Nâng tầm vị thế du lịch Việt Nam

.

Một thông tin khá bất ngờ trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ấy là sự phát triển bùng nổ của ngành du lịch. Hầu như tại khắp các điểm đến, nhất là những địa chỉ du khách trong nước và quốc tế đã quen thuộc, yêu thích như Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc, Sapa...; số lượng du khách đến đều vượt xa kỳ vọng, tăng trưởng vượt bậc, mang lại doanh thu “khủng”.

Không gian check-in mừng năm mới phục vụ người dân và du khách tại Công viên Biển Đông (quận Sơn Trà). Ảnh: X.S
Không gian check-in mừng năm mới phục vụ người dân và du khách tại Công viên Biển Đông (quận Sơn Trà). Ảnh: X.S

Đơn cử, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết (từ 8-2 đến 14-2), “thành phố đáng sống” đón hơn 400.000 lượt khách du xuân (trong đó có 177.000 khách quốc tế, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2023), tổng doanh thu ước đạt 1.580 tỷ đồng. Khách du xuân Đà Nẵng chủ yếu là khách đi lẻ, chiếm khoảng 60-70%, tập trung đông từ mùng 2 đến mùng 5 Tết. Các khách sạn 4 - 5 sao và tương đương ở khu vực ven biển đắt khách lưu trú. Khách nội địa chủ yếu đến từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế... Khách quốc tế chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan…

Thêm một ví dụ khác, cũng trong 7 ngày Tết, thành phố đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đón khoảng 52.000 lượt khách quốc tế, tổng thu đạt hơn 1.100 tỷ đồng, tăng gần 6 lần về số lượng và gấp 8 lần doanh thu so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng khách nội địa đạt gần 140.000 lượt, tương đương năm 2023.

Sự bùng nổ du khách tại các điểm đến dễ dàng thấy được khi tìm hiểu về bất cứ địa chỉ du lịch nổi tiếng nào của Việt Nam cũng rõ số lượng du khách, nhất là du khách nước ngoài, sự tăng trưởng cả về số lượt khách đến và tổng doanh thu.

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du khách nước ngoài đến Việt Nam, theo nhiều chuyên gia du lịch, ngoài chính sách visa mới với nhiều điểm cởi mở hơn cho khách du lịch có hiệu lực từ ngày 15-8-2023 (ví như nhiều thị trường được hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày), năm 2023 Việt Nam cũng ghi dấu ấn khi trở thành điểm đến của nhiều sự kiện, show âm nhạc quốc tế, cùng nhiều tour truyền thống, tìm hiểu di sản, lịch sử đã và đang phát huy hiệu quả thời gian qua...

Ngay trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, mới chỉ chưa đầy 2 tháng của năm 2024 nhưng du lịch Việt Nam đã tạo những điểm nhấn rất đáng mừng, đưa đến những tín hiệu lạc quan về tương lai phát triển. Tất nhiên, ngành “công nghiệp không khói” vẫn còn những tồn tại cần khắc phục, còn những tiềm năng chưa được đánh thức, những dư địa chưa khai phá.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, sức bật của ngành du lịch chưa hết; hệ sinh thái ngành du lịch chưa hồi phục tương xứng; nhiều khách sạn, điểm đến chưa hoạt động đạt mức công suất như kỳ vọng; số nhà hàng, dịch vụ đóng cửa, hoạt động cầm chừng còn nhiều; sản phẩm du lịch chưa bắt kịp xu thế đa dạng của khách hàng; thị trường khách vẫn phụ thuộc vào một số thị trường chính, việc kết nối và khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng còn chậm; nguồn nhân lực vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng; sự phối hợp, kết nối giữa các bên liên quan trong phát triển du lịch còn rời rạc, thiếu sự nhất quán...

Còn không ít tồn tại khác có thể chỉ ra, liệt kê một cách dễ dàng. Nhưng những tồn tại ấy, hạn chế ấy không có nghĩa là chúng sẽ cản bước, ngáng đường ngành du lịch phát triển, nhất là sau khi đã có những kết quả hứng khởi trong những ngày Tết Giáp Thìn 2024. Mà đâu chỉ có vậy, xét một cách toàn diện, tổng thể và dài hơi trong suốt hơn 1 thập kỷ qua, du lịch Việt Nam từng bước được định vị ngày càng vững vàng trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới. Sự định vị ấy, một phần chính là sự ghi nhận chính thức của tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO).

Cụ thể, năm 2017, Việt Nam  xếp thứ 6 trong 10 quốc gia tăng trưởng du lịch hàng đầu thế giới; đứng thứ 3 trong 10 điểm đến có tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế nhanh nhất thế giới năm 2018... Từ năm 2017 đến nay, du lịch Việt Nam liên tục nhận được các giải thưởng danh giá của Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) như: 5 lần là “Điểm đến hàng đầu châu Á” (năm 2018, 2019, 2021, 2022, 2023), 2 lần liên tiếp đoạt giải “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á” (năm 2022 và 2023), 4 lần liên tiếp là “Điểm đến Golf tốt nhất châu Á” (2017-2020)...

Du lịch Việt Nam từng bước phục hồi sau Covid-19  đã đạt nhiều danh hiệu, thành công trong những năm vừa qua, nhất là từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Những kết quả rất đáng khích lệ trong gần 2 tháng đầu năm 2024 nói riêng, nhất là trong những ngày Tết Giáp Thìn 2004 vừa kết thúc, chắc chắn sẽ tiếp thêm động lực, nguồn sinh khí, sự hứng khởi mới cho du lịch Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển, từng bước khẳng định, nâng tầm vị thế du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.

NGUYỄN TRI THỨC

;
;
.
.
.
.
.