.

Nỗ lực giảm sinh ở làng biển

.

Về một số phường ven biển Đà Nẵng vào những ngày cuối tháng 6, đâu đó vẫn thoang thoảng mùi vị biển quyện trong mỗi nếp nhà. Bức tranh cuộc sống nay đã khởi sắc, một phần nhờ vào nỗ lực giảm sinh của địa phương trong nhiều năm qua.

Một buổi truyền thông, tư vấn về dân số, sức khỏe sinh sản tại Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình quận Sơn Trà.
Một buổi truyền thông, tư vấn về dân số, sức khỏe sinh sản tại Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình quận Sơn Trà.

Khi đề án về làng

Vậy là đã hơn 3 năm, kể từ ngày Đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2010-2013 (Đề án 52) được triển khai đến tận người dân, giúp nhiều chị em phụ nữ được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS). Ban chỉ đạo Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGD) các phường đã tổ chức tuyên truyền, tư vấn, truyền thông nhóm nhỏ tại địa bàn để cung cấp thông tin, kỹ năng thực hành các biện pháp tránh thai phi lâm sàng, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn… Đề án này cũng đặc biệt chú trọng tuyên truyền cho phụ nữ độ tuổi 15 đến 24 chưa kết hôn, không đi học, chưa có việc làm hoặc có việc làm nhưng chưa ổn định, xây dựng mô hình CLB Nam ngư dân tạo điều kiện cho nam giới nhận thức đúng đắn hơn về chăm sóc SKSS và KHHGĐ.

Được biết, thành phố Đà Nẵng có 18 phường, thuộc 5 quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và huyện đảo Hoàng Sa thuộc vùng biển, đảo và ven biển nằm trong đề án này. Trong năm 2012, các phường đã được trang bị 18 bộ dụng cụ, trang thiết bị y tế để phục vụ khám phụ khoa cho người dân tại địa phương. Nhiều chị em đã được nâng cao khả năng nhận biết bệnh và sử dụng có hiệu quả các phương pháp tránh thai.

Trường hợp của chị N.T.T.T, sinh năm 1974, tổ 49, phường Thanh Khê Đông là một ví dụ. Chị kể, từ ngày theo chồng, chị hầu như không sử dụng biện pháp tránh thai nào. Mọi thứ chị cứ ủy thác cho chồng. Nhưng chồng chị là lao động phổ thông, hiểu biết còn hạn chế nên chỉ trong 10 năm đầu, hai vợ chồng đã sinh đến 3 con. Chưa kể, thêm vài lần “lỡ” mang thai sau đó, chị phải tìm tới cơ sở y tế để “giải quyết”. Lo lắng sức khỏe của mình, cách đây không lâu, chị T. đã tìm đến Trạm Y tế phường và đề nghị được tư vấn sử dụng biện pháp tránh thai. Cuối cùng, chị T. quyết định chọn phương pháp triệt sản.

Chị Đặng Thị Chí, cán bộ dân số phường Thanh Khê Đông cho biết, ngoài thực hiện đúng quy định về chế độ chính sách cho người thực hiện KHHGĐ theo chương trình mục tiêu của Đề án 52, UBND phường còn hỗ trợ cho các đối tượng tham gia. Cụ thể, đối với người đặt vòng, sẽ nhận được hỗ trợ 15.000 đồng, triệt sản 500.000 đồng và người đứng ra vận động đối tượng đi triệt sản là 50.000 đồng. Dù số tiền không lớn, nhưng phần nào thể hiện sự quan tâm, chung tay của chính quyền địa phương trong việc khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp tránh thai hiệu quả.

