.

Mộc Nhân Lê Đức Thịnh

.

Nhẹ nhàng mà sâu lắng, cảm xúc dâng trào mà lắng đọng tinh khiết, câu thơ không ràng buộc vần điệu mà đầy nhạc điệu. Con chữ tự nó vang lên nghĩa, chất chứa tâm hồn hào phóng chân quê của tác giả, tự nó “phiêu du/ ướt/ cả trần gian/ trong veo ngọn khói/ trễ tràng/ phù sinh (Tháng chín). Thơ Mộc Nhân Lê Đức Thịnh giản dị như là cát bụi mà vẫn là mình; như là tình yêu, không ai muốn mình trộn lẫn vào cõi phiêu linh mờ mịt:

giản dị như cát bụi
mịt mờ cõi phiêu linh
chỉ tình yêu còn lại
dù yêu em - một mình.

(Điều giản dị)

Mộc Nhân Lê Đức Thịnh sinh năm 1963, là giáo viên môn ngữ văn, hiện đang sống và dạy học tại Đại Lộc, Quảng Nam. Tác phẩm đã in: Những Vũ điệu và khúc ca - NXB Hội nhà văn – 2015.
Mộc Nhân Lê Đức Thịnh sinh năm 1963, là giáo viên môn ngữ văn, hiện đang sống và dạy học tại Đại Lộc, Quảng Nam. Tác phẩm đã in: Những Vũ điệu và khúc ca - NXB Hội nhà văn – 2015.

(Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chọn và giới thiệu)

Những con số của tôi

Những con số tới hạn của tôi
đó là sự bất tận của đam mê
vô hạn của tình yêu và nỗi nhớ
chảy ra từ hơi thở hoan lạc dồn dập

Những con số tới hạn của tôi
đó là những thứ đã tuôn trào
từ sự sống không cạn tinh lực
với máu huyết rần rật trong mao mạch

những đôi tay ấp iu trên bàn phím
khi em chỉ còn xa xăm một nút đèn
ngắm nhìn nhau nhập nhòe đốm sáng
ký tự cuống cuồng gõ những lời yêu

Tôi chẳng muốn lưu giữ những con số làm gì
vì ngày hôm qua đã trượt đi
hôm nay nhiễm bẩn lãng quên
nhưng mai kia
là trầm tích của riêng mình.

Nghiệp

Kiến tánh thành Phật
                   (Bodhidharma)

Gió
có nghiệp lang bạt
tưới tắm.
Cây
có nghiệp sinh trưởng
níu bám
Hoa
có nghiệp luyến ái
chộn rộn
Người
có nhiều nghiệp
sinh tồn
Phiêu lưu như gió
nhọc nhằn như cây
yêu thương như hoa.

Bên kia

Bên kia nỗi buồn có điều được gọi tên là niềm vui
nhưng để đến được phía ấy
chúng ta phải mang theo nụ cười qua cơn gió

Bên kia bóng tối có điều gọi tên là ánh sáng
nhưng để đến được phía ấy
đôi khi cần đốt một que diêm để góp ánh bình minh

Bên kia ác mộng có điều gọi tên là giấc mơ
nhưng để đến được phía ấy
chúng ta không thể là kẻ mộng du rơi vực thẳm

Bên kia đám mây đen có điều gọi tên là cầu vồng
nhưng để đặt chân lên trên ấy
chúng ta không thể hành hương trên đôi cánh mỏng

Chúng ta đang tìm kiếm
bông hoa hướng dương lúc cuối đông
hay những tia nắng khi trời vần vũ
và tất thảy nằm ở
bên kia cuộc đời.

Phu nhạc

ta người phu nhạc
miệt mài khơi những dòng âm
gọi ra vài ca từ trần truồng như trẻ nhỏ
có khi lót nền cho vũ điệu nhăng nhít
như lũ nòng nọc sắp hóa thân
cộng hưởng cùng những cuồng âm
thét gào trong hấp hối.

ta người phu nhạc
dập dìu em ngày tan giấc mơ trinh nữ
sang ngang nhạt nhòa môi son
rối tung váy áo động phòng khúc luân vũ ngày xưa
rơi trong vũng lầy sau cơn mưa nhiệt đới
khởi sự một cánh chim di
trượt trên những gọi mời

ta người phu nhạc
vuốt ve khóc cười nghiêng ngả
cuộc trầm phù xôn xao
em còn mặc cả một hòa âm
ta chèo khéo dăm ba nốt trầm trong ngày hoang tưởng
em đi bỏ lại một tình khúc
ta hoài thai hậu kiếp trùng phùng.

Khúc ca của núi

Những khúc ca của núi
cất lên từ tình yêu của một loài chim đồng nội        
tiếng hót xua tan những nặng nề u tối
và giờ đây em là mây trắng trôi trên cao
tôi sẽ ôm em trong vòng tay hẹp lỡ làng của gã mộng du

ảo tưởng mặt trời không bao giờ tắt.
Những khúc ca của núi
thánh thót những điều không thể nói
đảo phách trong tiết điệu nhảy nhót
cùng những con chữ cuống cuồng
giữa mênh mang bình nguyên
có những ngôi sao len qua bóng đêm
ngân rung điều tưởng tượng
tôi sờ chạm làn môi em
ngỡ bông hồng rung rinh dưới những giọt sương.

Những khúc ca của núi
đẩy tâm hồn em vút lên cao
tôi ôm nỗi nhớ vô hình vật vờ trên vòm trời
ngày gió réo khát khao chập chững yêu đương
trong khoảnh khắc chiều đứt gãy vệt nắng mờ sương chúng ta trao nhau nụ hôn tràn ra khỏi giấc mơ.

Những khúc ca của núi
có khi lãng đãng như cánh bướm
chờn vờn như sương sớm miền xa đục lờ nỗi nhớ
nhưng nửa đêm tỉnh giấc phong thanh một bài ca
và tôi cũng nhẹ nhàng cất cánh bay cùng em
để nghĩ về một mùa thu
chưa cùng sống bao giờ.

LÊ ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.