Đà Nẵng những năm Thìn sau ngày đất nước thống nhất

.

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, Đà Nẵng đã chào đón bốn năm Thìn: Năm Bính Thìn 1976, năm Mậu Thìn 1988, năm Canh Thìn 2000, năm Nhâm Thìn 2012 và nay là năm Giáp Thìn 2024. Mời bạn cùng điểm lại dấu ấn của Đà Nẵng trong những năm này để phần nào thấy được nỗ lực của chính quyền thành phố để khơi dậy và phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, để trở thành thành phố động lực trong khu vực.

Với nền tảng đã có với động lực, quyết tâm đang có với sự đồng thuận của người dân - chính quyền và với lộ trình đã vạch ra, Đà Nẵng sẽ biến nơi đây thật sự là thành phố đáng đến và đáng sống. Ảnh: X.S
Với nền tảng đã có với động lực, quyết tâm đang có với sự đồng thuận của người dân - chính quyền và với lộ trình đã vạch ra, Đà Nẵng sẽ biến nơi đây thật sự là thành phố đáng đến và đáng sống. Ảnh: X.S

1. Vào năm Bính Thìn 1976, cùng với huyện Hòa Vang bao gồm quần đảo Hoàng Sa, quận I, quận II và quận III vẫn đang là những đơn vị cấp huyện trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, trong đó quận I là tỉnh lỵ. Đây là thời điểm một số cơ sở y tế và giáo dục lớn được thành lập trên địa bàn quận I.

Chẳng hạn như ngày 26-5-1976, Bộ Y tế ra Quyết định số 515-QĐ/BYT về việc thành lập bệnh viện phục vụ sức khỏe cán bộ khu Trung Trung Bộ và vẫn giữ nguyên tên gọi Bệnh viện C Đà Nẵng do Ban Thường vụ Khu ủy 5 đặt. Hay như ngày 27-10-1976, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 426/TTg thành lập Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, cơ sở đặt tại Hòa Khánh và Bắc Mỹ An, đào tạo hai khối ngành kỹ thuật và kinh tế… từ đó đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển Đại học Đà Nẵng sau này.

Cũng năm Bính Thìn 1976 là Đại hội lần thứ XI (vòng 1) Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tiến hành vào ngày 10-11-1976 để bầu đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV nhiệm kỳ 1976-1980 tổ chức tại thủ đô Hà Nội từ ngày 14 đến ngày 20-12-1976. Đặc biệt, nhằm thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, ngư dân Đà Nẵng đã chuyển hai tàu đầy cá ra Hà Nội tặng đại hội.

Vào cuối năm 1976 bưu chính nước ta phát hành bộ tem Tổng tiến công 1975, do ba họa sĩ Trịnh Quốc Thụ, Trần Lương và Trần Ngọc Uyển cùng thiết kế, ghi lại ba mốc chiến công quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Giải phóng Buôn Mê Thuột, Giải phóng Đà Nẵng và Giải phóng Sài Gòn.

2. Năm Mậu Thìn 1988 - thời điểm thành phố Đà Nẵng được hợp nhất từ ba quận I, II, III vào năm 1977 (theo Quyết định số 228-CP ngày 30-8-1977 của Hội đồng Chính phủ), cùng với huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa (được nâng lên cấp huyện theo Quyết định số 194-HĐBT ngày 9-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng) vẫn thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Sự kiện liên hoan phim Việt Nam lần thứ VIII được tổ chức từ ngày 15 đến 22-3 tại Nhà hát Trưng Vương với khẩu hiệu Vì sự sáng tạo nghệ thuật và hoàn thiện con người mới xã hội chủ nghĩa, vì sự phát triển của nền điện ảnh dân tộc. Đây là liên hoan phim quốc gia đầu tiên được tổ chức tại một thành phố miền Trung.

Tuy nhiên, trước khi khai mạc sự kiện nghệ thuật đáng tự hào này một ngày, Đà Nẵng nhận được tin dữ từ phía Biển Đông: Ngày 14-3, Trung Quốc đổ quân xâm chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa và 64 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Công binh 83 (nay là Lữ đoàn Công binh 83) Quân chủng Hải quân đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, trong đó có 9 liệt sĩ người Đà Nẵng.

