.

Nghề không thu nhập

.

Nhiều lần bị xua đuổi, mắng vốn khi chưa kịp mở lời với đối tượng, cộng tác viên (CTV) dân số là một cái nghề mà nếu không đủ đức kiên nhẫn và sự sẻ chia thì chẳng ai chịu làm.

Hầu hết đội ngũ CTV đã được tập huấn cơ bản về công tác DS-KHHGĐ.  TRONG ẢNH: Lớp đào tạo nâng cao năng lực cho CTV do Chi cục DS - KHHGĐ thành phố tổ chức.
Hầu hết đội ngũ CTV đã được tập huấn cơ bản về công tác DS-KHHGĐ. TRONG ẢNH: Lớp đào tạo nâng cao năng lực cho CTV do Chi cục DS - KHHGĐ thành phố tổ chức.

Bén duyên với “nghề”

Đón chúng tôi bằng nụ cười tươi rói, chị Nguyễn Thị Ngữ, người có 30 năm làm cộng tác viên (CTV) dân số tại xã Hòa Tiến đã làm dịu đi phần nào cái nóng 380C ngoài trời. Nhìn người phụ nữ nhỏ nhắn, hiền hòa trước mặt, thì khó mà hình dung được những khó khăn, vất vả trong hành trình dài làm công tác dân số tại một xã thuần nông thuộc huyện Hòa Vang như Hòa Tiến.

Ngay từ những năm 1982, khi chị tham gia công tác tại xã thì cũng là lúc chị bén duyên với công tác dân số rồi. Một cán bộ nữ chưa lập gia đình phải kiêm nhiệm luôn chức Trưởng ban dân số xã, một công việc đòi hỏi khả năng hiểu biết đặc thù tâm lý, tập quán sinh con của người dân nông thôn thì đâu phải là chuyện giản đơn, khi mà quan niệm sinh con đàn cháu đống tồn tại từ lâu đời ở nông thôn luôn là thách thức với chị.

Mấy mươi năm rồi, chị Ngữ vẫn không thể quên được câu chuyện của ngày đầu làm công tác dân số. Lần đó, khi chị đến làm công tác tư tưởng thì bố mẹ chồng và cả chồng của chị N. ở thôn Cẩm Nê đều đồng ý để chị N. đi đặt vòng tránh thai. N. vui vẻ nhờ chị bồng dùm đứa con nhỏ để N. đi thay áo quần cho tề chỉnh. Chờ chặp lâu không thấy đâu, chị Ngữ sốt ruột liền vòng ra ngõ sau thì đã thấy N. lội qua sông Tây Tịnh trốn về nhà mẹ ruột, nước ngập ngang ngực… Mấy chục năm sau gặp lại, N. cười bẽn lẽn: Hồi đó em cũng dại thật, may mà về sau còn nghe lời chị can, chứ không thì…

Khác với chị Ngữ, chị Trương Thị Kim Cúc ở phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, đến với “nghề” dân số khi chị vừa sinh đứa con thứ 4. Cũng vì khát con trai mà chị phải bỏ công nhân để chạy chợ nuôi đàn con. Từ những kinh nghiệm của bản thân, chị làm CTV dân số như một dẫn chứng sống “người thực việc thực”. Không ít người mỉa mai: “Đi vận động sinh đẻ kế hoạch mà đẻ liền một mạch bốn đứa thì nói ai nghe”. Chị nhỏ nhẹ trả lời: “Tôi đã sai lầm nên không muốn gia đình nào lặp cái sai ấy một lần nữa để khổ cho con cái và trở thành gánh nặng cho xã hội”. Ròng rã 14 năm trời chị rảo chân khắp vùng chài ven biển Thanh Khê để tỉ tê lòng mình với các chị trong độ tuổi sinh đẻ.

Những năm trước, khi đời sống còn khó khăn, nhận thức người dân còn hạn chế thì vận động được một ca đình sản là một thắng lợi lớn. Những lúc như thế, chị còn xung phong đạp xe đạp chở chị em đến bệnh viện khám và thực hiện đình sản. Mãi đến giờ chị cũng không nhớ hết mình đã vận động bao nhiêu gia đình không giẫm lại bước chân của chị ngày trước.

