.

Dần đi vào nền nếp

.

Dù vẫn đang sống trong cảnh nhà thuê tại các khu chung cư (KCC) dành cho người thu nhập thấp nhưng không ít người đã được dân tín nhiệm bầu vào vị trí tổ trưởng tổ dân phố (TDP). Với họ, đó không chỉ là niềm vui, mà còn là trách nhiệm đại diện cho các hộ dân bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình lên các cơ quan chủ quản.

Anh Nguyễn Văn Chiến (phải) tiếp xúc với cán bộ phường để nắm rõ chủ trương, chính sách của chính quyền trước khi phổ biến cho tổ viên.
Anh Nguyễn Văn Chiến (phải) tiếp xúc với cán bộ phường để nắm rõ chủ trương, chính sách của chính quyền trước khi phổ biến cho tổ viên.

Tăng quyền lợi của người ở nhà thuê

Có một thời, điều làm người từ các tỉnh, thành khác đến Đà Nẵng công tác, làm ăn sinh sống lo lắng nhất là không được tham gia vào các hoạt động tại địa phương. Bởi họ là người thuê trọ, chỉ được quản lý về tạm trú, tạm vắng. Có bức xúc, thắc mắc lắm cũng chỉ đề đạt ý kiến với… chủ nhà. Nay thì khác, những tâm tư, tình cảm của họ sẽ được các cấp chính quyền lắng nghe, giải quyết thông qua TDP ở các KCC.

Được bầu vào vị trí tổ trưởng TDP 19, KCC A1 cuối tuyến Bạch Đằng Đông từ 3 năm nay, anh Nguyễn Văn Chiến mỗi tuần dành vài ba buổi tối để ghé sang nhà các hộ dân bên cạnh để nắm bắt tâm tư, tình cảm hoặc truyền đạt một số thông tin do chính quyền phát động. Với anh, đó là thói quen không bỏ được. Nhất là gần đây, khi thành phố có chủ trương đến cuối tháng 8 sẽ giải tỏa, di dời những hộ dân sống tại đây về KCC Vịnh Mân Quang A1.6. Công việc đi lại của anh cũng dày hơn vì 30 hộ dân nơi anh làm tổ trưởng mỗi người một ý kiến. Hộ nào sống ở căn phòng “quá đát” thì muốn dọn về nơi ở mới để có cuộc sống tinh tươm hơn. Hộ nào lo xa đến công việc làm ăn buôn bán, con cái học hành thì lắc đầu trước chủ trương của thành phố. Anh Chiến bảo: “Tôi cũng là người dân sống ở đây nên hiểu được tâm tư, tình cảm của bà con. KCC này đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng để chuyển về nơi ở mới khá xa thì thật sự tôi không muốn vì con cái phải đi học xa, không có người đưa đón. Nói thật lúc này tôi cũng ở trong tình huống khó xử vì một bên là chủ trương của thành phố, một bên là tiếng nói của người dân. Thôi thì mình cứ phải mềm mỏng, lắng nghe ý kiến hai chiều để có hướng tuyên truyền phù hợp”.

Nhằm bảo đảm an ninh trật tự và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân sinh sống tại các KCC trên địa bàn thành phố, trước đó ông Nguyễn Bá Bình, Giám đốc Công ty Quản lý nhà chung cư Đà Nẵng đã có công văn đề nghị thành lập TDP tại các KCC gửi về địa phương. Theo đề nghị này, UBND các phường có KCC sẽ tiến hành rà soát, nắm địa hình, số hộ dân để chia tách, sáp nhập theo đúng quy trình tại Quyết định số 51/2012/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng về việc lập quy chế tổ chức và hoạt động của TDP, thôn trên địa bàn thành phố. Ông Bình cho rằng, việc thành lập TDP ở các KCC sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý nhân khẩu, quy trình nhập hộ khẩu và giúp các hộ dân tiếp cận nhanh chóng chủ trương, chính sách của thành phố, bảo đảm quyền lợi người dân đang sinh sống tại chung cư.