3. Năm Canh Thìn 2000 là năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương đón chào thiên niên kỷ mới. Cầu Sông Hàn được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 29-3-2000. Đây là cây cầu góp phần đáng kể vào tiến trình đô thị hóa ở phía bờ đông sông Hàn cũng như đi đầu gầy dựng thương hiệu “thành phố những cây cầu”.

Cầu sông Hàn độc đáo không phải vì đây là cây cầu quay duy nhất trong cả nước, mà còn bởi đây là cây cầu được người dân đóng góp một phần kinh phí lên đến 7 tỷ đồng . Và chỉ 2 năm sau, cầu Sông Hàn được lên tem bưu chính: Bộ tem Cầu Việt Nam phát hành năm 2002 giới thiệu về cầu Long Biên của Hà Nội, cầu Tràng Tiền của Thừa Thiên Huế, cầu Mỹ Thuận nối Tiền Giang với Vĩnh Long và cầu Sông Hàn của Đà Nẵng. Đồng thời, cùng với Ngũ Hành Sơn, cầu Sông Hàn trở thành hình ảnh biểu trưng chủ đạo trong logo của Đà Nẵng do họa sĩ Nguyễn ThủyLiên thiết kế.      

Năm Canh Thìn 2000 cũng là năm chính quyền Đà Nẵng khởi xướng một chương trình an sinh xã hội nổi tiếng là “Thành phố 5 Không”: Không có hộ đói, Không có người mù chữ, Không có người lang thang xin ăn, Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và Không có giết người để cướp của. Năm mục tiêu này thường xuyên được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của thành phố bên sông Hàn, qua đó góp phần tạo thêm những điểm sáng cho thương hiệu Đà Nẵng.

4. Năm Nhâm Thìn 2012 có sự kiện nổi bật liên quan tới công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân.Ngày 23-11-2012, UBND huyện đảo Hoàng Sa đã tiếp nhận 90 bản đồ và 5 tập sách, tạp chí do ông Trần Thắng người Việt Nam định cư tại Mỹ gửi về. Các bản đồ này được xuất bản tại Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước châu Âu từ năm 1626 đến năm 1975, mới nhất là những bản đồ về dầu mỏ và khoáng sản của Trung Quốc in năm 1949 được Mỹ in lại, xuất bản năm 1975 cho thấy biên giới cực nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.

Vào ngày 13-4-2012, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng (còn gọi là Bệnh viện 600 giường) thành lập, trực thuộc Sở Y tế trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Phụ sản - Nhi thuộc Bệnh viện Đà Nẵng. Đây là bệnh viện chuyên khoa hạng 1 về lĩnh vực Phụ sản và Nhi khoa và hơn mười năm qua, bệnh viện được đánh giá là một trong những cơ sở y tế chất lượng cao ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ngân hàng sữa mẹ tại đây được thành lập vào đầu năm 2017 là ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận, thấm đẫm tính nhân văn. Năm Nhâm Thìn 2012 cũng là thời điểm hoàn thành việc xây dựng Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng thuộc Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố để chuẩn bị đi vào hoạt động từ đầu năm 2013.

***

Năm Giáp Thìn 2024, người Đà Nẵng tự hào khi Tạp chí du lịch danh tiếng thế giới Condé Nast Traveller công bố danh sách 11 điểm đến tốt nhất thế giới năm 2024, trong đó Đà Nẵng là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt top và xếp vị trí thứ hai. Năm Giáp Thìn 2024 cũng là thời điểm người Đà Nẵng xác định nhiệm vụ triển khai Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 và những năm tiếp theo nhằm chuyển hóa những khát vọng mãnh liệt thành động lực phát triển. Với nền tảng đã có; với động lực, quyết tâm đang có; với sự đồng thuận của người dân - chính quyền; và với lộ trình đã vạch ra, Đà Nẵng sẽ biến nơi đây thật sự là thành phố đáng đến và đáng sống.

BÙI VĂN TIẾNG

;
;
.
.
.
.
.