Văn Hà - một thuở vàng son

.

Đã vơi những tiếng cưa, tiếng đục, tiếng bào, chỉ còn cánh cổng làng định danh, mái đình cổ ám bụi và những đau đáu nghề xưa của thế hệ đương thời. Đó là câu chuyện về làng mộc Văn Hà có tuổi đời 300 năm (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) sau những năm tháng thăng trầm.

Trên bản đồ hiện tại, làng Văn Hà thuộc thôn Phú Văn, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, cách UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam chừng 8km về hướng Tây Bắc. Theo tư liệu của UBND xã Tam Thành, đất Văn Hà xưa thuộc tổng Chiên Đàn, đến thời nhà Nguyễn thì thuộc tổng Vinh Quí, huyện Hà Đông, Thăng Bình Phủ, gồm 2 làng Văn Hà và Văn An.

Đã vơi những tiếng cưa, tiếng đục, tiếng bào, chỉ còn cánh cổng làng định danh, mái đình cổ ám bụi và những đau đáu nghề xưa của thế hệ đương thời. Đó là câu chuyện về làng mộc Văn Hà có tuổi đời 300 năm (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) sau những năm tháng thăng trầm.
Ông Phạm Miên bên chiếc lồng đèn gỗ được chế tác kỳ công. Ảnh: NAM ĐỊNH

Những năm tháng “vàng son quá vãng”

Tuổi của Văn Hà đã tròm trèm 3 thế kỷ. Di sản của làng trong những năm tháng “vàng son quá vãng” đó có thể kể tới hai Di tích cấp quốc gia là Khổng Miếu (Tam Kỳ) và đình Chiên Đàn (Phú Ninh), hai Di tích cấp tỉnh là đình Phương Hòa và đình Mỹ Thạnh (Tam Kỳ). Đặc biệt là cụm nhà cổ có niên đại 80-150 năm tại Di tích cấp quốc gia Làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước).

Xa hơn, ra ngoài ranh giới xứ Quảng, thợ Văn Hà tham gia xây dựng số lượng lớn nhà rường cổ, đình, chùa, dinh thự, đền đài ở Kinh đô Huế và các địa phương khác, được các đời vua nhà Nguyễn là Minh Mạng, Tự Đức, Thành Thái tôn vinh với kỹ thuật “chạm lộng” trứ danh. Ngay tại làng Văn Hà hiện tại còn có rất nhiều nhà cổ với lối kiến trúc đặc trưng, như: “tam nhị hạ thiên”, “tam gia tứ hạ”, “năm gian hai chái cổ lầu”… với những nét chạm khắc tinh xảo. Có ngôi nhà làm toàn bộ bằng gỗ mít, phải mất 3 năm công mới làm xong. Tiếng tăm người thợ Văn Hà đã đi vào câu ca xưa: “Nhất trai Văn Hà, nhì gái Bác Lâm…” (làng Bác Lâm thuộc xã Bình An 2, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).

Tròn 10 năm trước, Văn Hà được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận làng nghề truyền thống. Tổ hợp tác làng nghề ra đời. Theo thống kê của xã Tam Thành, mỗi năm làng mộc này sản xuất gần 300 sản phẩm các loại cho thị trường trong và ngoài tỉnh như: Nhà kết cấu kèo, tủ áo, bàn, ghế, giường, tủ thờ, tủ lippee, các sản phẩm chạm, khắc mỹ nghệ… với doanh thu 2,5 tỷ đồng/năm. Qua đó góp phần đáng kể vào công tác cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo. Ông Phạm Miên, “cựu” thành viên của tổ hợp tác nhớ lại: “Thời “đỉnh cao” của tổ là 3 năm đầu tiên sau ngày thành lập, gần như mọi người làm miệt mài ngày đêm. Lúc máy công nghệ cao  chưa phổ biến, mộc mỹ nghệ phát triển mạnh. Đã từng có thời điểm chúng tôi được mang sản phẩm đi trưng bày và đoạt giải cao, nhận bằng khen ở các sự kiện, hội chợ gần xa, vui lắm…”. 

Đó là câu chuyện của quá khứ. Văn Hà hôm nay cũng như Kim Bồng ở Hội An từng là hai làng mộc trứ danh xứ Quảng. Nếu thợ Văn Hà mạnh về làm nhà, hướng đến điêu khắc đề tài núi non thì Kim Bồng giỏi về nội thất và điêu khắc các đề tài về sông biển. Dẫu cùng số phận chấp chới trong “cơn sóng” mai một nhưng Kim Bồng vẫn còn những chộn rộn dịp giỗ tổ nghề hay sự kiện, lễ hội ở phố cổ, vẫn còn một đội ngũ đông đảo những thợ, nghệ nhân trên nền Di sản Văn hóa thế giới Hội An. Còn Văn Hà dường như đã vơi những tiếng đục, tiếng bào, chỉ còn cánh cổng làng định danh, mái đình ám bụi và những đau đáu nghề xưa của thế hệ đương thời.

Dòng sông vẫn chảy

Ông Phạm Miên tự gọi mình là “cựu” thợ mộc của Văn Hà, bởi ông đã thôi không theo nghề điêu khắc gỗ truyền thống từ 3 năm nay. Ở tuổi ngũ tuần, để bớt nhớ nghề, người thợ cũ của làng dùng kinh nghiệm để sửa chữa, phục hồi, mua bán đồ gỗ… Tổ hợp tác mà ông từng tham gia dường như ở khía cạnh nào đó chỉ còn trên giấy tờ. Tính toàn thôn có 45 thợ mộc nhưng số có tay nghề cao chỉ 5 người. Cây đại thụ của làng - nghệ nhân ưu tú Đinh Thạch (thường được bà con gọi là cụ Thẩm) đã qua đời 2 năm. Cụ Thẩm mất, làng Văn Hà thôi một tiếng đục đẽo. Người làng không ai nói ra, chỉ thầm hiểu nghề xưa đã vơi đi một phần hồn, một “di sản sống” dưới lũy tre làng. Bí quyết chế tác chiếc bàn “độc xoay ma thuật” có thể tự xoay quanh trục bằng sự cảm ứng từ bàn tay người thường cũng dần đi vào quên lãng.