Còn đó những băn khoăn

Có thể nói, việc thực hiện đồng bộ Đề án 52 đến các phường ven biển trong những năm gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát quy mô dân số và chất lượng dân số các vùng biển, đảo và ven biển. Tuy nhiên, qua khảo sát của chúng tôi, nhu cầu sinh con, nhất là sinh con trai ở đa số người dân vùng biển vẫn còn cao. Cơ sở vật chất, phương tiện đi lại, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ ở cấp phường còn thiếu và yếu, chưa phù hợp với môi trường và khí hậu biển. Việc vận động đối tượng chấp nhận biện pháp tránh thai bằng triệt sản ngày càng khó khăn. Phụ nữ thường thắc mắc “triệt sản có thay đổi tính nết, có thành... đàn ông không”, còn đàn ông thì “tôi triệt sản để tôi thành thái giám à?”. Cán bộ dân số phải kiên trì giải thích, có khi phải lấy danh dự của mình ra để bảo đảm.

Đơn cử, ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà, đầu năm đến nay có 12 cặp sinh con thứ 3 thì có 10 cặp là cố sinh để kiếm con trai nối dõi. Theo chân chị Phạm Thị Hiền, cán bộ dân số phường đến nhà vợ chồng chị Nguyễn Thị Hạnh (35 tuổi), là một trong những gia đình sinh 3 con gái. Dẫu sử dụng biện pháp đặt vòng, nhưng khi được hỏi, chị có nghĩ mình sẽ tiếp tục sinh thêm để có con trai nối dõi, chị Hạnh nhìn sang chồng rồi cười mà không nói gì. Đẩy câu hỏi khó này về phía chồng chị, anh Huỳnh Văn Nam, anh cũng cười sau câu trả lời chệch hướng: “Trai gái không thành vấn đề, tui thương tuốt!”. Từ gia đình chị Hạnh bước ra, chị Hiền nói nhỏ, những trường hợp như thế này, chị phải thường xuyên đến nói chuyện, động viên vì tư tưởng của hai vợ chồng chưa thật sự vững.

Một ví dụ khác ở phường Thanh Khê Đông cũng khiến cán bộ dân số là chị Đặng Thị Chí phải đau đầu khi năm lần, bảy lượt đi vận động mà tư tưởng vẫn “chưa thông”. Kể cả được bà Hồ Đàm Như Nga, Phó Chủ tịch UBND phường mời đến nói chuyện và ký vào cam kết. Đó là trường hợp chị N.T.N ở tổ 89. Sinh năm 1977 nhưng chị N. có đến 7 đứa con. Đứa lớn 19 tuổi. Đứa nhỏ 2 tuổi. Tuy nhiên, khi đến nhà vận động, cán bộ dân số thường xuyên bị chồng chị “nói mát mẻ” rằng, tôi sinh thì tôi nuôi, liên quan gì đến mấy người mà nói...

Cũng theo chị Đặng Thị Chí, do đặc thù của phường ven biển nên công tác dân số, KHHGĐ gặp phải một số trở ngại nhất định. Muốn người dân vùng biển hiểu rõ được các biện pháp tránh thai hiện đại thì không thể tuyên truyền theo kiểu phong trào mà phải đi lại nhiều lần, theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, đặc biệt là đối với nam ngư dân thường xuyên đi biển xa nhà.

Là địa phương có thế mạnh về du lịch, kinh tế biển, Đà Nẵng xem việc ổn định, nâng cao chất lượng dân cư vùng biển là nhiệm vụ chiến lược, hàng đầu trong ổn định cơ cấu dân số toàn thành phố. Bức tranh của người dân vùng biển sẽ ngày càng sáng hơn, nếu ở đó, có một thế hệ măng non, được thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố.

Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số (2003-2013), công tác DS-KHHGĐ thành phố Đà Nẵng đã đạt được những kết quả khả quan. Dân số trung bình năm 2012 là 969.475 người. Tuổi thọ bình quân của người dân là 75,9 tuổi. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi là 23,6% (2003) giảm xuống còn 5,4% (2012). Tỷ lệ trẻ em chết dưới 1 tuổi là 15,47% (2003) giảm còn 4,52%  (2012). Tỷ lệ nạo hút thai giảm từ 49,9%/tổng số ca trẻ sinh ra sống (2003) xuống còn 41,7% (2012). Tỷ suất chết mẹ có mức giảm lớn, từ 25,17%/100.000 ca sinh năm 2003 thì từ năm 2009 đến nay không có trường hợp chết mẹ do thai sản.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.