.

Thêm một lần hy sinh

.

Năm 2003, lúc Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh về Hòa Hải vận động bà con di dời mồ mả ở khu Tân Trà, nhường đất cho các dự án du lịch ven biển, ông Mai Thanh Đông, tộc trưởng tộc Mai - Hòa Hải nghĩ rằng, nếu mình là tộc trưởng mà không vận động được bà con họ hàng thì những việc khác nói ai nghe, trong khi ông là Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Ngũ Hành Sơn…

Dòng họ Mai Văn nhường lại mảnh đất là nơi an nghỉ ngàn năm của tổ tiên để thực hiện công cuộc đổi mới quê hương Hòa Hải.
Dòng họ Mai Văn nhường lại mảnh đất là nơi an nghỉ ngàn năm của tổ tiên để thực hiện công cuộc đổi mới quê hương Hòa Hải.

Nói thế nhưng mãi đến năm 2007, toàn tộc Mai của ông Đông mới đồng thuận, đồng lòng. Và bà con vừa ăn Tết Mậu Tý 2008 xong là bắt tay vào việc di dời gần 20 nghìn ngôi mộ của ông bà, tổ tiên của tất cả các chi phái lên nghĩa trang Hòa Sơn. Công việc kéo dài trong 8 tháng, không hề đơn giản bởi phải tuần tự từ ông Tiền hiền, Hậu hiền đến các ông, bà theo thứ tự từ cao xuống thấp. “Được cái bây giờ con cháu muốn lên nghĩa trang thắp hương cho người thân thì cứ theo khu mộ của từng chi, phái trong một khuôn viên chung, không phải mất công đi tìm như trước kia”, ông Đông nói rõ sự tiện lợi của nghĩa trang gia tộc mình từ khi di dời.

Theo ông Mai Thanh Đông thì sở dĩ buổi đầu các gia tộc không muốn di dời nghĩa trang vì bà con nghĩ cả gia tộc đã có một nghĩa trang riêng, chôn cất hơn mười đời tổ tiên, nay di chuyển thì chuyện tâm linh sẽ giải quyết thế nào. Rồi chuyện ngoài đất mộ để cải táng, còn cần một số đất dư lo chuyện hậu sự cho các thế hệ sau này… Ý kiến riêng lẻ của từng người trong gia tộc, ông Đông phải lắng nghe, phải giải tỏa tư tưởng và cơ bản là thuyết phục để mỗi gia đình vì cái chung của cả họ, vì lợi ích của cả thành phố. Ông Đông lại có thuận lợi là ở vị trí trưởng tộc, nói chuyện hơn – thiệt, phải – trái, phân tích cho bà con nghe, bởi đây cũng là “nghề” của ông trong công tác dân vận. Vậy mà mất mấy năm. Ngoài ra số tiền được hỗ trợ di dời cho gần 20 nghìn ngôi mộ chỉ vào khoảng hơn 1 tỷ đồng, bà con cả họ phải bù thêm gần 2 tỷ để bây giờ tất cả người đã khuất đều có mộ xây, có cái “nhà” đàng hoàng hơn trước. Nhờ đó, tộc Mai Văn của ông là tộc đầu tiên ở Hòa Hải đưa mồ mả ông bà về nơi ở mới, bàn giao cho Nhà nước gần 2ha đất.

Cũng nhờ tộc Mai dù có số mồ mả lớn nhất Hòa Hải nhưng di chuyển đầu tiên, mà lần lượt các tộc Phạm, Huỳnh, Nguyễn, Trần, Lê… đã đưa ông bà về hết nghĩa trang Hòa Sơn.