Cách lối vào làng chừng mươi mấy bước chân là đình làng Văn Hà xưa - cũng là nhà truyền thống của người dân thôn Phú Văn. Nhìn các mốc thời gian tu bổ vào những năm 1902, 1957, 2005 mới hiểu mái đình này đã đi qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử. Chỗ này, đúng 15 năm trước từng là nơi cụ Thẩm trực tiếp đào tạo, truyền dạy, nâng cao tay nghề mộc cho hơn chục học viên ngay tại đình làng Văn Hà từ chương trình hỗ trợ kinh phí của UBND huyện Phú Ninh. Đã có những học viên tay nghề cao như Trần Ngọc Tuấn, Phạm Miên… nhưng cũng có người “giữa đường đứt gánh”.

“Nghề làm mộc Văn Hà cũng không dành cho “tay ngang”, không phải ai cũng theo được bởi đòi hỏi phải có năng khiếu, hoa tay, trình độ vẽ, tạo hình, điêu khắc tinh xảo, chấp nhận ngồi đến… đau lưng mới ra “cái hồn” riêng cho tác phẩm, chớ làm theo khuôn rập thì ở mô cũng như nhau”, ông Đinh Kha, con trai cụ Thẩm, nhấn mạnh khi nhắc đến câu chuyện truyền nghề. Cũng vì lý do đó mà bản thân ông không theo nghề cha, hai người con trưởng thành cũng mưu sinh hướng khác.

Chúng tôi đem câu chuyện tổ hợp tác hỏi lãnh đạo xã, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thành Phạm Ngọc Tòng trầm ngâm, đúng là Văn Hà đã từng được UBND huyện Phú Ninh hỗ trợ máy cưa theo chương trình khuyến nông, tuy nhiên vì chưa có mặt bằng xây dựng dẫn đến chưa có cơ sở sản xuất tập trung nên số công cụ này hầu như không được sử dụng. Cũng vì lý do đó mà tổ hợp tác hoạt động rời rạc. Một số thợ chuyển nghề, số còn lại tự cải tiến, kỹ năng, tích cực nhận việc làm mộc gia dụng tại nhà hoặc đi làm nhà cổ, nhà rường, cửa, tủ thờ… theo hợp đồng tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. “Bảo là mai một thì không hẳn là đúng bởi nghề mộc Văn Hà vẫn còn đó, vẫn theo chân người thợ của làng đi khắp nơi. Họ giữ nghề nhưng phát triển nghề theo một hướng khác cho hợp với thị trường”, ông Tòng nói.

Vậy là nghề mộc truyền thống còn đó, nhưng lặng lẽ hơn xưa. Theo xu thế thị trường, người Văn Hà hiểu mộc thủ công khó cạnh tranh với những sản phẩm mộc công nghiệp đại trà có giá thành rẻ và máy móc, khuôn mẫu sản xuất nhanh hơn. Cần bộ cửa hay bộ bàn ghế chỉ cần ra tiệm là có ngay. Chỉ có người thực sự có điều kiện kinh tế mới “dám” đam mê mua hàng điêu khắc truyền thống. Vậy là phải thích nghi, theo lời ông Miên, thợ của làng chuyên môn tốt nhưng gần như không rành mặt tiếp thị, trong khi đó các thôn lân cận trên địa bàn xã vẫn có thợ lành nghề. Nhiều tốp thợ “ghép” đội với nhau cùng đi làm, linh hoạt chuyển đổi, xoay xở để “đứng vững”, cũng giống chiếc bàn “độc xoay” di sản của làng.

Con đường bê-tông khang trang chạy ngang cổng làng dẫn khách ra thẳng quốc lộ 1A, rẽ hướng Nam 5km  là Tam Kỳ, ngược ra hướng Bắc 40km  là người anh em Kim Bồng của phố Hội. Hướng này hay hướng kia cũng đều mang mạch nguồn văn hóa xứ Quảng. Mấy trăm năm trước, ông tổ nghề mộc làng Văn Hà xuất thân gốc gác từ vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh đã cắm sào, cất tiếng búa, tiếng bào, tiếng đục… đầu tiên trên mảnh đất này.

Dấu xưa - nhà truyền thống thôn Phú Văn còn đó, nhưng xuống cấp, biết có chống chọi được bao lâu theo thời gian. Phía xã đã có kế hoạch phối hợp các ngành của huyện Phú Ninh tu bổ nơi đây thành không gian trưng bày các sản phẩm đặc trưng của làng mộc Văn Hà. Nhà xưởng làm mộc tập trung sẽ được hình thành trên quỹ đất đã có vào thời điểm thuận lợi. Định hướng của địa phương là vừa bảo tồn giá trị văn hóa, truyền thống làng nghề vừa phát triển theo hướng đa dạng chủng loại sản phẩm có giá trị, phục vụ cho tiêu dùng nội địa và cả du lịch trong tương lai.

Kế hoạch là vậy, chỉ là cần con người, xa hơn, là một thế hệ kế cận đồng lòng, để tiếp nối di sản được tiền nhân dựng xây từ 300 năm trước.

NAM ĐỊNH

;
;
.
.
.
.
.