Cần tạo nên sự quy củ

Đến thời điểm này, chưa có thống kê cụ thể có bao nhiêu TDP ở các KCC trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên với con số hàng ngàn căn hộ chung cư như hiện nay, thì quả thực, con số đó không hề nhỏ khi bình quân mỗi TDP có từ 20 đến 40 hộ theo quy định mới.

Đơn cử, phường Nại Hiên Đông có 4.536 hộ dân thì có đến 2.640 hộ đang sinh sống tại các KCC được cấp hoặc cho thuê giá rẻ của thành phố. Ông Nguyễn Thanh Luận, cán bộ theo dõi TDP phường cho biết, trước đây toàn phường có 60 TDP, mỗi tổ bình quân từ 60 đến 80 hộ. Sau khi chia tách, con số này đã lên đến 160 tổ, trong đó có 65 tổ đang sinh hoạt tại các KCC. Chưa kể, trong thời gian tới, sẽ có thêm 18 TDP ra đời tại các KCC 4A, 4B Nại Hưng 2A và Khu C2 gồm các tòa nhà A, B, C, D. “Việc chia nhỏ các TDP ở KCC giúp địa phương dễ dàng quản lý về mặt con người. Bên cạnh đó người dân cũng cảm thấy gắn bó gần gũi hơn khi phần lớn người thuê chung cư là cán bộ, công chức nhà nước đang công tác trên địa bàn thành phố”, ông Luận cho biết.

Ông Hoàng Xuân Điền làm tổ trưởng TDP 91, Khu A2, KCC Vũng Thùng nhiều năm nay. Công việc của ông khá thuận lợi khi hầu hết hộ dân sinh sống tại KCC này là cán bộ, công chức nhà nước. Bản thân ông Điền cũng là cán bộ. Việc triển khai các chủ trương của cấp trên luôn được các hộ dân bàn luận sôi nổi, góp ý về cách thực hiện thế nào cho tốt, cho hiệu quả, giúp ông có thêm “cảm hứng làm việc”. Nhờ đó, trong quá trình công tác, bản thân ông không gặp khó khăn về việc quản lý an ninh trật tự, vệ sinh KCC vì hầu hết các hộ dân đều có ý thức chấp hành quy định chung.

Ngoài ra, qua việc tìm hiểu thực tế hoạt động TDP mới thành lập ở một số KCC vừa đi vào hoạt động, hầu hết tổ trưởng đều chia sẻ, việc thành lập TDP ở đây còn mang tính hình thức, chưa đi vào nền nếp. Chưa kể ở những KCC chưa “lấp đầy” dân cư thì hoạt động của các TDP càng khó khăn, đặc biệt trong công tác quyên góp giúp đỡ hộ dân trong tổ có người thân đau ốm nặng phải nhập viện với lý do “tôi có biết ông đó (bà đó) là ai đâu mà góp”…

Ngoài ra, do quy mô mỗi TDP là 20 đến 40 hộ dân nên hiện ở mỗi KCC thường có 3 TDP. Việc sống chung trong một tòa nhà nhưng tách bạch ra nhiều TDP cũng gây không ít phiền toái. Ví như chuyện dọn vệ sinh, tổ này ra quân dọn nhưng tổ kia không dọn thì cũng bằng không. Để từng bước giải quyết vấn đề này, theo “hiến kế” của ông Nguyễn Thanh Luận, nên thành lập các liên tổ tại KCC, tạo nên sự liên kết chặt chẽ trong việc phối kết hợp triển khai các hoạt động chung, nhằm tạo sự đoàn kết, nhất trí cao trong tòa nhà, góp phần đưa hoạt động của các TDP nơi đây đi vào nền nếp, quy chuẩn.

HUỲNH LÊ
 

;
.
.
.
.
.