.

Một mình "gánh" 4 nhiệm vụ

.

Thực hiện thành công 4 nhiệm vụ của tổ trưởng dân phố, thôn trưởng là góp phần đạt những mục tiêu để Đà Nẵng phấn đấu trở thành một thành phố yên bình, đáng sống.

Cỏ dại, rác và xà bần tràn lan trên đường Đông Kinh Nghĩa Thục, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà vì… thiếu tổ trưởng dân phố.
Cỏ dại, rác và xà bần tràn lan trên đường Đông Kinh Nghĩa Thục, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà vì… thiếu tổ trưởng dân phố.

Vì một thành phố yên bình, đáng sống

Xong việc mưu sinh thường ngày, xế chiều anh Nguyễn Đình Hùng tranh thủ đem cờ Tổ quốc ra cắm ngoài cổng chào đầu làng Phước Lý, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Phước Lý ban đầu chỉ có hai tổ dân phố (DP), sau vừa tách thêm một, trong đó tổ 54 do anh Hùng làm tổ trưởng là đơn vị xuất sắc toàn diện toàn phường nhiều năm liền.

Khi nào bà con trong tổ nhìn thấy dãy cờ Tổ quốc thẳng tắp phấp phới bay trong gió là đoán biết sắp đến ngày lễ lớn. Cái lệ cán bộ tổ treo cờ ngoài cổng làng trước (để nhắc nhở), các hộ dân treo cờ sau đã có từ khi thành lập tổ dân phố 54. Tổ lúc đó có đến 134 hộ với gần 800 nhân khẩu, cuối năm ngoái được chia tách thành 3 tổ; trong đó, anh Hùng được bà con tín nhiệm tiếp tục bầu làm tổ trưởng tổ 272 gồm 42 hộ với 196 khẩu. Tổ trưởng DP bây giờ vất vả hơn, vì chỉ có một người lo tất tần tật mọi công việc, anh cho biết. Đã thành lệ, cứ vào ngày 20 tháng chẵn là bà con nhắc nhau đến dự họp tổ định kỳ hai tháng một lần. Nếu họp đột xuất thì tổ trưởng sẽ thông báo qua 4 loa đặt ở 4 góc địa bàn khu dân cư.

Ở tổ DP 51B Mân Quang 4, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, ngoài việc dùng loa thông báo tin tức cho bà con trong tổ, tổ trưởng Trần Mạnh Kền còn xây dựng phương án báo động toàn dân. Cả tổ chỉ có 26 hộ, hầu hết là bộ đội, mỗi hộ sắm một cây gậy. Khi có sự cố, tổ trưởng gõ 9 tiếng kẻng, các hộ dân nhận lệnh cầm gậy ra đứng trước nhà để thị uy, biểu hiện sức mạnh, răn đe các đối tượng xấu. Nhờ đó, “cẩu tặc” không dám bén mảng, trộm cắp cũng lảng xa.

Tổ trưởng tổ 2C Thành Vinh Bùi Văn Định, cũng phường Thọ Quang, kể rằng, trong tổ có một bộ đội hải quân ốm nặng, anh vận động mọi người giúp đỡ, động viên gia đình. Sau, anh này qua đời vì bạo bệnh, bà con trong tổ lại tiếp tục giúp đỡ những người còn lại trong gia đình để xây dựng tiền lệ tốt đẹp trong tổ. Anh Định và anh Kền đều là sĩ quan quân đội nghỉ hưu. Quê miền Bắc, định cư ở Thọ Quang trên 20 năm nay, hai anh đã xem nơi này là quê hương thứ hai của mình.

Tại lớp bồi dưỡng về chức trách, nhiệm vụ cho hơn 5.780 tổ trưởng tổ DP và trưởng thôn trên địa bàn hồi đầu năm nay, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã nhắc đến bốn nhiệm vụ trọng tâm của tổ trưởng tổ DP, trưởng thôn: theo dõi chặt chẽ việc quản lý cư trú; giữ vững an ninh trật tự, phòng chống tội phạm; giúp nhau giảm nghèo; giữ gìn tốt vệ sinh môi trường tại khu dân cư, bảo đảm và thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

Vậy là cả tổ trưởng tổ DP lẫn trưởng thôn đều gánh trên vai trọng trách ở cơ sở như nhấn mạnh của Chủ tịch UBND thành phố: “Đó là những mục tiêu để Đà Nẵng phấn đấu trở thành một thành phố yên bình, đáng sống”.

