.

Đá Tịnh

.

Không biết từ bao giờ tôi đã có những buổi chiều mà lòng cứ bâng khuâng một điều gì không sao diễn tả được. Những buổi chiều đứng sau nhà nhìn lên dãy núi xanh mờ chạy từ chân trời về mà nghe từ rất xa trong lòng mình niềm ước ao không biết ngày nào sẽ lên được trên đó, nơi có hòn Đá Tịnh ngạo ngễ mà thân yêu ngự trị từ bao đời nay…

Minh họa: Hoàng Đặng
Minh họa: Hoàng Đặng

Người xưa từng có câu nói: “Nhất cận thị, nhị cận sơn”. Hoặc “Nhất cận thị, nhị cận giang”. Là để nói lên cái thuận lợi của những cộng đồng người có cuộc sống ở gần các miền “địa kinh tế” này. Quê tôi tuy vị thứ phải xếp thứ hai trong cách “định vị” vừa nói (nghĩa là ngang bằng với vị trí ở gần “sông”) nhưng luôn được rừng núi cưu mang che chở nên sinh hoạt của bà con cũng có nhiều thận lợi.

Từ trong tán rừng rậm rạp, những năm nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước, khu vực này không thiếu nhiều loại thú rừng quý hiếm như cọp, beo, trăn, tê tê... Đêm đêm, chúng tôi thường nằm nghe tiếng mang tác khắp nơi. Ban ngày thì tùy giờ khắc mà nghe tiếng nhiều loài chim, từ công trĩ, gà rừng, gà lôi đến vàng anh, sơn ca… Về cây cối thì có nhiều cổ thụ, danh mộc như lim, dẻ, sến...

Cuộc sống của bà con ở quê tôi tương đối sung túc quanh năm nhờ dựa vào tài sản của rừng. Đó là có cây gỗ để làm nhà, mây soong tre nứa để đan đát làm ra những dụng cụ phục vụ cuộc sống.

Đó là mật ong, chồn, cheo, cua, cá... cho bữa ăn quanh năm, mùa nào thức nấy. Những dòng nước không bao giờ khô hạn từ trong lòng rừng chảy ra, nuôi sống những cánh đồng chung quanh.

Ngày tôi bắt đầu lớn thì được theo cha vào rừng. Dù không còn trẻ dại nhưng lòng vẫn thấy sờ sợ trước cái thăm thẳm âm u của rừng.

Cha tôi chỉ từng cái cây, con suối, để tôi làm quen và dặn dò phải bảo vệ vì nếu rừng bị phá thì người sẽ khốn khổ. Nhưng ngày ấy tôi không thể hiểu nổi ý nghĩa của lời cha dạy; và cũng vì tôi cho rằng không ai có thể phá hủy được rừng vì rừng quá to tát, quá vĩ đại!

Sau mấy chục năm chiến tranh loạn lạc, rồi tiếng súng đạn bom mìn cũng đến lúc phải ngưng. Con người lại sản xuất, làm ăn sinh sống. Bà con trong làng và cả nhiều người từ các nơi khác đến cư ngụ bắt đầu đi dần vào rừng. Màu của cây vườn, khoai, sắn cứ lấn dần các chân rừng, thay thế dần màu xanh thăm thẳm của rừng.

Cây rừng bị đốn hạ không thương tiếc để đưa đi “phục vụ” con người. Thú rừng bị săn bắt khắp nơi. Những dòng suối cạn dần vì những dãi đất bị khai phá trồng trọt, mưa rừng đẩy những “hòn nước” cuốn theo đất cát lấp dần các nguồn nước cho đến lúc tuyệt nguồn. Những con đập được xây dựng lên nhưng mùa nắng phải phơi đáy vì rừng đâu còn để cho nước…!

Có một lần về thăm quê, gặp mùa thu hoạch, tôi dừng lại chào bà con và hỏi làm đồng có bắt được nhiều cá không. Ai nấy cũng tròn xoe mắt:

- Chú hỏi chi lạ. Đồng ruộng mình bây chừ làm chi có cá, cả mấy thứ chui dưới bùn như con lươn, con nhét... Đến đĩa cũng không còn một mén. Người ta “xiệc điện” không còn một con, chú à!

 Trước đây, nông dân chỉ cần có muối là có thể sống được vì trong núi, trong khe, hố, ngoài đồng, ngoài ruộng cơ man nào là cá, là thú, là chim chóc... Cứ chỗ nào có nước là có cá, nơi nào có cây có rừng là có thú, có chim.

Tôi mời bác Năm và các anh lên bờ ruộng ngồi hút thuốc.

