Vị vua khởi dựng Bia Tiến sĩ ở Quốc Tử Giám

.

* Vị vua nào đưa ra ý tưởng và cho dựng Bia Văn miếu tại Quốc Tử Giám, Hà Nội? Việc này được tiến hành ra sao? (Hà Văn Mau, Hải Châu, Đà Nẵng).

Khách nước ngoài tham quan Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.Ảnh: V.T.L
Khách nước ngoài tham quan Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.Ảnh: V.T.L

- Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám (còn gọi là Bia Tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long) là các bia đá ghi tên những người đỗ Tiến sĩ các khoa thi thời Lê sơ, thời Mạc và thời Lê trung hưng (1442 - 1779). Tất cả có 82 tấm bia đá, được dựng từ năm 1484 (niên hiệu Hồng Đức thứ 15) đến năm 1780 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41), khắc các bài văn bia đề danh Tiến sĩ đỗ các khoa thi Đình từ năm 1442 (niên hiệu Đại Bảo thứ 3) đến năm 1779 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40).

Trong số 82 bia nói trên, có 7 bia đầu tiên được dựng trong năm 1884 theo chủ trương đề cao Nho học và tôn vinh bậc tri thức Nho học đỗ đại khoa của vua Lê Thánh Tông (Lê Thánh Tôn). Trong số 7 bia này có 2 bia đầu tiên được lập cho hai khoa thi Đình của các triều vua trước, đó là các khoa năm 1442 và khoa năm 1448. Nhà vua cử hai vị Đông Các đại học sĩ (sau này cũng là 2 Phó súy Tao đàn Nhị thập bát Tú do Lê Thánh Tông sáng lập và làm Chủ súy) là Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận soạn các bài văn bia cho hai bia đại diện này và dựng riêng trong hai đình dựng bia Tả vu và Hữu vu.

Theo tư liệu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (truy cập tại địa chỉ hannom.org.vn), trong 2 bia đại diện nói trên, bia số 1 đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442) do Thân Nhân Trung soạn, có câu: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”.

Nói về công trình văn hóa - lịch sử được dựng trong thời gian gần 300 năm này, bài viết “Vua hiền có Lê Thánh Tông...” đăng trên Báo Nhân Dân cuối tuần phát hành ngày 4-12-2016 có đoạn như sau: “Thời kỳ Lê Thánh Tông trị vì, xã hội phát triển mọi mặt, đất nước đạt tới đỉnh cao cường thịnh, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc với những giá trị văn hóa vô cùng lớn: Hồng Đức thiên hạ bản đồ, Hồng Đức hình luật, Thiên Nam dư hạ tập, Hồng Đức quốc âm thi tập... Ông là người cho khởi dựng Bia Tiến sĩ ở Quốc Tử Giám, là người đầu tiên cho đặt Trường thi võ ở phía tây Kinh thành (địa điểm Giảng Võ ngày nay).

(…)

Có thể nói, bằng tài năng văn hóa kiệt xuất của mình, Lê Thánh Tông có công lao tạo lập cho thời đại ông một nền văn hóa với diện mạo riêng, khẳng định bước phát triển của lịch sử văn hóa dân tộc. Nền giáo dục khoa cử nước ta thịnh đạt đặc biệt và vai trò trí thức được đề cao chưa có thời nào được như thời Lê Thánh Tông. Ngoài Hàn lâm viện, Quốc sử viện, Nhà Thái học, Quốc Tử Giám là các cơ quan giáo dục và văn hóa lớn của Nhà nước, Thánh Tông còn cho xây Kho bí thư để chứa sách, và lập Hội Tao đàn do ông làm Tao đàn Nguyên súy, vừa sáng tác văn chương vừa nghiên cứu phê bình”.

Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức Thế giới vào ngày 9-3-2010, tại Macau (Trung Quốc). Sau Mộc bản triều Nguyễn, Bia Tiến sĩ Văn Miếu là di sản tư liệu thứ hai của Việt Nam được đưa vào danh mục Di sản tư liệu thế giới.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.
.