Khi tổ dân phố vắng tổ trưởng

Phường Hòa Minh hiện có 9 nghìn hộ với 45 nghìn nhân khẩu, theo Trung tá Nguyễn Đắc Mười, Trưởng Công an phường Hòa Minh, là phường dân số đông nhất và diện tích rộng nhất thành phố (8,7km2). Trước, cả phường chỉ có 98 tổ DP, nay đã tăng lên gấp ba, 274 tổ. Trước, có tổ đến 120 hộ, cảnh sát khu vực muốn xác minh một hộ nào đó trong tổ có khi không nắm được. Nay với số hộ chỉ 30 - 40 mỗi tổ, tổ trưởng quản lý dễ hơn và sâu sát hơn. Trước có tổ trưởng và tổ phó, nhiều khi dựa dẫm, ngó chừng nhau nên công việc không chạy. Chừ một mình tổ trưởng nên trách nhiệm cụ thể hơn.

Trung tá Mười cũng thẳng thắn nêu một số tồn tại, bất cập của đội ngũ tổ trưởng  trên địa bàn. Hòa Minh có khoảng 10% tổ trưởng yếu kém về năng lực lẫn phẩm chất, hầu hết rơi vào trường hợp các tổ tìm không ra người khá hơn nên cứ bó đũa chọn cột cờ mà bầu lên. Tổ trưởng DP dù gì thì cũng đã đứng trên cả tổ, ai lại sa đà vào chuyện ăn uống, rượu chè; thậm chí còn tham gia đánh bài, tuy không phải ăn thua gì lớn (có khi chỉ 1 – 2 nghìn mỗi ván) nhưng như thế là biểu hiện thiếu ý thức.

Việc tìm không ra người nổi trội để bầu làm tổ trưởng DP có lẽ là một thực trạng của nhiều địa phương ở Đà Nẵng, khi mà số lượng tổ DP tăng gấp 3 như ở Hòa Minh.

Với phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, câu chuyện lại chuyển sang một hướng khác, khi chúng tôi tìm hiểu về thực trạng cỏ dại mọc um tùm che khuất tầm nhìn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và việc đổ xà bần tràn lan, lấn hết gần nửa lòng đường Đông Kinh Nghĩa Thục một đoạn dài. Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ Nguyễn Hữu Nam cho biết, khoảng 100m trên đường này nằm bên phần đất thuộc Dự án An Cư 4 (Khu cây me Phước Trường), do thiếu kinh phí, chậm tiến độ nên đã bỏ hoang, lau lách mọc đầy từ năm 2007 đến nay. Nơi này trước có 150 hộ thuộc tổ 4 và tổ 5 Phước Mỹ. Sau khi có chủ trương chia tách tổ DP thì 2 tổ này vẫn không tách mà cũng không nhập vì hiện chỉ còn… 9 hộ, các hộ khác (trong đó có hộ 2 tổ trưởng DP) đã tái định cư nơi khác.

Vậy đã rõ, do thiếu vắng tổ trưởng DP, thiếu người “gác cổng” nên một số người đã đổ trộm xà bần ở khu đất giải tỏa chưa làm nhà vào ban đêm. Ông Nam cho biết, quận và phường đều có một tổ kiểm tra quy tắc, trong đó có nhiệm vụ trật tự vỉa hè, năm ngoái đã bắt 4 xe đổ xà bần, năm nay thêm 1 xe nữa. Nếu dự án triển khai sớm, có nhà dân, có tổ trưởng DP thì đoạn đường Đông Kinh Nghĩa Thục-mang tên một phong trào khai trí cho dân, thực hiện cải cách xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ XX trong thời Pháp thuộc sẽ không phải nhếch nhác như thế!

Thôn, tổ DP không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn; nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao.

Nguồn: Thông tư số 04/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ về Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.