.

Năm mới nói chuyện tên quê

.

Có những địa danh do văn hóa của các lớp cư dân tiếp biến trong thời gian dài làm thay đổi so với tên gốc, nhưng được sử dụng hằng ngày và rộng rãi thành quen nên nhiều khi ít quan tâm đến ngữ nghĩa và nguồn gốc của nó. Địa danh Đà Nẵng là một trường hợp. Các nhà nghiên cứu đã đi sâu giải mã ngữ nghĩa, tuy còn khác nhau, và đều cho rằng Đà Nẵng là tên gọi có gốc từ tiếng Chăm. Vừa qua, trao đổi với các nhà nghiên cứu về Chăm Inrasara và Sakaya, đều là người Chăm, về vấn đề trên, có thêm những thông tin lý thú, xin được sắp xếp lại và chia sẻ với độc giả.

Mô tả ảnh.

- Giả thuyết khá thuyết phục cho rằng tên gọi Đà Nẵng có gốc từ tiếng Chăm: Đanak hay Đarak, có nghĩa là cửa sông tiếp giáp biển hay sông lớn, dần dần người Kinh đọc trại ra thành Đà Nẵng. Là người nghiên cứu văn hóa Chăm, anh quan tâm đến vấn đề này?

- Inrasara, tên thật là Phú Trạm, nhà thơ và nhà nghiên cứu văn hoá Chăm: Theo cụ Bố Thuận, con của quan Pháp Aymonier lấy vợ người Chăm, làm ở Viễn Đông Bác cổ, sống ở Phan Rí vào đầu thế kỷ XX, Đà Nẵng là biến dạng của từ Chăm cổ Đaknan. Đak có nghĩa là nước, nan hay nưn , tức Ianưng là rộng. Địa danh Đaknan hàm ý chỉ vùng sông nước rộng mênh mông cửa sông Hàn bây giờ. Người Việt phiên âm ra thành Đà Nẵng. Cũng theo cụ Bố Thuận, chữ Đaknan người Trung Hoa gốc Hải  Nam đọc là Tounan, sau đó phiên âm thành Tourane.

Tôi cũng đặt vấn đề tương tự như trên với nhà nghiên cứu Sakaya, tên đầy đủ là Trương Văn Món, hiện là giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

- Một giả thuyết khá thuyết phục cho rằng Đà Nẵng có nguồn gốc Chăm, là Đanak hay Đarak. Tôi nghĩ rằng có thể Đanak hay Đarak đã bị chệch. Nếu âm đa có nghĩa là nước, sông thì tiếng Chăm hiện nay không phải vậy mà là ia, ea hay aia. Còn nak hay rak có nghĩa là lớn có đúng không? Có nhà nghiên cứu cho rằng Đanak là cửa sông tiếp giáp biển? 

- Sakaya: Thông thường địa danh của người Chăm có cả hai tên Phạn và Chăm: Tên Phạn thường là những địa danh ở Ấn Độ được người Chăm dùng để chỉ vùng đất hay tiểu vương quốc của họ như các vùng Inrapura, Amavati,Vijaya (Si Binây), Khauthara, Panduranga (Parang-Padarang). Ngày nay, những địa danh Chămpa cổ có một số đã biến mất hoàn toàn, số còn lại giữ nguyên tên gốc hoặc bị đọc chệch ra âm tiếng Việt. Chẳng hạn như địa danh Huế được đọc chệch ra từ chữ Hue của người Chăm, có nghĩa là “mùi hương”. Nha Trang được đọc chệch ra từ chữ Aia Trang có nghĩa là “nước trong”. Phan Rang được đọc chệch ra từ Panduranga.

Phan Thiết là đọc chệch ra từ chữ “Hamu Malithit” (ruộng Malithit)… Riêng địa danh Đà Nẵng được một số tác giả cho rằng là đọc chệch từ chữ Chăm Đanak hoặc Đarak mà ra. Tuy nhiên, những từ trên không có nghĩa trong ngôn ngữ Chăm, cả trong Phạn ngữ và Mã Lai - những ngôn ngữ liên quan đến Chăm. Theo tôi Đà Nẵng có thể là tên của các tộc người thuộc ngữ hệ Môn - Khmer mà bia ký Chămpa gọi là Mada. Vương quốc Chămpa cổ là quốc gia đa dân tộc, những tộc người này, cùng với người Chăm sinh sống ở Amavati. Đà Nẵng có thể xuất phát từ ngôn ngữ Môn-Khmer, Đakdơng - Đà dơng, có nghĩa là con sông.

- Từ trước tôi cũng đã nghĩ đến khả năng Đà Nẵng thuộc ngữ hệ Môn- Khmer đã bị đọc trại ra. Lịch sử có ghi trước khi người Chăm đến miền Trung đã có tộc người Karitas (?). Qua tìm hiểu, tôi còn biết có những dân tộc thuộc ngữ hệ này trước đây sống sâu dưới đồng bằng, thậm chí ngoài đảo. Ngữ hệ này thường dùng đắc hay đác, có khi  phát âm nác hay tác để chỉ nước, sông, suối, ao, hồ, như các địa danh Đà Lạt, Đak Nông, Đắc Lắc, Đăk Tô... Cho nên chữ Đà trong Đà Nẵng có thể do biến âm từ đác hay đắc mà thành. Nhưng âm nak hay rak không biết nghĩa là gì. 

