.

Nhớ trường...

.

Mái trường như là mái nhà chung, ai rời xa nơi ấy mà không da diết mong ngày quay lại như nỗi lòng của nhà thơ Lê Đăng Khoa trong bài “Nỗi nhớ trường xưa”: Ta bất chợt thấy cay xè đôi mắt/Trường xưa ơi xin về lại một lần...

Với những ngôi trường bước qua tuổi 50 như THPT Thái Phiên thì nỗi nhớ được tính bằng... nửa thế kỷ. Xa trường nhớ đã đành, nhưng có người đang dạy ở trường như thầy Nguyễn Quang Vịnh mà nhớ thì kể cũng lạ. Lạ gì, thầy bảo, nhớ là nhớ cái thời còn làm học trò chứ không phải thời làm thầy giáo.

Cổng trường Thái Phiên những năm 90 thế kỷ trước (trái) và ngày nay.        Ảnh: V.T.L
Cổng trường Thái Phiên những năm 90 thế kỷ trước (trái) và ngày nay. Ảnh: V.T.L

Hoài niệm một thời

Hồi đó trường còn nhỏ lắm, còn mang tên Trường Trung học Ngoại Ô, nằm trên gò đất cao với 4 phòng học ở giữa, dãy tầng trệt bên trái dành cho Ban giám hiệu và thư viện, sau đó xây thêm 4 phòng nữa cùng dãy dành cho 4 lớp Đệ Thất (lớp 6 bây giờ). Năm 1969, cậu học trò Vịnh được vào một trong 4 lớp đó. Dãy bên phải là hội trường, khi thiếu phòng học, nơi này được ngăn đôi cho hai lớp học nên thầy giảng cho lớp bên này thì lớp bên kia nghe rõ mồn một! Học trò học trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất và thiếu cả giáo viên.

“Ngày ấy, chúng tôi siêng học và sợ thầy cô lắm. Lần nọ, tôi được cô hướng dẫn (nay gọi là cô chủ nhiệm) lớp Đệ Thất 1 Nguyễn Thị Ngọc Huệ cho phép xuống văn phòng để xin phiếu điểm. Lúc quay về, tôi chạy mạnh chân quá, bị thầy Bùi Minh Hiển bắt quỳ trước cửa lớp Đệ Thất 4, vì làm ảnh hưởng đến việc học của lớp này”, thầy Vịnh nhớ lại.

Nếu người học trò - thầy giáo Vịnh khó quên cái vụ bị phạt quỳ thì cô giáo Võ Thị Oanh, khi về dạy ở trường, lại nhớ đến chuyện ngày còn bé. Nhà cô ở gần Cống Chém, ba mẹ cô bảo rằng, gọi thế vì đó là nơi giặc Pháp đã hành hình các nhà yêu nước người Quảng trong khởi nghĩa Duy tân năm 1916. Lớn lên, khi về Trường Thái Phiên dạy môn Lý - Hóa, cô mới hiểu ra rằng một trong những con người lừng lẫy trên pháp trường gần nhà cô ngày nào chính là nhà chí sĩ yêu nước mà trường vinh dự mang tên.

Có lẽ chẳng ai như thầy Lê Đình Lỹ, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, nhớ gì không nhớ, lại đi nhớ... cái dốc trước cổng trường. Từ đường Trần Cao Vân vào trường, chưa lấy được thế để lao dốc thì con dốc đã dựng thành một “chướng ngại vật” ngay trước mặt. Ấn tượng như thế thì bảo sao không nhớ cho được. Phương tiện đi lại những năm ấy chủ yếu là xe đạp - may mắn lắm là Honda Cup 79, 81, nên giải pháp an toàn nhất là vào ra gì cũng... dắt bộ. “Trong gian khổ thế mà vui, thầy Lỹ nhớ lại. Mười năm trước, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập trường, con dốc đã được chỉnh trang nhưng không biết tự bao giờ nó đã trở thành hoài niệm một thời để nhớ”.

Thầy, trò và trường xưa lớp cũ

Cùng vào trường một lần với anh Vịnh có các anh Võ Duy Khương, Lê Duy Vọng, Trần Văn Dư, Đoàn Tranh, Lê Thân, Nguyễn Tấn Ngọc, Nguyễn Văn Nghiêu... Tuy mỗi người trên đường đời có một lối rẽ riêng nhưng vẫn mãi chung nhau một nỗi nhớ trường xưa.

Anh Khương người làng Hòa An. Cả làng lúc đó hơn chục bạn đi thi mà chỉ riêng mình anh đậu vô trường công lập. Mừng là được lên trung học, lo là phải đi học xa mà không có bạn bè. Cũng may là sau đó trường lấy thêm một lớp Đệ Thất nữa nên có bạn đi về với nhau. Đúng như tên gọi, trường lúc đó chỉ ở tầm... ngoại ô nhưng đối với anh vậy là đã khang trang bề thế lắm rồi. Bạn trong lớp toàn người ở phố, anh ở quê ra dù sao cũng ít nhiều tự ti. Vì thế anh ráng học cho bạn ở phố biết thế nào là “trình độ” của học trò nhà quê.

