Góp phần xử lý rác thải nhựa

.

Việc mua – bán phế liệu nhựa ở những cửa hàng phế liệu đã và đang góp phần không nhỏ trong việc phân loại, xử lý rác thải nhựa, giảm ô nhiễm môi trường.

Hàng chục tấn phế liệu thu gom mỗi ngày

Gần 7 giờ tối, chị Hồ Thị Lệ (chủ một cơ sở thu mua phế liệu trên đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà) vẫn ngồi ngập trong “núi” túi ni-lông, chai nhựa các loại tỉ mỉ phân loại, buộc thành từng lô lớn để kịp sáng mai giao hàng.

Chị Lệ cho biết, vợ chồng chị bén duyên với nghề thu mua phế liệu chừng 15 năm nay. Lúc đầu chưa có vốn, chị rong ruổi khắp nơi với chiếc xe đạp cũ thu mua phế liệu đủ loại: sắt vụn, lon bia, đồ nhựa, dây đồng, giấy các loại... “Nói chung ai có cái gì không dùng tôi mua hết, rồi về phân loại bán”, chị Lệ kể. Sau khi có được ít vốn, vợ chồng chị mở cơ sở thu mua phế liệu tại nhà hiện nay.

Các cơ sở thu mua nhựa phế liệu góp phần vào xử lý rác thải nhựa trên địa bàn thành phố. (Ảnh chụp tại cơ sở thu mua phế liệu của chị Phan Thị Thiện, quận Sơn Trà).
Các cơ sở thu mua nhựa phế liệu góp phần vào xử lý rác thải nhựa trên địa bàn thành phố. (Ảnh chụp tại cơ sở thu mua phế liệu của chị Phan Thị Thiện, quận Sơn Trà).

So với những người cùng nghề, cơ sở thu mua phế liệu của vợ chồng chị Lệ thuộc quy mô “thường thường bậc trung”, không vào hàng lớn, cũng không quá nhỏ lẻ, gom đủ thứ phế liệu (trừ những phế liệu có nguy cơ gây cháy nổ cao như bom mìn, bình ga cũ...) Riêng túi ni-lông các loại, chị Lệ thu mua chừng 30 kg/ngày.

Tính cả các loại phế liệu bằng nhựa như chai, lon nhựa, hộp đựng đồ ăn..., cơ sở này gom chừng 9 tạ/tuần và mỗi tuần, bạn hàng sẽ vận chuyển đến điểm gom lớn hơn, hoặc nhà máy ép, tái chế lại đồ nhựa, túi ni-lông.

Nhờ quen biết lâu năm, phế thải nhựa chỗ cơ sở phế liệu Hồ Thị Lệ thu mua chủ yếu đồ phế thải của các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn nên nguồn hàng khá dồi dào, ổn định. Ngày nào vợ chồng chị cũng quần quật gom, phân loại hàng từ sáng sớm đến 9 - 10 giờ đêm.

Dạo một vòng quanh các phường An Hải Đông, An Hải Tây, Thọ Quang, Mân Thái, Nại Hiên Đông, An Hải Bắc (quận Sơn Trà) có thể thấy, để tìm cơ sở thu mua phế liệu không hề khó. Có những con đường cứ đi chừng vài trăm mét thì có một cơ sở thu mua phế liệu.

Nhiều người cho rằng, đây là nghề có thể kiếm ra tiền, ngay cả những người đi thu mua nhỏ lẻ cũng không lo đói, vì vậy nhiều người đổ xô làm và nhất là trong điều kiện phế liệu nói chung, nhựa nói riêng có thể thu được ở khắp nơi như hiện nay.

Chẳng thế mà, gia đình chị Phan Thị Thiện (trú ở khu dân cư An Vĩnh, phường An Hải Tây), sau khi không thể tiếp tục đánh bắt cá gần bờ, cả nhà đã vớ lấy cái nghề thu mua phế liệu như chiếc “phao cứu sinh” hơn hai năm nay.

