.

Du học Nhật không chỉ là trải nghiệm

.

Hàng chục suất học bổng (HB) du học Nhật Bản mỗi năm dành cho sinh viên, học sinh Đà Nẵng đã biến ước mơ của nhiều em thành hiện thực. Con đường du học tại đất nước mặt trời mọc được nhiều du học sinh nhận xét không chỉ là quá trình trải nghiệm kỹ năng sống, nâng cao kỹ năng nói và viết tiếng Nhật, mà còn là quá trình mỗi người tự học, làm việc hết khả năng của mình để tồn tại trên một đất nước đề cao tính tự lập và cống hiến hết mình cho xã hội.

Thanh Thảo (đứng trước, giữa) cùng bạn bè trong kỳ du học 1 năm chương trình Văn hóa Nhật năm 2009 tại Nhật Bản. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Thanh Thảo (đứng trước, giữa) cùng bạn bè trong kỳ du học 1 năm chương trình Văn hóa Nhật năm 2009 tại Nhật Bản. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Học 1 năm ở Nhật = 3 năm ở Việt Nam

Khi nhập học chuyên ngành tiếng Nhật, khoa Nhật-Hàn-Thái tại ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng năm 2006, Phạm Thị Thanh Thảo ấp ủ ước mơ được sang Nhật du học, bởi Thảo biết rằng, với một thứ tiếng nước ngoài bất kỳ, thì được học và thực hành ngôn ngữ đó tại bản xứ sẽ giúp mình tiến bộ rất nhiều. Và ước mơ của Thảo “chạm đích” khi vào năm thứ 3 đại học, Thảo và 3 bạn cùng khóa được chọn “tranh tài” trong kỳ thi giành suất học bổng toàn phần khóa học Văn hóa Nhật Bản kéo dài 1 năm do Chính phủ Nhật tài trợ. Kết quả của kỳ thi là Thảo và một sinh viên (SV) nữa đánh dấu năm đầu tiên ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng có 2 SV được du học Nhật theo chương trình này.

Khi đến Nhật, Thanh Thảo chọn ĐH Ngoại ngữ Tokyo để theo học, ngoài thời gian học ở trường, Thảo còn tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, học các môn văn hóa Nhật và giới thiệu một số văn hóa truyền thống Việt Nam, tham gia chương trình homestay. Ngoài ra, Thảo còn xin đi làm thêm với mục đích rèn luyện tiếng Nhật và trải nghiệm văn hóa Nhật trong đời sống thường ngày. Sau nửa năm, Thảo đã có thể nói nhanh và thông thạo như người Nhật. Theo Thảo, với 1 năm học tập ở Nhật, bạn có vốn ngôn ngữ bằng 3 năm học tập miệt mài ở trong nước. Đó là cơ hội để Thảo tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc, được giữ lại trường làm giảng viên và cô là một trong những giảng viên trẻ của khoa Nhật-Hàn-Thái.

Năm 2006 đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời Lê Anh Tuấn, hiện là Phó Giám đốc TT Nhật ngữ Đông Du Đà Nẵng, khi Tuấn lên đường sang Nhật làm việc và tìm con đường du học, sau khi tốt nghiệp một trường ĐH danh tiếng trong nước. Công việc của Tuấn khi sang Nhật không hề được trải thảm đỏ, khi phải thức dậy từ 2-3 giờ sáng đi đến nhiều hang cùng ngõ hẻm ở thủ đô Tokyo để đưa báo buổi sáng, sau đó về đi học tiếng tại trung tâm; buổi chiều quay lại con đường đi phát báo; buổi tối học ở các lớp luyện thi do các thành viên của Đông Du ở Nhật tổ chức theo cụm hoặc đi làm thêm. Thời gian 1 năm rưỡi đó, Tuấn phải gắng hết sức để vừa học vừa làm, vì bạn sang Nhật theo con đường bảo lãnh giữa nhật báo Asahi của Nhật và TT Nhật ngữ Đông Du. Sau đó, Tuấn theo học 6 tháng chương trình nghiên cứu sinh dành cho những người muốn tham gia thi ĐH và trên ĐH. Trải qua kỳ thi cam go đó, Tuấn được nhận học chương trình cao học 2 năm, trước khi làm nghiên cứu sinh để lấy bằng Tiến sĩ. Về nước từ tháng 3-2013, hiện Tuấn là giảng viên của khoa Xây dựng, trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

