Huynh đệ đồng khai khoa

.

Ở làng Quảng Phú, tổng Hưng Thịnh Hạ, huyện Lễ Dương (nay là phường An Phú và xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) có hai anh em được coi là hai người khai khoa cho khoa cử của huyện Lễ Dương (nay là huyện Thăng Bình). Đó là Doãn Văn Đồ và Doãn Văn Xuân.

Tấm bia vinh danh hai anh em nhà họ Doãn (hiện ở tại đình tiền hiền làng Hà Lam). Ảnh: LÊ THÍ
Tấm bia vinh danh hai anh em nhà họ Doãn (hiện ở tại đình tiền hiền làng Hà Lam). Ảnh: LÊ THÍ

Lễ Dương huyện khoa hoạn bi chí

Với mong muốn để lại chứng cứ cụ thể để đời sau có thể tận mắt xem thấy công lao của các bậc khoa hoạn của huyện (tránh tình trạng tam sao thất bổn, khẩu thuyết vô bằng gây ra sự hoài nghi thắc mắc), các vị có chức sắc ở huyện Lễ Dương đã cho khắc tên những người đỗ đạt của huyện từ tú tài trở lên trong 6 tấm bia đá gọi là Lễ Dương huyện khoa hoạn bi chí và đặt ở 2 bên sân trước của Văn miếu của huyện (đặt tại làng Hà Lam, nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình).        

Một trong 6 tấm bia đó đã ghi cụ thể mong muốn này như sau: “Cố tri cổ lai đại khoa hoạn, hảo nhân vật, trách trách tại nhân khẩu, bi bất tất tịch thử nhi truyền đệ niên đại cửu viễn. Truyền văn thất chân, hậu chi quan giả, dục nhứt mục nhi tất kỳ huân phiệt, tường kỳ khoa danh, bất chí hữu văn hiến, vô trung chi thán, tất thử bi phi vô bổ giả”. Tạm dịch: “Biết rằng xưa nay, các bậc khoa hoạn nổi tiếng, nhân vật trứ danh được mọi người truyền nhau xưng tụng, bia đá không cần phải ghi chép việc đó làm gì! Nhưng sự việc ấy nếu để lâu năm thì sự truyền tụng sẽ theo thời gian mất đi sự chân thật, khiến hậu thế khi chiêm ngưỡng, muốn tận mắt xem thấy công lao của họ, tường tận về ngôi thứ đỗ đạt khoa danh của tiền nhân, chẳng phải than thở vì thiếu căn cứ làm bằng. Do vậy các bia đá này dựng lên đâu phải là chuyện vô bổ” (Theo Nguyễn Bằng, Nguyễn Văn Hà, Bia Văn thánh và một số bia Hán Nôm tại huyện Thăng Bình, UBND huyện Thăng Bình, năm 2015, trang 107).

Sau khi Văn miếu bị phá, 6 tấm bia đã được các cụ trong Hội đồng bảo tộc tiền hiền của làng đưa về gửi ở đình tiền hiền của làng và đã trở thành một tư liệu lịch sử quý giá: “… Minh định cho những giá trị tinh thần và tinh hoa hun đúc nên con người trên vùng đất đầy sóng gió này…”, “… Thức dậy soi cho hôm nay niềm tự hào về truyền thống học vấn - lập thân - xử thế của tiền nhân”. (sđd, trang 17)
Hai anh em nhà họ Đỗ

Tấm bia đầu tiên của Lễ Dương huyện khoa hoạn bi chí khắc tên 28 người thi đỗ của huyện từ năm Gia Long thứ 12 (1813) đến năm Minh Mạng thứ 21 (1840), gồm 4 cử nhân và 20 tú tài.

Trong tấm bia này đã dành 7 dòng đầu tiên (bằng chữ Hán) để vinh danh hai anh em nhà họ Đỗ, tạm dịch như sau:

- Khoa thi (Hương) năm Quý Dậu, năm Gia Long thứ 12 (1813). Sinh đồ (Tú tài) Doãn Văn Đỗ, người xã Quảng Phú, tổng Hưng Thạnh Hạ, là anh của Văn Xuân, là người đầu tiên đỗ Sinh đồ của huyện.
- Khoa thi năm Kỷ Mão, niên hiệu Gia Long thứ 18 (1819), Hương cống (Cử nhân) Doãn Văn Xuân, người xã Quảng Phú, tổng Hưng Thạnh Hạ. Làm quan đến chức Án sát sứ tỉnh Định Tường, khi mất được truy tặng chức Lễ bộ Thị Lang. Ông là người đầu tiên đỗ Hương cống (Cử nhân) của huyện.
Như vậy hai anh em nhà họ Đỗ là những người khai khoa cho khoa bảng của huyện Lễ Dương. Em lại đỗ cao hơn anh. Ngày đó như vậy được xem là nhà có phúc, rất vinh hiển. Nên nhớ khoa thi năm Quý Dậu (1813) Quảng Nam chỉ có duy nhất một người đỗ Cử nhân mà thôi (Trần Văn Tú, người xã Cẩm Đăng, huyện Điện Bàn), còn khoa thi năm Kỷ Mão 1819, cả tỉnh cũng chỉ có 4 người đỗ Cử nhân là Nguyễn Văn Điển (Điện Bàn), Nguyễn Văn Thành (Duy Xuyên), Nguyễn Xuân Hải (Hòa Vang) và Doãn Văn Xuân (Lễ Dương).

Doãn Văn Xuân và vụ án đền thuyền

Thi đỗ được một năm, năm 1820, Doãn Văn Xuân được bổ làm Hành tẩu Bộ Lễ ở kinh đô, sau đó làm Giáo đạo để dạy các hoàng tử. Ông là người Quảng Nam đầu tiên giữ cương vị này. Sau khi nghỉ làm Giáo đạo, Doãn Văn Xuân được bổ làm Hàn lâm viện tu soạn sung chức Thị độc rồi Lang trung bộ Lễ. Năm 1831, được đổi ra Bắc giữ chức Tham hiệp ở Cao Bằng rồi Bắc Ninh, sau thăng Án sát sứ Lạng Sơn, Quảng Yên. Khi làm Án sát Quảng Yên ông bị liên đới trách nhiệm trong một vụ án “làm hư hỏng công sản” nên bị mất chức. Sau khi khắc phục sự cố ông được phục chức và đưa vào Nam làm Lương Trừ đạo ở Trấn Tây thành. Đến tháng 7 năm 1836 lại được thăng bổ làm Án sát sứ tỉnh Định Tường (Nam Kỳ). Hơn một năm sau, ông bị bệnh rồi qua đời tại nhiệm sở (tháng 11 năm 1836). Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), ông được truy tặng hàm Thị Lang bộ Lễ.

Về vụ án mà Doãn Văn Xuân bị “liên đới trách nhiệm” đến nỗi phải mất chức được Đại Nam thực lục (NXB Giáo dục, 2002) cho biết ở trang 190: Vào mùa hạ năm Giáp Ngọ - 1834, vua Minh Mạng đã cách chức hai viên Tuần phủ của tỉnh Quảng Yên là Lê Đạo Quảng (cựu Tuần phủ) và Vũ Tuấn (đương chức) về tội “lơ là trách nhiệm không báo cáo kịp thời về việc 30 chiếc thuyền sử dụng cho công vụ bị hư hỏng vì Quảng Yên là tỉnh biên giới trọng yếu giáp cả hai mặt đất liền và biển với Trung Hoa nên việc quản lý tàu thuyền quyết không thể bị xem nhẹ, lơ là”.

Nhà vua bắt “Viên cựu Tuần phủ Lê Đạo Quảng - người chịu trách nhiệm chính - phải tự xuất tiền riêng, thuê người sửa chữa thuyền, phải làm sao cho số thuyền công ấy được sửa chữa chắc chắn - có thể sử dụng được; còn người đương chức Tuần phủ là Vũ Tuấn - xét tội nặng hơn - phải bị đày đi làm lính ở Thái Nguyên” (sđd, trang 190). Còn Doãn Văn Xuân là Án sát sứ của tỉnh, tuy không dính đến việc quản lý công sản nhưng là người đảm nhận việc xử án và “đàn hặc” (can gián) các quan tại địa phương để giữ nghiêm phép nước cũng phải liên đới trách nhiệm vì: “việc sai mà không phát giác” nên cũng bị cách chức và phải hợp sức cùng viên cựu Tuần phủ để khắc phục sự cố.
Bản án cho thấy sự nghiêm khắc của triều đình phong kiến trong việc bảo vệ công sản cũng như sự “chế tài” giữa các cơ quan của nhà nước. Và ngay từ thời phong kiến, làm quan đã là một nghề “nguy hiểm”!

Nhà nghiên cứu Phú Bình cho biết mộ Doãn Văn Xuân hiện ở phường An Phú, thành phố Tam Kỳ, là ngôi mộ cổ đơn sơ và tộc Doãn hiện lưu giữ nhiều tư liệu quý về hai anh em ông.

LÊ THÍ

;
.
.
.
.
.
.