Sau khi xin phép phường sử dụng bãi đất trống cuối đường Hà Thị Thân làm chỗ chứa phế liệu, mỗi ngày chị Thiện thu được chừng vài chục ký phế liệu, cuộc sống cũng vừa đủ đắp đổi qua ngày.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thu mua phế liệu trên địa bàn hiện chia nhiều tầng bậc, cơ sở lớn nhỏ khác nhau.

Trừ nhà dân, khách sạn, nhà hàng tự gom đi bán, những người rong ruổi một mình với chiếc xe đạp, xe máy đi rao mua phế liệu tới từng nhà dân là bậc đầu tiên. Số phế liệu thu được mỗi ngày họ sẽ đến bán lại cho các cơ sở thu gom tại chỗ như chị Thiện, lớn hơn như cơ sở chị Lệ. Và với khối lượng không hề nhỏ tại cơ sở phế liệu Hồ Thị Lệ, sẽ vẫn có những cơ sở thu gom lớn hơn, mới đi đến các nhà máy tái chế.

Giá thu mua phế liệu  theo đó cũng dao động từ 3.000 – 5.000 đồng đến vài chục nghìn đồng/kg. Theo chia sẻ của chủ cơ sở thu mua phế liệu Trung Lài - một cơ sở thu mua phế liệu lớn bậc nhất quận Sơn Trà (đầu tư hẳn máy ép nhựa tại chỗ) tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, mỗi ngày cơ sở này thu mua chừng 1 tấn phế liệu nhựa do gom từ khoảng 10 cơ sở thu mua phế liệu nhỏ hơn trên địa bàn.

Các loại chai lọ nhựa sau khi thu mua về sẽ được cơ sở này ép tại chỗ rồi chuyển đi các nhà máy ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Riêng phế liệu nhựa là ni-lông các loại sẽ được vận chuyển về khu công nghiệp Hòa Khánh, nơi có các nhà máy chuyên tái chế nhựa, sản xuất túi ni-lông lớn.

Đến địa bàn dân cư các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, số cơ sở thu mua phế liệu càng dày đặc và quy mô càng lớn. Bà Lê Thị Minh (chủ cơ sở thu mua phế liệu tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cho biết, cơ sở này chỉ chuyên gom phế liệu nhựa, mỗi ngày con số thu gom lên đến tạ hoặc tấn. Ngoài ra, mỗi tháng bà Minh sẽ có những chuyến đi gom hàng xa ở các quận Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn.

Ít nhất mỗi chuyến đi như vậy, bà Minh gom được khoảng 10 tấn phế liệu nhựa. Và theo bà Minh, một số phế liệu nhựa cũng sẽ được ép trước khi đưa đi Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, số còn lại vào khu công nghiệp Hòa Khánh.

Cần có sự giám sát, kiểm tra phù hợp

Theo thống kê sơ bộ của Phòng Tài chính - Kế hoạch quận Sơn Trà, hiện trên địa bàn có 17 cơ sở thu mua phế liệu có đăng ký giấy phép kinh doanh. Đại diện lãnh đạo phòng này cho biết, vì đây là ngành nghề kinh doanh không cần quá nhiều điều kiện khó nên các hộ mở ra khá nhiều và 17 cơ sở chắc chắn chưa phải con số thực tế.

Theo chia sẻ của các cơ sở thu mua phế liệu, việc kinh doanh của họ khá suôn sẻ, thi thoảng chừng vài ba tháng sẽ có cán bộ chức năng quận đến kiểm tra xem có bình chữa cháy, có bảo đảm vệ sinh là xong.

Ông Đoàn Văn Đức, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường quận Sơn Trà, cho rằng vai trò của các cơ sở thu mua phế liệu trong việc thu gom, phân loại, xử lý, phế liệu, rác thải nhựa là rất lớn. “Thử hình dung nhà dân, đường phố, nhà hàng, khách sạn một tuần không được thu gom rác thải, phế liệu nói chung, rác thải nhựa nói riêng sẽ ngổn ngang, ô nhiễm như thế nào.