Học bổng đến Nhật rộng mở

Con đường du học của các học viên TT Nhật ngữ Đông Du Đà Nẵng giống nhau ở điểm: các bạn phải thi đậu vào một trường ĐH nào đó ở Việt Nam, có tổng điểm 3 môn từ 21 điểm trở lên, có ý chí đến nước Nhật du học và phải thật sự “chiến thắng bản thân”, vượt qua mọi trở ngại để có thể tồn tại trên một đất nước đánh giá cao tinh thần, ý chí con người. Bởi hầu hết các bạn phải tự làm việc để nuôi sống bản thân, tự học để có vốn tiếng Nhật thi đậu vào các trường ĐH của Nhật, phải có khả năng tìm được học bổng nếu muốn hoàn thành chương trình học ở bậc cao nhất. Đến nay đã có gần 3.000 học viên Đông Du sang Nhật du học kể từ năm 1975, năm đầu tiên TT thành lập tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó có chừng 500 học viên ở miền Trung thông qua TT Đông Du Đà Nẵng trong suốt 20 năm qua. Lê Anh Tuấn cho biết, riêng tại TT ở Đà Nẵng, đã có 10 người tốt nghiệp Tiến sĩ, 40 người tốt nghiệp Thạc sĩ và hàng trăm người có bằng ĐH do các trường ĐH ở Nhật cấp.

Quan điểm “du học như thế nào mới đúng nghĩa” được nhiều bạn trẻ hiện nay áp dụng, nhất là với những bạn có nguyện vọng du học tại Nhật. Bởi việc biết tự lo cho cuộc sống, tự trang trải học phí; cuộc sống ở Nhật dạy cho các bạn năng lực, biết  bảo đảm uy tín… sẽ giúp bạn trưởng thành. Anh Tuấn cho biết, 80% học viên của Đông Du du học thành công, đặc biệt là thành công về con người theo những tiêu chí trên.

   Năm 2003, Đà Nẵng là một trong các địa phương triển khai đề án giảng dạy tiếng Nhật tại các Trường THCS Tây Sơn, Lê Lai; Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh. Tính đến nay đã thu hút gần 4.000 học sinh theo học. Khoa Nhật - Hàn - Thái thuộc Trường Đại học Ngoại Ngữ được thành lập vào năm 2003, đến nay đã thu hút 375 sinh viên học tiếng Nhật.

Anh Đoàn Đức Phước, Phụ trách chương trình du học “Sakura đồng hành cùng học sinh nghèo hiếu học” của TT Nhật ngữ Sakura, cho biết từ năm 2006 đến nay, TT đã đưa gần 70 em thuộc diện gia đình nghèo sang Nhật du học. Chỉ cần các em tốt nghiệp phổ thông, cần cù và có đạo đức, sẽ được TT đào tạo tiếng Nhật trong 1 năm với mức học phí tượng trưng khoảng 3 triệu đồng, sau đó sẽ được TT bảo lãnh sang Nhật, được cho mượn tiền vé máy bay và sinh hoạt phí ban đầu khoảng 2.000 USD, số tiền này các em cần hoàn trả sau khi tốt nghiệp hoặc trong quá trình vừa học vừa làm. Với những em nam, có thể lực, sẽ được báo Asahi bảo lãnh để vừa làm, vừa đi học tiếng Nhật; các em nữ sẽ được đến trường tiếng Nhật Kotobakokusai ở Shizuoka, được giới thiệu vào làm việc ở các nhà máy, công ty Nhật ở thành phố này. Sau thời gian 2 năm học tiếng Nhật, đã có 6 em từ TT Nhật ngữ Sakura thi đậu vào các trường ĐH ở Nhật, có gần 10 em đã về nước và được nhận vào làm việc tại các công ty Nhật ở Đà Nẵng…

Thạc sĩ Tăng Thanh Mai, Trưởng khoa Nhật-Hàn-Thái, ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, cho biết nhiều chương trình HB dành cho các SV có lực học tốt, tiếng Nhật đạt chuẩn N2 (tiếng Nhật quốc tế) trở lên sẽ có rất nhiều cơ hội du học. Đó là HB khóa học Văn hóa Nhật Bản 1 năm của Chính phủ Nhật Bản, đã có 8 SV theo học chương trình này; 3 SV nhận HB “Tham quan học tập tại Nhật Bản dành cho thanh niên châu Á - Thái Bình Dương” kéo dài 6 tuần từ năm 2008 đến 2010; 4 SV tham gia chương trình giao lưu văn hóa tại thành phố Mitsuke từ năm 2007 đến 2010 và mới đây nhất là chương trình HB dành cho những nước có nhiều người học tiếng Nhật…

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.