Chung tay vì an toàn giao thông

.

Chắc hẳn chúng ta chưa thể quên được những hình ảnh đầy thương tâm của vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn mới đây làm chết cả ba người trong một gia đình. Đây chỉ là một trong số hàng trăm, hàng ngàn vụ tai nạn giao thông diễn ra ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước, để lại vô vàn hệ lụy dai dẳng và đau đớn cho mỗi gia đình và toàn xã hội.

Theo thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về tình hình tai nạn giao thông, trong năm 2023, toàn quốc xảy ra 22.067 vụ tai nạn giao thông, làm chết 11.628 người, bị thương 15.292 người. Như vậy, trung bình mỗi ngày ở nước ta ước tính có khoảng 30 người chết vì tai nạn giao thông - một con số rất khủng khiếp, đủ để chứng minh, tai nạn giao thông là một trong những thảm họa lớn nhất đe dọa trực tiếp sinh mạng và sức khỏe của con người. Không chỉ để lại nỗi đau cho người ở lại, tai nạn giao thông còn tạo gánh nặng cho nền kinh tế và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, tai nạn giao thông cần được nghiêm túc nhìn nhận như một vấn nạn chung, đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng để tiến tới hạn chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo vệ cuộc sống của người dân.

Thật ra thời gian qua, trong sự chuyển mình, phát triển vượt bậc của mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, việc bảo đảm an toàn giao thông cũng đã có những kết quả đáng ghi nhận, tai nạn giao thông đã được kiềm chế và giảm qua các năm, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đang dần được hoàn thiện, công tác giáo dục pháp luật về an toàn giao thông được triển khai rộng rãi ở các cấp học, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật; công tác tuyên truyền về an toàn giao thông diễn ra sôi nổi trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, tạo sự tiếp cận dễ dàng cho mọi người dân. Đặc biệt, việc “mạnh tay” xử lý vi phạm nồng độ cồn thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã tạo được chuyển biến rõ nét trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng đã thực hiện rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến đường, kịp thời đầu tư, bổ sung và cải tạo nếu cần để hạn chế thấp nhất những rủi ro khi tham gia giao thông cho người dân. Chẳng hạn tại tuyến La Sơn - Hòa Liên - địa điểm xảy ra liên tiếp nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gần đây, cơ quan quản lý đường bộ sẽ lắp đặt camera theo dõi, giám sát và xử lý phạt nguội đối với các phương tiện vi phạm; triển khai các cụm vạch giảm tốc cưỡng bức tại các vị trí đường dốc nguy hiểm; trồng cắm bổ sung các biển báo để hạn chế tốc độ và cảnh báo nguy hiểm; bổ sung hạ tầng thông tin liên lạc phục vụ công tác cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn… Tất cả những nỗ lực đó đều nhằm hướng đến việc ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông, xây dựng một xã hội an toàn, an bình và hạnh phúc.

Tuy nhiên, để hạn chế được tai nạn giao thông không phải là vấn đề đơn giản, không thể chỉ tác động một chiều, mà cần phải có sự tác động cộng hưởng hai chiều giữa chính quyền và người dân, sự đoàn kết, đồng sức đồng lòng của toàn xã hội thì mới thành công. Hiện nay, tình trạng tai nạn giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp, nguyên nhân chủ yếu do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém; tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép... còn diễn ra khá phổ biến; hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn khi lái xe vẫn còn tồn tại; việc không chấp hành, chống đối lực lượng chức năng còn tiếp diễn… Hậu quả là mối nguy hiểm từ tai nạn giao thông luôn chực chờ khắp nơi.

Đằng sau mỗi vụ tai nạn giao thông, trong tận cùng của đớn đau, có lẽ không ít người đã phải thốt lên hai tiếng: “Giá như!” Chỉ vì nhanh một chút, chỉ vì một tích tắc chủ quan, nhiều người đã phải đánh đổi sự bình an, thậm chí là cả tính mạng của mình và những người xung quanh. Phía trước và sau tay lái đều là sự sống - mà đã là sự sống thì cần được trân trọng và bảo vệ, bất cứ hành vi nào đe dọa và tước đoạt sự sống đều là tội ác. Do đó, mỗi người khi tham gia giao thông phải có trách nhiệm bảo vệ sự sống cho chính mình và người khác.

ĐỖ LAN HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.