địa lý giả hiệu thời kỹ thuật số chuyên thổi phồng giá trị tâm linh của nhà đất, không chỉ ngăn được các “cò đất” ham hố hoa hồng chuyên thổi phồng giá trị kinh tế của bất động sản, từ đó tạo nên nhiều bi kịch cuộc đời làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Đất ngày nay mà biết nói còn có thể ngăn được không ít lãnh đạo quản lý địa phương hoặc do thiếu tầm nhìn về phát triển bền vững, về kết hợp kinh tế với quốc phòng và với văn hóa, hoặc do thiếu liêm chính, đã vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho các nhà đầu cơ bất động sản chỉ biết chạy theo lợi nhuận, nhân danh dự án du lịch “sinh thái” sẵn sàng xóa sổ di tích văn hóa lịch sử hàng trăm năm tuổi, sẵn sàng “xẻ thịt” rừng cấm quốc gia… Tiếc rằng đất mãi mãi không biết nói! Cho nên mới có câu chuyện làng chài Nam Ô đang dần xa dần qua, mới có câu chuyện voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà kêu cứu... Phải chi ngay từ đầu đất biết nói năng…

Ai cũng biết có khi bước một bước thôi đã tới gần, mà có khi bước cả chục bước, trăm bước, thậm chí nghìn bước lại càng xa nơi cần đến, tất thảy đều phụ thuộc vào việc bước đúng hướng hay không. Ai cũng thừa nhận muốn phát triển thành phố trở thành một đô thị văn minh hiện đại, người Đà Nẵng không thể không chỉnh trang đô thị, không thể không mở những con đường mới, không thể không nâng cấp những con đường nhỏ hẹp... Ai cũng thừa nhận muốn phát triển thành phố trở thành một đô thị văn minh hiện đại, người Đà Nẵng không thể không hình thành thêm những khu dân cư hoặc những chung cư cao tầng… Trong công cuộc chỉnh trang đô thị liên quan đến đất với quy mô và tốc độ như mấy thập niên vừa qua, cái được là rất lớn, rất bao trùm; nhưng công bằng mà nói, để có cái được rất lớn, rất bao trùm cho hàng chục vạn người thụ hưởng ấy, cư dân nghèo - trước hết là nông dân - vẫn chịu thiệt thòi nhiều hơn cả.

Vì cái chung, cái lớn mà hàng trăm hộ dân nghèo, nông dân phải thu hẹp thậm chí xóa trắng diện tích canh tác, phải thu hẹp diện tích thổ cư thậm chí phải di dời đến nơi ở mới để bàn giao mặt bằng phục vụ công cuộc chỉnh trang đô thị. Cũng có trường hợp bà con dân nghèo, nông dân được bồi thường tương đối thỏa đáng, cũng có trường hợp nhờ quy hoạch mở đường mà bà con có chỗ ở mới khang trang hơn trước; nhưng phần lớn trường hợp là bà con đã chấp nhận thiệt thòi khi thực hiện chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm”, sẵn sàng chia sẻ khó khăn trong lúc chính quyền thành phố còn đương thiếu vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng. Và dẫu là trường hợp nào đi nữa, bà con dân nghèo/nông dân cũng đều phải chịu mất ổn định trong đời sống thường nhật, kể cả sự xáo trộn liên quan đến đời sống tâm linh, đến những kỷ niệm của đời người; đến nay nhiều người vẫn còn đương lúng túng trong việc chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp…

Và không ít người trong số họ còn trở thành nạn nhân của các cơn “sốt đất”, các đợt “đóng băng”, các lần “bong bóng vỡ”… Thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, họ chỉ có thể ngồi tiếc. Có người tiếc là đã bán đất quá sớm, bởi thấy giá đất tăng chóng mặt. Có người tiếc vì giá đất tăng chóng mặt mà mất bạn - hoặc do mình hoặc do bạn không giữ được chữ tín thậm chí mang tiếng lật lọng lật kèo. Có người lại tiếc sao không bán đất sớm hơn, khi “bong bóng” lóng lánh sắc màu hào nhoáng kia còn chưa vỡ. Cũng có người không tiếc cho mình mà tiếc cho cái chung - rằng phải chi chỗ này vẫn còn làng hoa làng rau. Cũng có người không tiếc cho mình mà tiếc cho người khác - rằng phải chi họ sớm biết dừng. Cũng có người không tiếc cho mình mà tiếc cho những người lãnh đạo không lắng nghe được đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ những buổi ngày xưa vọng nói về (Nguyễn Đình Thi - bài thơ Đất nước).

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.
.