Lúc đó, thầy Lê Oanh là hiệu trưởng, phụ trách dạy môn Anh văn. Thầy rất nghiêm khắc nhưng cũng rất yêu thương học trò. Một người nổi tiếng nghiêm khắc không kém là thầy Phan Khắc Đồ, dạy Toán rất hay. Thầy rạch ròi với học trò, đứa nào không nghe giảng là đuổi ra ngoài, đứa nào không hiểu là dạy tới nơi tới chốn, thậm chí hết giờ thầy vẫn còn ở lại giảng cho học trò.

Học hết lớp 7 (không gọi Đệ Lục nữa, vì đầu năm học 1970 - 1971 đổi thành lớp 1 đến lớp 12 như ngày nay), anh Khương và anh Vịnh thi vào lớp 8 Trường Trung học Kỹ thuật, nay là Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng. Hai anh đã tranh thủ gặp thầy Đồ, nhờ thầy bày cách giải những bài toán khó, nhờ đó, đã đậu vô trường chỉ chọn toàn học sinh giỏi Toán - Lý - Hóa này. Hơn 40 năm rồi, anh Khương vẫn còn nhớ: “Thầy có viết mấy tập bài toán khó, phô-tô tặng cho học trò thích học toán, trong đó có tôi. Tuy tôi chỉ học ở Trường Thái Phiên 2 năm, nhưng tôi rất quý mến thầy, một người thầy mẫu mực đã dạy chúng tôi cả chữ lẫn đạo làm người”.

Đậu vô trường, anh Trần Văn Dư được ba mẹ thưởng cho cây bút máy hiệu Pilot màu đỏ, dùng mãi đến năm lớp 9 mới thay bút mới. Cây bút như báu vật là đáng nhớ, nhưng chuyện đổi tên trường lại càng khó quên hơn. Đó là năm 1972, lớp anh được xe quân sự chở lên thôn Nghi An (xã Hòa Phát) rước di ảnh và bát hương cụ Thái Phiên về trường. Anh đã trở thành một trong những “chứng nhân lịch sử” của trường: “Thế là từ đó trường mang tên cụ Thái Phiên nằm trên đường Trần Cao Vân, hai nhà chí sĩ yêu nước ngày nào đã gần nhau, chắc là các cụ vui vì con cháu có ý tứ”.

Ngôi trường của những chuẩn mực sống

Học trò ngày ấy chỉ thầm để ý nhau thôi, và chỉ dừng lại ở đó. Chị Nguyễn Thị Kim Nữ vô trường năm 1973, giờ ôn lại vẫn không tìm thấy một “mối tình” nào trong suốt 7 năm học ở trường, mọi sự chỉ “bật mí” khi họp lớp sau này. Một anh thầm để ý một bạn gái cùng lớp, đứng chờ cô nàng đi chợ về, đến lần thứ 3 mới gặp và tặng hai tấm hình... Bác Hồ và Bác Tôn. Giờ gặp lại, cô nàng vẫn nhắc: Lúc đó tui cảm động lắm, tới chừ vẫn còn giữ hình ông tặng tui ngày trước.

Cái việc tặng hình hai vị lãnh tụ cho thấy học trò ngày đó nếu có yêu thì tình yêu đó thật trong sáng, thật đẹp. Có người, như anh Phan Viết Thông, lại đặt trái tim mình cho tình yêu Tổ quốc. Anh chỉ học 3 năm cấp 3, từ 1978 đến 1981. Lúc xảy ra chiến tranh biên giới, anh cắn ngón tay lấy máu viết “Đơn tình nguyện lên đường tòng quân giết giặc”, sau đó viết đơn bằng bút bi, cuối cùng ký tên bằng máu, gửi lên ban giám hiệu và Đoàn trường. Tuy anh không được xét nhập ngũ vì là con liệt sĩ, nhưng hành động đó đã trở thành hành trang trên đường lập nghiệp của anh về sau này.

Anh Dư sẻ chia: “Bạn cũ ngồi lại bàn chuyện họp trường, mắt cay cay, lòng mừng vui. Có người thành đạt, có người còn lắm khó khăn, nhưng tất thảy là học trò, nhất quỷ nhì ma, xưng tau gọi mày í ới”. Chị Kim Nữ tha thiết: “Xa tuổi học trò, nhìn hoa phượng chảy nước mắt. Ra đời mỗi người một cảnh, nhưng về trường xưa, tất cả lại bằng nhau như hồi đi học”.

Cô Võ Thị Oanh giờ đã nghỉ hưu. Nhiều học sinh cũ đã quay về thăm trường, tất cả đều thành người, đều tự hào về ngôi trường, về nhà yêu nước Thái Phiên. “Cuộc đời của người con đất Đà Nẵng này đã gieo vào lòng cả giáo viên lẫn học sinh nhà trường những chuẩn mực sống: trung thực, quyết tâm, phát triển trí tuệ cùng với phẩm chất đạo đức, uống nước nhớ nguồn” - cô nói.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.