Vì vậy, tôi nghĩ đây là ngành nghề nên được khuyến khích, vừa góp phần tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho một bộ phận người dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường”, ông Đức nói. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa chính quyền chỉ khuyến khích một chiều, “thả nổi” việc kinh doanh của các cơ sở này mà cần có sự giám sát, kiểm tra phù hợp.

Mỗi tuần, cơ sở của chị Hồ Thị Lệ gom chừng 9 tạ nhựa phế liệu.Ảnh: T.T
Mỗi tuần, cơ sở của chị Hồ Thị Lệ gom chừng 9 tạ nhựa phế liệu.Ảnh: T.T

Một số ý kiến khác lại cho rằng, so với hàng loạt bức xúc về môi trường và rất nhiều điểm nóng xã hội khác cần giải quyết ngay thì việc kiểm soát các cơ sở thu mua phế liệu chưa phải là đối tượng cần ưu tiên trước.

Một cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố cho rằng vấn đề an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường tại các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn thành phố hiện đang trong tầm kiểm soát, chưa đến mức quá quan tâm, lo ngại.

Điều cần bàn là làm sao giảm thiểu lượng rác thải nhựa rất lớn và có chiều hướng tăng trên toàn thành phố hiện nay và có hướng thu gom, xử lý tốt hơn.

Theo ước tính của Chi cục Bảo vệ Môi trường thành phố, hiện mỗi ngày, số chất thải rắn thu gom được trên toàn thành phố là khoảng 900 tấn, trong đó, rác thải nhựa chiếm 11-14%, nghĩa là mỗi ngày toàn thành phố gom được khoảng trên 90-100 tấn rác thải nhựa, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sống nghiêm trọng nếu không được phân loại, tái sử dụng hợp lý.

Để mục tiêu đến năm 2020 sẽ xử lý, tái chế trên 80% rác thải rắn đô thị trên toàn thành phố, trong đó có rác thải nhựa, thiết nghĩ, rất cần những hành động thiết thực ngay từ bây giờ, trong đó có những giải pháp thúc đẩy vai trò tích cực của các cơ sở thu gom phế liệu, để những cuộc giao dịch nhựa phế liệu ngày càng chuyên nghiệp hơn, hữu ích hơn.

Theo ước tính của trang web statista.com (website về thống kê hàng đầu trên thế giới), các sản phẩm được sản xuất từ nhựa riêng năm 2016 là 335 triệu tấn và có xu hướng tăng. Song, lượng sản phẩm nhựa thải bỏ được tái chế đúng cách mới chỉ chiếm 10%, 90% còn lại kết thúc vòng đời ở bãi rác hoặc môi trường tự nhiên.

Theo ước tính của các nhà khoa học, mỗi năm có khoảng 8,8 triệu tấn rác thải nhựa chìm xuống đáy đại dương, và đang có khoảng 270.000 tấn rác nhựa trôi nổi trên mặt biển, điều này khiến 700 loài sinh vật gặp nguy hiểm, thậm chí đe dọa tuyệt chủng, do ăn phải hoặc bị mắc kẹt với các loại rác thải nhựa.

Theo ước tính trong khoảng 10 năm tới, lượng rác thải nhựa ra biển sẽ tăng gấp đôi nếu chúng ta không hành động. Vào năm 2050, các đại dương sẽ chứa nhiều rác thải nhựa hơn các loại cá.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia đứng thứ 4 trong nhóm những quốc gia thải nhiều rác thải nhựa ra biển nhất, khối lượng rác thải nhựa từ Việt Nam thải ra Biển Đông dao động trong khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới.

Ngoài ra, các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy một số loại rác thải nhựa ngoài biển theo thời gian sẽ bị phân tách ra thành những phân tử nhựa rất nhỏ, mắt thường không thể nhìn thấy được, hòa lẫn trong nước, các loài sinh vật ở biển thay vì ăn thức ăn hữu cơ lại ăn phải phân tử nhựa này, bị nhiễm độc và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người khi ăn những loại hải sản đó.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam)

THANH TÂN
 

;
.
.
.
.
.
.