NHIẾP ẢNH & CUỘC SỐNG

Chép sử bằng hình ảnh

.

Thông qua nhiếp ảnh, con người có thể tạo ra một sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại để hiểu rõ hơn nguồn gốc, lịch sử hình thành vùng đất qua các thời kỳ. Ở khía cạnh nào đó, những bức ảnh không chỉ góp phần ghi lại lịch sử, mà còn mang đến cảm giác gắn kết giữa các thế hệ, khi mọi người cùng nhau chia sẻ, trao đổi về những bức ảnh và câu chuyện đằng sau chúng.

Một góc sông Hàn thập niên 80 qua ống kính của NSNA Ông Văn Sinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Một góc sông Hàn thập niên 80 qua ống kính của NSNA Ông Văn Sinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

1. Hình ảnh những người phụ nữ xắn quần ngang gối, tay vịn nón lá, tay bưng thúng rổ lội nước trở về căn nhà chồ nằm ven sông Hàn sau buổi chợ sớm được Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Ông Văn Sinh, nguyên Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố giữ gìn cẩn thận giữa hàng nghìn bức ảnh chụp về Đà Nẵng lâu nay. Ông nói, mỗi lần nhìn bức hình, ông đều mường tượng đến câu ca “Đứng bên ni Hàn, ngó qua bên tê Hàn nước xanh như tàu lá/ Đứng bên tê Hàn, ngó bên ni Hàn, thấy phố xá thênh thang” mà người dân Đà Nẵng hay nhắc đến như để ghi dấu một thời nghèo khó, cơ cực của vùng đất mang nhiều dấu ấn thời cuộc. Sự khác biệt giữa hai bờ đông - tây sông Hàn từng là nguồn cảm hứng sáng tác của NSNA Ông Văn Sinh.

Ông cho hay, theo thời gian, những khu nhà chồ dọc bờ đông sông Hàn đã được phá bỏ. Những con đường cát chỉ vừa một người đi, những làng chài tạm bợ dọc bờ biển Mỹ Khê, Mân Thái, Thọ Quang, bến phà Bà Thân, cầu Vồng đường Thống Nhất đã không còn, thay vào đó là các dãy phố, các khu dân cư hình thành cạnh đại lộ thênh thang. Điều may mắn, là đến bây giờ, ông vẫn giữ được nhiều bức hình đủ để có thể so sánh một góc phố, một dòng sông, một bờ biển, một con đường ghi dấu ấn xưa - nay. Mà nói như Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Bùi Văn Tiếng, là ông đã kịp ghi lại - cũng có thể nói là kịp bất tử hóa - nhiều hình ảnh vĩnh viễn không còn.

Những thao thức giữa Đà Nẵng xưa và nay đã thôi thúc NSNA Ông Văn Sinh tập hợp 105 tấm ảnh để in thành tập sách ảnh “Đà Nẵng, ký ức và hiện tại”, trong đó phần lớn những tác phẩm ký ức được ông chụp hơn 40 năm trước, bằng máy film Yashica, Pentax hoặc Canon… Với những tấm ảnh nhà chồ với gam màu trắng - đen chủ đạo đặc tả gần như đầy đủ cuộc sống ngư dân các phường Nại Hiên Đông, An Hải Bắc, An Hải Đông thập niên 80, 90.

Giữa không gian tĩnh lặng, cuộc sống vẫn tiếp diễn khi người đàn ông vác xâu lưới lội nước trở về nhà, người phụ nữ ngồi ở mạn thuyền cột tóc cho con. Cạnh đó, trên mấy cây cầu khỉ, thuyền thúng hay bờ đá xôn xao sóng nước, đám trẻ nhỏ vẫn hồn nhiên vui đùa, đọc sách, nở nụ cười tươi chào đón tương lai… Ở phần hiện tại, nhiều tấm ảnh không xuất hiện riêng lẻ mà được trình bày theo phương pháp so sánh, đối chiếu (ở cùng một vị trí địa lý). Ví dụ, khi nhìn hai bức ảnh chụp về khu vực An Hải Đông xưa và nay, người xem sẽ tự định lượng được Đà Nẵng đã phát triển và thay đổi như thế nào.

"Nhiếp ảnh đã kịp ghi lại - cũng có thể nói là kịp bất tử hóa - nhiều hình ảnh vĩnh viễn không còn"

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Bùi Văn Tiếng

2. Là tác giả từng gây tiếng vang bởi hai triển lãm “Nhịp thời gian” (2010), “Nhịp thời gian 2” (2016) và tập sách ảnh “Nhịp thời gian” in gần 300 bức ảnh đẹp theo 4 nhóm chủ đề Lịch sử trong lòng tôi; Quảng Nam - Đà Nẵng, tình yêu và nỗi nhớ; Đất nước mến yêu; Nhìn ra thế giới…, NSNA Phan Ngọc Hợi (SN 1947) dường như vẫn chưa thôi đam mê cầm máy khi đang âm thầm chuẩn bị nguồn ảnh cho triển lãm cá nhân dự kiến diễn ra vào năm 2026 - lúc tuổi tròn 80 tuổi.