Ông Trần Văn Sáu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn vẫn nhớ lần Bí thư Thành ủy về gặp đại diện 52 chư phái tộc, đã bảo bà con là nhân dân Hòa Hải đã hy sinh nhiều trong chiến tranh, nhưng giờ nhờ bà con tiếp tục hy sinh vì các dự án đầu tư, vì muốn diện mạo đô thị được chỉnh trang hoàn chỉnh. Sau buổi tiếp xúc đó, bà con được lãnh đạo quận thuê xe đưa lên tận nghĩa trang Hòa Sơn xem các khu đất đã được quy hoạch, để bà con yên tâm về nơi ở mới của ông bà quá cố. Các tộc Trần, Nguyễn xin để lại mộ của vị tiền hiền đến đất này lập làng, lập họ; xin được xây nhà thờ tộc… đều được chính quyền giải quyết thỏa đáng. Nhờ đó đến nay Hòa Hải đã cơ bản di dời hết mồ mả ra khỏi các khu dân cư, hơn 50 nghìn ngôi mộ của 15 tộc họ di dời hết trong năm 2013.

Đất sau khi di dời mồ mả ở Ngũ Hành Sơn được thành phố giao cho các dự án du lịch và các khu tái định cư làng nghề đá Non Nước. Còn ở trung tâm thành phố thì tùy vào diện tích, sẽ giao cho gia đình ở kế bên khu mộ hoặc làm sân chơi. Ông Nguyễn Thanh Hưng, cán bộ phụ trách Địa chính-xây dựng phường Bình Hiên, quận Hải Châu cho biết, phường có 6 khu mộ của 4 gia tộc đã di dời hết. Tộc Nguyễn Văn sau khi di dời, phường có thêm hơn 200m2 đất, sẽ làm nhà họp liên tổ và khu vui chơi cho bà con; còn tộc Chế Văn xin phường để lại một khu đất nhỏ để làm nhà thờ tộc.

Ông Chế Văn Thảo, tộc trưởng tộc Chế Văn, phường Bình Hiên cho biết, chi phái của ông có 8 đời bám trụ ở Vĩnh Ninh, Bình Hiên này, nhưng theo chủ trương di dời mồ mả của thành phố, con cháu trong tộc đều đồng thuận, dù diện tích đất gần 1.200m2 chôn cất 169 ngôi mộ của gia tộc là do cha ông Thảo mua sau năm 1947 và cúng cho gia tộc. Sau năm 1975, ông Thảo cũng mua tiếp 3.000m2 đất ở Hòa Khương, nên khi chuyển mồ mả cả gia tộc đi, ông lên Hòa Khương lập nghĩa trang gia tộc và từ chối số đất dành cho gia tộc ông do thành phố cấp ở Nghĩa trang Hòa Ninh.

Tiết thanh minh năm 2012, ông Thảo và con cháu di dời mộ 7 vị đứng đầu dòng họ Chế ở Bình Hiên đi trước, đến tiết thanh minh năm nay, tất cả mồ mả ông, bà tộc Chế đã “mồ yên mả đẹp” ở Hòa Khương. Ông Thảo cho biết, với vai trò là trưởng tộc, ông đã “nói cứng” với một số người trong gia tộc khi họ phản ứng chuyện di dời, rằng “đây là chủ trương của thành phố đưa mồ mả ra khỏi khu dân cư, thì dù là đất tư cũng phải chấp hành”.

Trong nội thành, theo chủ trương di dời mộ ra khỏi khu dân cư, hiện chỉ còn một vài nghĩa trang gia tộc và số này sẽ di dời ngay trong năm nay. Như nghĩa trang tộc Huỳnh ở phường Thanh Khê Đông gồm 25 mộ. Theo một lãnh đạo UBND quận Thanh Khê, ông Hoàng Tư Dũng đại diện tộc Huỳnh ký cam kết sẽ di dời vào ngày 15-9 tới.

Ở Hòa Vang có nhiều nghĩa trang gia tộc, chủ yếu tập trung ở xã Hòa Khương. Ông Đinh Ngọc Thiên, Chủ tịch HĐND xã cho biết: Ở Hòa Khương hiện có rất nhiều dạng nghĩa trang gia tộc như nghĩa trang tộc, phái, chi, gia đình... tập trung ở Gò Cao, Gò Cà. Con số này xã không nắm được vì chưa có một khảo sát thực tế nào về vấn đề này.

Quận Ngũ Hành Sơn có 15 tộc họ đã di dời hết nghĩa trang gia tộc. Hiện toàn quận đã di dời được 44.718 mộ/59.430 mộ.

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.