Đà Nẵng và Nha Trang đều có nguồn gốc từ tiếng Chăm, có thể tìm hiểu qua so sánh sự biến âm. Nha Trang là do biến âm từ Aia Trang. Âm aia, ia hay ea biến âm thành nha. Vậy Đanak, Đaknan, Đarak thì Đa cũng có thể biến âm từ aia, ia hay ea hay không (*)? Thường khi biến âm thì nguyên âm được giữ lại.

Theo anh, Nha Trang - Aia Trang nghĩa là nước trong. Tôi xem trong tài liệu giới thiệu về Khánh Hòa lại cho rằng Aia Trang là sông có nhiều lau sậy, trang là lau sậy.

- Sakaya: Lau sậy, tiếng Chăm và Raglai ở Nha Trang - Khánh Son đều gọi là hahok bho, chứ không phải là trang như các sách đã viết . Aia trang xét về ngữ nghĩa Chăm chỉ là nước trong: Aia là nước; trang là trong.

Tôi đồng ý chữ Đa là nước nếu Đà Nẵng có nguồn gốc từ ngữ hệ Môn - Khmer. Nếu Đa là nước, thì từ Nẵng trong Đà Nẵng hoặc Nak trong Đanak nghĩa là gì?

Sau một thời gian, tôi trở lại câu chuyện trên thì nhà nghiên cứu Sakaya có thông tin mới.

- Sakaya: Tôi vừa đi khảo sát văn hóa người Raglai ở Khánh Hòa, mới về Sài Gòn trưa hôm qua (29-7-2010). Trong quá trình tìm hiểu về tên đất, tên sông bằng ngôn ngữ bản địa của người Raglai có liệt kê ra nhiều tên sông, tên suối, trong đó có tên Đanang, nghĩa là sông nguồn. Tiếng Chăm và Raglai là như nhau nhưng hiện nay ngôn ngữ cổ của người Chăm đã rơi rụng nhiều, riêng người Raglai còn lưu giữ nhiều yếu tố cổ hơn. Vậy, địa danh Đà Nẵng cũng bắt đầu lộ diện và rõ nghĩa. Đanang trong tiếng Chăm và Raglai cổ, thuộc ngôn ngữ Malayo- Polynesia, có nghĩa là nguồn. Đà Nẵng là sông nguồn. 

- Tôi rất quan tâm những thông tin mới từ chuyến đi điền dã, trao đổi thêm với anh vài khía cạnh. Đối với người Kinh, nguồn của con sông là phần bắt đầu của nó, thường ở trên vùng núi cao, kể cả những con suối, con sông nhỏ đổ vào. Đanang của tiếng Raglai là nguồn, sông nguồn, nó còn có nghĩa là nơi con sông đổ vào biển, tiếp giáp biển hay không? Suy rộng ra, con sông ấy cũng là một nguồn của biển. Vì có nhà nghiên cứu cho rằng Đanak nghĩa là cửa sông tiếp biển.

- Sakaya: Theo tiếng Raglai, Đanang nghĩa là sông nguồn, ý muốn nói là sông chính của một vùng đất, chảy từ nguồn về và đổ vào bất cứ nơi đâu, sông hoặc biển.

- Đanang là sông nguồn. Nếu chiết tự ra thì âm nào là chỉ sông, nước (Đa?) và âm nào chỉ nguồn (nang?)? Hay đanang là từ 2 âm tiết chỉ có nghĩa là nguồn?

- Sakaya: Tiếng Raglai - Chăm là đa âm tiết. Đanang là một từ có nghĩa là “nguồn” nên không thể chiết hoặc tách ra được.

Những thông tin qua trao đổi đã nêu ở trên không thể không có ý nghĩa đối với những ai quan tâm về tên gọi Đà Nẵng. 

Người Chăm và người Raglai cùng ngữ hệ Maylayo - Polinesien (ngữ hệ Nam Đảo), rất gần gũi về tộc người, theo truyền thuyết dân gian là hai chị em ruột, do điều kiện lịch sử, địa lý nên dân tộc Raglai còn bảo lưu nhiều yếu tố cổ, trong đó có ngôn ngữ. Vì vậy, có thể tìm hiểu tiếng Chăm cổ thông qua ngôn ngữ Raglai. Đanang trong tiếng Raglai, khá đồng âm với Đaknan, Đaknưn hay Đaknak nêu ở trên, và ngữ nghĩa cũng không quá khác biệt: Chỉ vùng trời nước mênh mông nơi sông tiếp giáp biển, là vùng sông nước rộng lớn. Tên gọi Đà Nẵng có nguồn gốc từ tiếng Chăm cổ Đanang, chỉ nguồn nước đổ vào Vũng Thùng mênh mông là một cứ liệu mới rất đáng quan tâm. Ngày nay, các nguồn trực tiếp chảy vào Vũng Thùng là sông Hàn, Cu Đê, Phú Lộc. Do quy luật “bể dâu” nên chúng ta chưa hình dung được ngày trước, vào cái thuở còn hoang sơ ấy, hình hài các nguồn này như thế nào và nguồn nào là rộng lớn nhất. Nguồn ấy, Đanang, có phải chính là nơi dòng sông Hàn đổ vào một vùng vịnh rộng lớn mở ra trước khi hòa vào biển cả?

Chuyện cũ này nói lại trong dịp đầu năm mới, nhưng có lẽ không hoàn toàn cũ, hy vọng góp thêm câu chuyện đầu xuân của những người đang sinh sống trên mảnh đất sông nước thoáng mở, nơi giao lưu sông với biển cả, với đại dương.

VŨ HÙNG
(*) Vũ Hùng, Những tên gọi về thành phố Đà Nẵng, Tạp chí Xưa và Nay, số 272, tháng 11 năm 2006.

;
.
.
.
.
.