- Trúng lắm, không như hồi trước đâu. Nhưng sẽ đến lúc bà con phải chết “no” đó chú! Là vì thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ!

Câu chuyện xoay quanh vụ lúa đang thu hoạch; mà chỉ toàn là những chuyện buồn. Và, dù tôi có đầu óc tưởng tượng phong phú đến đâu cũng không thể ngờ được bà con ta có tinh thần “áp dụng tiến bộ khoa học” một cách triệt để đến thế.

Này nhé, thuốc trừ sâu được sử dụng không cần biết đến liều lượng, thời gian. Hôm nay phun thuốc, ngày mai thu hoạch đem ra chợ. Có nhiều loại trái, loại củ cong queo, teo tóp lẽ ra phải vứt đi. Nhưng không sao, tối nay cho vào thùng nước tăng trưởng, trái căng ra mơn mỡn trông rất bắt mắt, ai cũng mê!

Thế đấy, bà con đang sống trong sự nguy hiểm và cũng đang làm mọi người gặp nguy hiểm như thế mà không hề biết. Sao không có ai hướng dẫn để người nông dân có thể bảo vệ môi trường và bảo vệ cuộc sống của chính họ được tốt hơn!

Sách cổ ghi chép rằng, núi Đá Tịnh phát nguồn từ một trong năm nhánh của dãy Tào Sơn. Ngọn núi có độ cao trên 1.000 mét, rộng trên 100km2 và được vua Tự Đức phong là Trấn Sơn, đổi tên là Hòn Tàu và được liệt vào điển thờ từ năm 1850.

Theo tác giả Lê Thí, các nhà phong thủy của khoa học huyền bí phương Đông đã gọi Hòn Tàu là dãy núi “Ngũ long tranh châu”, cái thế đất làm cho khu vực chung quanh núi trở thành vùng “địa linh nhân kiệt”, nhánh chạy về hướng này có các dãy Tượng Lĩnh, Dương Sơn, Nại Sơn... Dãy Nại Sơn còn gọi là dãy Núi Tịnh, Núi Dê, Núi Cao, Núi Thấp, Hòn Ngang... (*)

Gọi là núi Tịnh hay núi Đá Tịnh, vì ở đây có Hòn Đá mang tên núi là Đá Tịnh trấn ngự. Dãy Nại Sơn, sau khi vượt qua núi Cao và hòn Ngang thì tụ lại ở núi Huệ rồi trườn mình về hướng Đông, trải ra hai bên, ôm vào lòng một vùng rộng lớn trước khi trụ chân vững chãi vào lòng đất.

Trên đỉnh, tạo hóa xếp đặt ở đây hai hòn đá tựa vào nhau, một hòn đứng gọi là hòn Đá Ông, hòn nằm gọi là hòn Đá Bà (còn có tên là hòn Đá Anh, hòn Đá Em), lãng mạn và uy nghi làm sao! Người xưa đặt tên núi là hòn Tịnh là để thể hiện sự kính trọng, lòng biết ơn, lòng tin.

Vì “tịnh” hàm nghĩa của sự bình yên, tin tưởng. Hòn Đá Tịnh cao lớn, núi Đá Tịnh xanh biếc đem lại nguồn sống cho bà con, che chở cho dân làng những khi gió bão hoặc lúc đạn bom. Hòn Tịnh còn là niềm tự hào, là ngọn “hải đăng” trên mặt đất, chỉ đường đi lối về cho cư dân... Ví như khi có người hỏi: Nhà chị ở đâu? Thì câu trả lời là: - Dạ, gần chân Đá Tịnh. Hoặc là: - Các anh cứ nhắm hướng Đá Tịnh, đến đó rồi hỏi tiếp…

Bà con đi đốn củi, làm rẫy, trồng sắn, đào khoai thường nghỉ trưa trong lòng Đá Tịnh hay trú chân khi có mưa gió bất thường. Đây cũng là điểm hẹn chơi đùa của những trẻ chăn trâu, giữ bò. Đá Tịnh cũng là điểm du ngoạn của nhiều thế hệ học sinh trong vùng. Vào những ngày nghỉ hè, các em lên đây để leo núi, để hái trái chà là, bẻ ăn trái sim, trái trâm...

Chẳng có ai cấm cản cả nhưng ít người lên được đến đỉnh hòn Đá Tịnh, dù là chỉ lên đến hòn Bà. Mấy cụ cao niên nói, leo lên đến hòn Ông, gặp lúc trời quang mây tạnh có thể nhìn thấy đỉnh Sơn Trà ở tận Đà Nẵng.