Nghề của nghĩa tình

Từ khi được nghỉ hưu, chị Ngữ vẫn không thôi cái “nghề” dân số. Chị bảo nó như cái duyên cái số buộc chặt vào đời mình. Mỗi tháng mỗi CTV dân số được hỗ trợ 50 nghìn đồng, không đủ chi vào việc xăng nhớt khi xuống từng hộ dân tuyên truyền vận động. Tuy nhiên không phải vì vậy mà các chị không nhiệt tình với nhiệm vụ. Chị Ngữ sống dựa vào 4 sào ruộng, 1 sào màu và chăn nuôi gà, vịt… Chị Cúc thì có định suất từ chức vụ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Thanh Khê Đông.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Tổ chức hành chính (Chi cục Dân số - KHHGĐ thành phố Đà Nẵng) cho biết Đà Nẵng hiện có 1.843 CTV Dân số - Sức khỏe cộng đồng (tên gọi trước đây là CTV Dân số - KHHGĐ) có chức năng vừa thực hiện nhiệm vụ Dân số - KHHGĐ vừa thực hiện nhiệm vụ phòng chống suy dinh dưỡng và phòng chống dịch bệnh. Tình trạng cư trú không thường xuyên của một số nhân khẩu, nhất là các phụ nữ còn trong diện sinh đẻ làm cho CTV rất khó quản lý và theo dõi (như các trường hợp đang ở nhà chồng khi sinh đẻ lại về nhà mẹ ruột và cư trú thêm một thời gian).

Chị Thủy thẳng thắn thừa nhận rằng, hiện vẫn còn một số ít hộ gia đình chưa chấp hành chủ trương, chính sách DS-KHHGĐ; còn tình trạng sinh con thứ 3 trong khi đó công tác DS-KHHGĐ chủ yếu vẫn là vận động và tuyên truyền, không có chế tài. “Không sinh con thứ 3” là một tiêu chí bình xét thi đua trong phong trào Xây dựng khu dân cư văn hóa, tuy nhiên các hộ gia đình đó lại không tha thiết với phong trào nên ít nhiều cũng ảnh hưởng nhất định đến công tác vận động tuyên truyền của đội ngũ CTV DS-SKCĐ.

Hầu hết đội ngũ CTV đã được tập huấn cơ bản về công tác DS-KHHGĐ, làm việc nhiệt tình, nắm được địa bàn, tạo được niềm tin trong công tác tuyên truyền vận động. Với huyện Hòa Vang, do địa hình phức tạp, dân cư phân bổ không đồng đều, không liên cư liên địa với nhau, nên việc đi lại của đội ngũ CTV trong tuyên truyền vận động gặp không ít khó khăn. Khi phân công, phân nhiệm cho các CTV, ông Hồ Tấn Lợi, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Hòa Vang, cũng đã tạo điều kiện để CTV các xã miền núi quản lý hộ gia đình ít hơn so với các xã ở đồng bằng (các xã Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Bắc chỉ 30 - 32 hộ/CTV; Hòa Liên 72 hộ/CTV), nhờ đó, việc cập nhật, thu thập, xử lý số liệu luôn kịp thời.

Chế độ hỗ trợ cho CTV cũng đã có thay đổi tích cực hơn. Kể từ ngày 15-4-2013, theo Thông tư 20 liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế, mỗi CTV được hưởng 100.000 đồng/tháng từ nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ. Riêng thành phố cũng đã ban hành Công văn số 249/UBND-VX ngày 9-1-2013, trong đó quy định CTV dân số được hưởng thêm 0,2 lần mức lương tối thiểu từ nguồn ngân sách thành phố.

Mức bồi dưỡng cho CTV dân số đã tăng đáng kể, dù chưa thể gọi là thu nhập, nhưng cũng đã phần nào động viên, khích lệ để những người làm cái nghề nghĩa tình này càng thêm gắn bó với công tác dân số.

NHƯ HẠNH
 

;
.
.
.
.
.