.

Lặng lẽ những tấm lòng

.

Rất nhiều bạn trẻ chúng tôi gặp trên đường tác nghiệp đã không quản ngại khó, ngại khổ đến với từng mảnh đời bất hạnh, như dành các ngày không lên giảng đường đi chăm sóc những em bé khuyết tật; dậy từ lúc 3 giờ sáng nấu cháo đưa đến bệnh viện cho người nghèo hay vượt cả trăm cây số đi chia quà cho các em nhỏ. Việc làm của các bạn luôn nhận được sự ủng hộ rất lớn của gia đình, bạn bè và cả những người không quen biết…

Các tình nguyện viên của JVN chăm sóc các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng  và một thành viên của nhóm “VN” tặng quà một gia đình nghèo Tết năm 2013.
Các tình nguyện viên của JVN chăm sóc các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng và một thành viên của nhóm “VN” tặng quà một gia đình nghèo Tết năm 2013.

Đi mới hiểu thế nào là yêu thương

Gặp tôi, Nguyễn Văn Thịnh và Nguyễn Thị Thảo Nhi (sinh viên năm thứ 3, ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng) cười vui “lúc nào rảnh là tụi em đi, vừa giúp họ (2 bạn làm thông dịch viên cho các tình nguyện viên (TNV) quốc tế) vừa rèn ngoại ngữ”. Gọi là giúp phiên dịch, nhưng thực tế là các bạn cũng lăn xả vào chăm sóc, đút từng thìa cháo, kiên trì từng động tác tập vận động cho những em khuyết tật hay thiểu năng trí tuệ ở TT Bảo trợ xã hội Đà Nẵng. Và một điều khác nữa là các TNV quốc tế phải đóng tiền vào các tổ chức từ thiện ở Việt Nam để được làm tình nguyện, thì các bạn sinh viên chỉ có tấm lòng để chia sẻ với những em bé bất hạnh.

Lúc Thịnh và Nhi đang học năm thứ nhất ĐH Ngoại ngữ, 2 bạn bắt đầu làm quen với các TNV thuộc tổ chức tình nguyện viên thế giới JVN khi họ đăng ký chương trình làm việc tại TT Bảo trợ xã hội và trợ giảng tại ĐH Ngoại ngữ. Công việc ban đầu của các bạn là phiên dịch, nhưng qua buổi thứ hai các bạn buộc phải trợ giúp khi khu chăm nuôi trẻ em của TT Bảo trợ chỉ có 2 nhân viên trong khi có hàng chục em nhỏ cần được chăm sóc đặc biệt. Dù 2 bạn chưa qua một buổi huấn luyện chăm sóc người bệnh, chỉ có tình thương và trách nhiệm sẻ chia. Thảo Nhi cho biết là không dễ chăm sóc cho các em bị khuyết tật vận động, cộng thêm nếu bị thiểu năng trí tuệ hay tự kỷ thì các em bé sẵn sàng… cắn, đánh những người đến gần, giúp đỡ các em nhưng không hiểu các em muốn gì. Sau đó là những ngày các bạn phải tìm đọc tài liệu, hỏi nhân viên trung tâm về tính tình từng em và vừa chơi, vừa gần gũi các em mới có thể kiên trì giúp các em tập luyện, trò chuyện và đút cho các em từng muỗng cháo. Trong ánh mắt của các em nhỏ, chan chứa một tình cảm mến yêu.

Mới đây, một TNV Hà Lan đã gửi tặng cho các em TT Bảo trợ xã hội một bộ đồ chơi ngoài trời, Thịnh, Nhi đã huy động thêm hơn mười bạn sinh viên chuyên tham gia chăm sóc các em khuyết tật đến lắp ghép bộ đồ chơi; huy động người nhà nấu một bữa mì Quảng mời các em. Thảo Nhi cho rằng TT Bảo trợ có 15 em lớn bị thiểu năng trí tuệ, 7 em bị khuyết tật vận động trong khi chỉ có 2 nhân viên chăm sóc thì việc các bạn đến giúp là rất cần thiết. Ngoài ra vào ngày lễ, các bạn kinh doanh hoa tươi, làm hoa giấy đi bán… góp tiền để thỉnh thoảng lên kế hoạch đến các TT Bảo trợ vui chơi, mua quà cho các em, hoặc nấu cho các em một bữa ăn tươm tất hơn ngày thường.