Hè năm 1967, nhiều học sinh trong làng liều mạng nối thang lên hòn Bà, tuy thấp hơn hòn Ông nhưng đã thấy cao vời vợi. Thế núi của hòn Bà nghiêng ra thung lũng nên càng thấy chơi vơi, gây ra cảm giác rờn rợn.

Ở đây, không khí như loãng ra, nhẹ hơn. Ai nấy đều không dám bước tới mà phải ngồi xuống, nhích dần ra từng tấc. Người can đảm lắm cũng không dám đứng lên vì sợ gió thổi ngã! Mặt trên của hòn Bà khá rộng, bề ngang đến năm-sáu mét; chiều dài đến chín-mười mét, bề mặt tương đối bằng phẳng.

Lên đây, có thể phóng tầm mắt bao quát hết thung lũng Quế Sơn đến Bình Định, Bình Trị, La Nga, Cao Ngạn, Việt An... của huyện Thăng Bình. Còn hòn Đá Ông cao quá nên hiếm có người lên đến đỉnh được. Núi Đá Tịnh cách ngã tư đường Suối Tiên (thị trấn Hà Lam) với tỉnh lộ 611 chừng 700 mét.

Du khách tham quan Hòn Kẽm-Đá Dừng và làng vườn Đại Bình (huyện Nông Sơn) hoặc Đèo Le, Suối Tiên (huyện Quế Sơn)... rất tiện đường ghé thăm. Mà chỉ cần làm các lan can cho thật chắc và đẹp, thêm mấy chiếc thang đảm bảo, thì ai có thể từ chối lên “thiên đàng” để được thấy “trần gian”.

Đá Tịnh còn là địa điểm che chở cho các chiến sĩ giải phóng quân. Như hồi năm 1973, Mai Lương và đồng đội của anh đã dựa vào Đá Tịnh làm công sự, chiến đấu quyết liệt với đủ sắc lính từ lính địa phương đến biệt động quân, có cả phi pháo yểm trợ...

Sau này, nghe đâu đã tính dựng bia kỷ niệm di tích cho nơi này, một việc làm rất phải đạo và góp phần bồi đắp vào sức sống của ngọn núi và của con người. Dãy Nại Sơn và hòn Đá Tịnh đã đi vào tâm hồn và tập quán của cư dân trong vùng như thế, nhưng mà…

Ác hại thay, là cái lúc “nhưng mà”. Trong cơn nghèo đói vào những năm 80 của thế kỷ trước, hòn Đá Tịnh đã bị bán! Hòn Đá Tịnh, cả hòn Đá Ông và hòn Đá Bà được rã ra từng miếng như người ta rã thịt con trâu, con bò để đổi mấy đồng franc nhẹ hều!

Lúc đó, nhiều vị trưởng thượng ở đây như các cụ Phan Tiện, Phạm Viện, Nguyễn Dư, Phan Danh... cùng dân làng đã kéo nhau đi xin với cấp trên là đừng có bán một chỗ dựa cả tinh thần và vật chất đã có từ bao đời nay cho cư dân trong vùng. Nhưng kêu hoài không được. Kêu cũng không ai nghe.

Thế là cái nơi mà mỗi khi gặp chuyện trái ngang hoặc vấp phải điều gì bất an, bà con ở vùng này luôn hướng về Hòn Tịnh lâm râm cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi đã bị “tước” mất khỏi đời sống tinh thần của cư dân quanh khu vực.

Qua hàng ngàn năm, hàng triệu năm, tạo hóa mới dày công kiến tạo nên dãy Núi Tịnh và hòn Đá Tịnh để ban tặng cho con người, cho dân làng. Mà một sớm vì đói nghèo con cháu đã không còn giữ được!

Ngồi bên chén rượu lạt vào những buổi chiều cuối năm, các cụ vẫn dõi mắt lên rặng núi xanh mờ năm xưa. Nhưng hòn Đá Tịnh thiêng liêng và thân yêu giờ đây đâu còn nữa. Lòng ai cũng rười rượi! Yên lặng, họ nâng ly rượu buồn để nuốt nỗi buồn vào lòng, chỉ còn biết ngậm ngùi:

- Có lẽ, chưa phải nghèo cơm đói mắm đến nổi phải bán “gia bảo” của làng. Mà rằng, vì “nghèo” cái khác. Thật đắng cay! Một trăm năm, một vạn năm sau con cháu chúng ta cũng không bao giờ thấy được tài sản của cha ông nữa.

Đá Tịnh đã mất thật rồi!

PHẠM ÚC


(*) Quế Sơn Đất & Người của Lê Thí - Phạm Úc - Trương Vũ Quỳnh. Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2015. Trang 460.

;
.
.
.
.
.