Từng là phóng viên ảnh, tác giả Phan Ngọc Hợi có cơ hội tham dự nhiều sự kiện diễn ra trong đời sống cộng đồng, vì thế, trong chừng mực nào đó, ông đã góp phần ghi lại lịch sử theo một cách riêng. Qua nguồn ảnh chứa nhiều thông tin, tư liệu giá trị, người ta có thể cảm nhận sự gần gũi, thân tình của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Võ Chí Công, Tổng Bí thư Đỗ Mười... trong các chuyến thăm, làm việc tại Đà Nẵng. Cùng với đó, là những hình ảnh về thiên nhiên, con người, lễ hội, dòng sông, cây cầu… cũng được khắc họa nhẹ nhàng, tinh tế qua ống kính người nghệ sĩ có tâm hồn lãng mạn.

Nói về những đóng góp của NSNA Phan Ngọc Hợi, ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng, đó là quá trình làm nghề không mệt mỏi cộng với tài năng sáng tác của người nghệ sĩ. “Trong sự nghiệp cầm máy, Phan Ngọc Hợi đạt nhiều thành công, có nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Nhiều bức ảnh thời sự, chính trị của ông trở thành tư liệu lịch sử quý cho đất nước và địa phương”, ông Khánh đánh giá.

Trong hơn 50 năm cầm máy, NSNA Phan Ngọc Hợi vẫn miệt mài với những chuyến đi ghi lại cảnh đẹp đất nước, con người Việt Nam. Đi nhiều, đồng nghĩa với việc ông thu vào ống kính một kho tư liệu quý báu về các vùng miền, một số nước ông có dịp đi qua. Hôm chúng tôi hẹn gặp, ông đang chuẩn bị hành trang cho chuyến đi sáng tác dọc các tỉnh, thành miền Tây vào tháng Tư và các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc vào tháng Năm. Đó là những chuyến đi đơn thuần để sáng tác, khi một mình, khi đi cùng các nghệ sĩ nhiếp ảnh khác. Ông cho hay, nhờ mê cầm máy, ông may mắn ghi lại rất nhiều hình ảnh, sự kiện liên quan đến quá trình phát triển thành phố bên sông Hàn. Trong số đó, có khoảng 60 tấm ảnh về lịch sử phát triển Quảng Nam, Đà Nẵng đang được trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam. Đó cũng chính là tình yêu, là tấm lòng của người nghệ sĩ dành tặng cho thành phố quê hương.

3. Một Đà Nẵng đầy hoài niệm và tươi trẻ thấp thoáng sau mỗi tác phẩm của NSNA Phan Ngọc Hợi, Ông Văn Sinh… Vẫn là Đà Nẵng, nhưng mỗi tác giả đã cung cấp thêm cho người xem những góc nhìn về thành phố, từ bên sông, từ trên cao, từ núi, từ biển hay từ những dãy nhà cao tầng. Với người yêu văn hóa, những tấm ảnh càng có giá trị khi ghi lại không gian sinh hoạt, lễ hội của người dân. Đáng quý hơn, có hàng chục cuộn film ảnh đang được các nghệ sĩ lưu trữ cẩn thận, như một phần kỷ niệm trong cuộc đời cầm máy.

Ngành nhiếp ảnh đã từng bước chứng minh vai trò không thể thay thế trong việc ghi lại và bảo tồn lịch sử phát triển của các vùng đất, các thành phố qua nhiều thế kỷ. Không chỉ là công cụ để lưu giữ những khoảnh khắc, nhiếp ảnh còn mở ra cánh cửa vào quá khứ, giúp thế hệ trẻ hiểu và cảm nhận rõ hơn về cuộc sống, văn hóa, kiến trúc và những sự kiện quan trọng đã diễn ra trên mảnh đất mình sinh sống. Nói cách khác, những bức ảnh xưa là cửa sổ tâm hồn giúp thế hệ trẻ tiếp cận với không gian sống, kiến trúc và cảnh vật của quá khứ. Nhờ đó, họ có thể so sánh và nhận ra sự biến đổi từ kiến trúc cổ kính đến những tòa nhà hiện đại, từ những con đường đất mòn đến những đại lộ sầm uất… Và rõ ràng, sự tiếp cận này không chỉ giúp họ hiểu thêm về lịch sử vùng đất, mà còn khơi dậy lòng tự hào và tình yêu với địa danh mình đang sống.

Những bức ảnh xưa là cửa sổ tâm hồn giúp thế hệ trẻ tiếp cận với không gian sống, kiến trúc và cảnh vật của quá khứ. Nhờ đó, họ có thể so sánh và nhận ra sự biến đổi từ kiến trúc cổ kính đến những tòa nhà hiện đại, từ những con đường đất mòn đến những đại lộ sầm uất… Và rõ ràng, sự tiếp cận này không chỉ giúp họ hiểu thêm về lịch sử vùng đất, mà còn khơi dậy lòng tự hào và tình yêu với địa danh mình đang sống.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.
  • Dầu gội hữu cơ Pura Do'r nhập khẩu chính hãng