"Civil War" cuốn hút với bầu không khí chiến tranh nghẹt thở

.

Lấy cảm hứng từ chủ đề nóng được xã hội quan tâm, đạo diễn Alex Garland một lần nữa thể hiện phong cách làm phim độc đáo của mình qua bộ phim “Civil War” (tựa chiếu tại Việt Nam: Ngày tàn của đế quốc). Bộ phim tạo bầu không khí nghẹt thở với sự quy tụ các thể loại hành động, kinh dị và tư liệu. Qua đó gây ra cơn sốt phòng vé tại Bắc Mỹ trong những tuần đầu công chiếu.

Mọi mạch cảm xúc trong phim phụ thuộc vào cách các nhân vật cảm nhận về thế giới. Ảnh: Variety
Mọi mạch cảm xúc trong phim phụ thuộc vào cách các nhân vật cảm nhận về thế giới. Ảnh: Variety

“Civil War” do Alex Garland viết kịch bản và đạo diễn, có kinh phí sản xuất 50 triệu USD, với sự tham gia của các diễn viên Kirsten Dunst, Wagner Moura, Cailee Spaeny, Nick Offerman và Jesse Plemons. Theo số liệu của công ty thống kê điện ảnh Comscore, bộ phim đã thu về 44,9 triệu USD sau 2 tuần công chiếu từ các cụm rạp tại Bắc Mỹ.

Với phong cách làm phim điệu nghệ, đạo diễn Alex Garland tiếp cận vấn đề thẳng thắn, không khoan nhượng trong các ẩn ý, rất dữ dội với chủ nghĩa chiến tranh. Bộ phim bắt đầu với cuộc đối đầu giữa liên minh các bang ly khai Texas-California và quân chính phủ. Tổng thống 3 nhiệm kỳ của đất nước đã ra lệnh không kích vào thường dân, giải tán FBI và hầu như đình chỉ hiến pháp. Giữa chiến sự hỗn loạn, nhóm nhà báo do phóng viên hiện trường kỳ cựu Lee (Kirsten Dunst) dẫn đầu đi khắp chiến trường để nắm bắt những tình tiết đắt giá.

Dưới góc nhìn của họ, một viễn cảnh nước Mỹ hiện lên hoang tàn và câu chuyện về một quốc gia rạn nứt âm ỉ từ bên trong giờ đây bùng nổ thành một cuộc nội chiến tương tàn. Độ tàn khốc của xung đột được tái hiện qua những bức hình ghi lại từ phóng viên cho thấy tầm quan trọng của báo chí và yếu tố tự do báo chí đầy mới mẻ. Dưới lăng kính của phóng viên, cuộc nội chiến lần thứ hai leo thang nhanh chóng và nhấn chìm cả nước Mỹ trong chia rẽ, bạo lực.

Nhờ diễn xuất chuyên nghiệp, diễn viên Kirsten Dunst đã có màn trình diễn xứng đáng nhận nhiều lời khen ngợi. Sau 2 tuần đóng máy, Kirsten Dunst phải vật lộn với chứng rối loạn căng thẳng vì độ chân thật và tàn khốc của các khung cảnh trong phim. Cái hay của bộ phim là miêu tả được một hành trình của các phóng viên trong thế giới đầy khổ đau, với mọi thứ được úp mở dưới góc nhìn của nhân vật khi họ đi từ A đến B. Mọi mạch cảm xúc phụ thuộc vào cách họ cảm nhận về thế giới.

Vì vậy, có thể nói bộ phim này không phải phim chiến tranh, mà là một phim có chiến tranh đóng yếu tố quan trọng với hành trình nhân vật. Khi nhóm phóng viên quen cầm máy ảnh hơn là súng, sống giữa thế giới không ai hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai, đã mang đến cho người xem mong đợi một bộ phim chạy trốn gay cấn thay vì đối đầu và chiến đấu. Tất nhiên, phim cũng sẽ không có sự trỗi dậy của chủ nghĩa anh hùng hay đấu tranh tư tưởng lớn lao. Đơn giản là những điều ấy nằm ngoài mục đích của nhân vật chính.

“Civil War” còn mang đến sự kết hợp âm sắc súc tích trong vũ điệu âm thanh - hình ảnh chết chóc. Dao động giữa sự im lặng đáng sợ và những tiếng la hét hỗn loạn. Kể từ lúc ra mắt, bộ phim đã thực sự gây nên một “cuộc nội chiến” giữa khán giả với hai luồng ý kiến. Một là phim tồn tại như một câu chuyện cảnh báo tương lai của nước Mỹ, hai là một nỗ lực làm phim hành động chỉn chu và đầu tư nhưng sáo rỗng về mặt nội dung và không có gì ý nghĩa để nói. Cho dù khán giả nghiêng về bên nào thì “Civil War” vẫn là một bộ phim ấn tượng về mặt nghe, nhìn và cảm thụ.

ĐOÀN GIA HUY

;
;
.
.
.
.
.