Nói về công việc mình làm, các bạn cho rằng các bạn sinh viên ai cũng có tinh thần tình nguyện và chỉ khi tiếp xúc nhiều với các em bé khuyết tật mới giúp các bạn hình thành được kỹ năng chăm sóc người khuyết tật và “đi rồi mới biết, mới hiểu và yêu thương các em, chứ ở nhà được dạy rằng phải thông cảm với người khác, nhưng không biết bày tỏ hành động và lời nói như thế nào…”, Nhi thổ lộ.

Mang đến cho người nghèo niềm vui bất ngờ

Ngày 1-6 mới đây, 6 chị em bạn Nguyễn Hoàng Minh (khoa Quản trị Du lịch, ĐH Kinh tế Đà Nẵng) đã rồng rắn kéo nhau lên Bắc Trà My phát 40 suất quà cho các em nhỏ ở tổ Trấn Dương, thị trấn Trà My. Đồng hành với các bạn là tấm lòng của Hội Phụ nữ 2 phường An Khê và Hòa An đã quyên góp những thùng quà gồm quần áo, sách vở, dụng cụ học tập và vải may quần áo cho các em học sinh Trà My. Đây là chuyến đi xa nhất của Minh và nhóm “VN” gồm 24 thành viên kể từ sau gần 3 năm thành lập.

“VN” - theo như Minh giải thích có nghĩa là Việt Nam, cũng là tên viết tắt của ông nội và ông ngoại của mấy chị em họ của Minh. Minh là con một nên việc thân với các chị, em của mình cũng là việc đương nhiên, và tình thân đó càng gắn kết họ với nhau khi ai cũng có tấm lòng nghĩ về người nghèo khó hơn mình. Nhất là việc giúp đỡ người khác của các bạn luôn nhận được sự ủng hộ của đại gia đình, “cả về vật chất và tinh thần”, Minh hóm hỉnh tiết lộ.

Ban đầu, 6 chị em hùn tiền nhau lại, liên hệ với Bệnh viện Đà Nẵng để nấu cháo phát cho người nghèo. Việc làm này cũng khá bất ngờ bởi lúc đó cậu của Minh bị bệnh, vào thăm cậu chị em Minh mới biết là có rất nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn được nhận cháo từ thiện mỗi ngày. Thế là nồi cháo tình thương ra đời, mỗi lần nấu các bạn phát được hơn 100 suất. Hơn 10 nồi cháo như thế đã được nấu thời gian qua.

Và những bức ảnh về việc làm của mấy chị em được truyền đi trên mạng xã hội, lan tỏa và nhiều bạn bè xin được gia nhập nhóm. Đến cuối năm 2012, chị họ của Minh, chị Như Quỳnh, diễn viên đoàn Ca múa Quân khu 5 cùng với sự hỗ trợ của các ca sĩ Mỹ Phượng, Công Trứ và Hoàng Quyên đã tổ chức 2 chương trình văn nghệ gây quỹ. Số tiền ấy đã được các bạn chuẩn bị gần 25 suất quà giúp cho những gia đình khó khăn ở nhiều phường thuộc quận Thanh Khê và Cẩm Lệ ấm lòng ngày Tết. Và 80 suất quà gồm bánh kẹo, găng tay và khăn len (do mẹ một chị họ của Minh đảm nhận đan, móc) được trao tận tay các em bé bị bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi vào đêm Noel. Tất cả những món quà này, Minh và các chị, các bạn đều muốn dành một niềm vui bất ngờ cho người nhận. Người nhận quà ấm lòng, còn người trao quà như Minh thấy mình vui hơn, sống có ý nghĩa hơn, bởi “có làm được những việc như giúp đỡ người khác mới thấy mình quá sung sướng, mình mới biết chia sẻ với người khác và nếu không làm, bạn sẽ không biết gì về cuộc sống này”, Minh tâm sự.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.