.

Đi trước một bước...

.

“Chiếc áo” của các chợ ở Đà Nẵng hiện đã quá chật so với sức lớn như thổi của nền kinh tế thành phố động lực miền Trung này.

Nếu được mở rộng ra sát đường Bạch Đằng, chợ Hàn sẽ thoát khỏi “cái áo chật” và thu hút khách du lịch nhiều hơn nữa.        		        ẢNh: V.T.L
Nếu được mở rộng ra sát đường Bạch Đằng, chợ Hàn sẽ thoát khỏi “cái áo chật” và thu hút khách du lịch nhiều hơn nữa. ẢNh: V.T.L

Một thời, dân gian bảo “Đi phố: Hội An, đi Hàn: Đà Nẵng”. Chợ Hàn gắn liền với thành phố bên dòng sông cùng tên, đã là niềm tự hào của người Đà Nẵng bao đời nay. Vì thế, từ cuối những năm 80 thế kỷ trước, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) đã chủ trương xây dựng chợ Hàn giai đoạn 1 tồn tại như hiện nay, lẽ ra sẽ tiếp tục giai đoạn 2 là mở rộng về phía Đông ra đến giáp đường Bạch Đằng, bố trí luôn khu vực để xe. Thế nhưng, vì nhiều lý do, tất cả đã dừng lại ở giai đoạn 1 và ông Huỳnh Ngọc Quý, Trưởng ban Quản lý Chợ Hàn hiện nay, mỗi khi nói về ngôi chợ truyền thống này, lại lo lắng:

“Bức xúc nhất là chỗ để xe”

Chợ Hàn hiện có 800 hộ thương nhân, nếu mỗi hộ chỉ đi 1 xe thì cũng đã 800 chiếc gửi cả ngày. Diện tích vỉa hè dành cho giữ xe đã hẹp lại sau khi đường Trần Phú được mở rộng, hiện chỉ còn khoảng 36m2 bên vỉa hè đường Hùng Vương. Giải pháp tình thế được đưa ra là Ban quản lý chợ khuyến khích các hộ dân quanh chợ mở dịch vụ giữ xe, vừa cải thiện đời sống, vừa giúp chợ.

Chợ Hàn và 3 chợ loại 1 khác gồm chợ Cồn, chợ Đầu mối, chợ Đống Đa đều nằm trên địa bàn quận Hải Châu, do Công ty Quản lý Hội chợ Triển lãm và các chợ Đà Nẵng quản lý. Nơi nào có chợ thì nơi đó vỉa hè, lòng đường rất phức tạp, như phân tích của ông Huỳnh Văn Rân, Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Hải Châu: “Mặt bằng cho việc giữ xe chưa đáp ứng nhu cầu, tuy phần lớn có tính toán khi làm quy hoạch nhưng chỉ tại thời điểm xây dựng, sửa chữa chợ mà không nghĩ đến đón đầu về sau. Thêm vào đó, phần lớn người giữ xe chỉ biết chạy theo lợi nhuận mà chưa ý thức việc chấp hành các quy định về quản lý vỉa hè, lòng đường”.

Thực tế cho thấy địa điểm một số chợ chưa phù hợp, ông Rân đơn cử như chợ Cây Me, được hình thành trên một kiệt hẻm đường Trần Bình Trọng, giáp ranh giữa hai phường Hải Châu 2 và Phước Ninh. Không chỗ để xe, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, thực trạng này không quy hoạch được, UBND quận đã đề xuất thành phố cho giải tỏa chợ (như đã giải tỏa chợ Cô Giang, chợ Tiểu La) nhưng chưa thấy phản hồi.

Nếu các chợ “lão làng” bị áp lực vì không có chỗ để xe thì các chợ “trẻ” đã khắc phục được ít nhiều “lỗi” này.

Chợ Hòa Khánh xây dựng năm 2005, là chợ loại 1 do UBND quận Liên Chiểu quản lý, hiện là chợ rộng nhất Đà Nẵng, diện tích 30.000m2  với 1.340 hộ thương nhân. Ông Phạm Phước, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý các chợ quận Liên Chiểu, cho rằng đây là chợ bán lẻ số 1 ở Đà Nẵng, với 5 bãi để xe rộng 1.000m2 có thể phục vụ đông đảo lượng công nhân, sinh viên đang làm việc, học tập trên địa bàn.

Trước đó, năm 2004, chợ Đầu mối ra đời với 20.000m2, một nửa xây dựng khu nhà lồng chính cho 450 hộ, một nửa dựng nhà lều cho các hộ ở các vùng quê ra bán gọi là khu dân sinh (còn gọi là khu lộ thiên) trên 650 hộ. Theo ông Nguyễn Công An, Trưởng ban Quản lý chợ Đầu mối, chợ có 3 bãi giữ xe rộng tổng cộng 600m2, không lo quá tải xe máy mà chỉ lo chỗ đỗ xe tải. Đến trước các ngày Rằm, mồng Một, ngày Tết, hàng trái cây về tấp nập để cấp cho cả hai tỉnh bạn Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế. Ban quản lý phải phối hợp với các cơ quan chức năng để giữ trật tự giao thông, giải quyết chỗ cho xe tải nhập hàng.

Quy hoạch đón đầu, đồng bộ

Do lịch sử để lại, ngày trước việc xây dựng chợ đã không tính đến lượng người và xe khi kinh tế phát triển. Ông Rân đề nghị, nên chăng trong lúc chưa có kế hoạch đầu tư, nâng cấp, Ban quản lý các chợ giảm bớt các quầy hàng, nhất là các quầy hàng không hiệu quả kinh tế, để lấy mặt bằng cho việc giữ xe. Bởi giữ xe cũng là một hình thức phục vụ cho kinh doanh ở chợ, đảm bảo văn minh đô thị, văn minh thương nghiệp.

Văn minh thương nghiệp là mục tiêu hướng đến của Đà Nẵng thời hội nhập, như khẳng định của ông Lê Ngọc Thạnh, Giám đốc Công ty Quản lý Hội chợ Triển lãm và các Chợ Đà Nẵng. Việc quy hoạch, nâng cấp sẽ giúp cho “chiếc áo” của các chợ ở Đà Nẵng bớt chật so với sức lớn như thổi của nền kinh tế.

Chợ Đầu mối, so với chợ bán sỉ các nơi thì vẫn hẹp. Mỗi hộ chỉ từ 6 đến 9m2, không đủ chỗ để nhập một xe tải 5 tấn rau củ quả. Nhờ chợ chủ yếu hoạt động nửa đêm về sáng, từ 1 đến 8 giờ, nên dỡ hàng xuống là có người mua ngay, không ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và cảnh quan đô thị. Ông Thạnh cho biết, từ năm 2009 đã có đề án quy hoạch chợ Đầu mối giai đoạn 2 với tổng vốn 26 tỷ đồng do ngân sách Trung ương tài trợ các chợ đầu mối bán nông sản thực phẩm, nhưng do khó khăn về vốn, nên vẫn chưa khởi động được.

Chợ Hàn và chợ Cồn là hai chợ truyền thống được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố chọn làm điểm đến cho du khách. Trong lúc chợ Cồn không thể “rục rịch” được thì chợ Hàn vẫn còn “xoay xở” nếu được thành phố phê duyệt quy hoạch, mở rộng chợ ra sát đường Bạch Đằng theo giai đoạn 2 của đề án ban đầu.

Chợ Hòa Khánh, “bao tử” của phía Tây Bắc thành phố, như lời Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Hữu Thiết, sẽ được sửa chữa, nâng cấp giai đoạn 2013-2020 theo một đề án đang được Phòng Kinh tế quận xây dựng. Theo đó, từ quý 2-2014, sẽ bắt đầu triển khai giai đoạn 1 là xây dựng mới các ki-ốt bán hàng thịt, hàng tươi sống dọc theo đường Nguyễn Đình Trọng. Xí nghiệp Môi trường Liên Chiểu nằm trong khuôn viên chợ đã được UBND thành phố đồng ý cho di dời đến địa điểm khác. Mục tiêu của đề án là tăng thêm số quỹ lô kinh doanh của chợ, đáp ứng cho nhu cầu mua sắm, thực hiện văn minh thương mại.

8 năm trước, chợ Non Nước được xây mới với kinh phí 1,65 tỷ đồng (thời điểm 2005) nhưng không sử dụng được vì nền chợ quá thấp so với mặt đường Mai Đăng Chơn lúc đó đang được nâng cấp cùng lúc. Cái sự “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” này đã khiến UBND quận Ngũ Hành Sơn phải bỏ thêm hơn 700 triệu đồng nữa để sửa chữa chợ và nhận được một bài học đắt giá trong công tác quy hoạch, đầu tư: Nếu đi trước một bước sẽ tránh được những rủi ro không đáng có.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.