.
TRUYỆN NGẮN

Tuyến

.

Tôi được giao nhiệm vụ dạy thay ba tiết lịch sử địa chất ở lớp trắc họa 75 cho một cô giáo bị ốm đột ngột. Gần một tháng trở lại trường cũ nhận công tác, tôi phải ngồi bẹp ở phòng để nghiên cứu giáo trình. Đây là lần đầu tiên sau sáu năm đi xa, tôi lại được bước chân lên bục giảng; dù chỉ ba tiết dạy thay cũng làm tôi sung sướng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Khoa trắc họa ở cách khu hiệu bộ hơn mười cây số (chẳng là trong chiến tranh nhà trường phải sơ tán nhiều nơi, nay chưa tập trung lại được). Hôm sau tôi dậy sớm mặc áo quần bộ đội mới tinh, đạp xe một mạch đến lớp. Sau vài lời mào đầu của một người dạy thay, tôi gọi hai học sinh có tên trong sổ giáo án của cô giáo soạn sẵn để kiểm tra bài cũ. Họ rất hiểu bài, và đều được điểm giỏi.

- Anh Tuyên! - Tôi gọi thêm một học sinh nữa.

- Thưa thầy, anh Tuyến ạ! - Trong lớp có người khẽ nhắc:

- À, anh Tuyến! Anh phát biểu và đánh giá “Nguyên lý hiện đại” của Lay-en(1).

Tuyến đứng dậy ở cuối dãy bàn bên phải, đăm đăm nhìn tôi. Cả khuôn mặt anh là một cái sẹo lớn. Trên đầu, những cái sẹo to nhỏ khác nhau xen giữa những cụm tóc lưa thưa.

- Thưa thầy... Lay-en... Nguyên lý... thưa thầy...

Tôi chờ khá lâu, gợi ý nhiều, nhưng Tuyến hai tay ôm ngực, với cái giọng khàn khàn yếu ớt, chỉ trả lời quanh quẩn được có thế.

- Anh không thuộc bài, một điểm!

Sau câu nói đó của tôi, cả lớp đồng loạt “à” lên, tỏ vẻ kinh ngạc.

Hết ba tiết dạy thay, tôi dắt xe ra cổng, thì người học sinh bị điểm kém đó chạy theo. Tôi ngỡ anh muốn “khiếu nại”, nhưng không:

- Thưa thầy… Em định gặp thầy… ngay sau tiết học thứ nhất. Nhưng… thầy… thầy… không nhận ra em à?

Tôi chăm chú nhìn lại anh. Giữa cái khuôn mặt đỏ thẫm có các lớp da răn rúm ấy, nở ra hai hàm răng trắng như ngà, làm tôi chột dạ. Tuyến nói tiếp, giọng vừa xúc động vừa hàm ý trách móc:

- Thưa thầy, chính thầy là người… gọi em về đây, mà… thầy… không nhận ra em à? Chắc vì em thay đổi nhiều quá. Em là Lưu Ngọc Tuyến, đại đội Hai đây.

- Anh Tuyến! Đại đội trưởng!

Tôi thét to lên như người hóa dại, ném xe xuống đất, ôm chầm lấy anh. Tuyến cũng không kìm nỗi xúc động, dang tay xiết ngang lưng tôi như thuở nào anh vui sướng thấy tôi hoàn thành nhiệm vụ trong chiến đấu.

Trời ơi, sao tôi không nhận ra anh được chứ? Dù mái tóc anh không được óng mượt như xưa mà tôi hằng ngắm vuốt, dù khuôn mặt anh không còn những nét thanh tú mà hay nhìn trộm… Nhưng, cái hơi ấm chân tình mà anh vẫn trao cho tôi dưới những căn hầm chữ A suốt dọc Trường Sơn, và biết bao kỷ niệm êm đềm của hai chúng tôi trong những năm tháng dài đánh giặc, thì sao tôi nỡ quên được? Mấy phút trôi qua chúng tôi nói chuyện với nhau bằng ánh mắt. Thứ “ngôn ngữ cửa ngõ tâm hồn” đó đã nói nhiều hơn bất cứ lời nào. Lát sau, tôi kéo anh ngồi xuống vệ cỏ ven đường. Chúng tôi ríu rít hỏi han về sức khỏe, về hoàn cảnh gia đình hiện nay. Tôi hỏi tiếp:

- Đại đội trưởng bị bỏng ở trận nào?

- Dạ, em bị bỏng ở Quảng Bình, quê thầy giáo đấy.

- Quảng Bình? Thế đại đội trưởng chuyển qua pháo phòng không từ bao giờ?

- Không phải đánh đấm gì đâu - Tuyến nói, giọng tự nhiên bớt khàn - Lúc đó, em đã là thương binh trên đường ra Bắc, đến binh trạm Một thì gặp máy bay ném bom lân tinh vào một trường cấp hai. Em mới cứu được ba chú học sinh thì…

Ba tiếng kẻng báo giờ ra chơi đã hết. Tuyến trở vào lớp học. Tôi một mình trở lại khu hiệu bộ. Những đồng lúa chiêm cấy muộn của các làng Yên Vinh, Lâm Hộ… dần trải rộng ra rồi kéo nhau lùi lại phía sau. Bất giác, tôi cảm tưởng, mỗi vòng bánh xe lăn là quay đưa tôi về quá khứ.

Vào khoảng tháng sáu năm 1970, tôi đang công tác ở đại đội Ba, thì được điều động bổ sung vào quân số đại đội Hai. Sau khi liên hoan mấy điếu thuốc lào với anh em trong tiểu đội, tôi chuẩn bị để chuyển qua đơn vị mới với một tâm trạng yêu thích đặc biệt. Đại đội Hai là đại đội chủ công của tiểu đoàn, luôn được “vươn xa”, “thọc sâu”. Là một anh lính trong chiến trường, ai mà chẳng thú được “tung hoành thỏa chí” hơn là phải làm nhiệm vụ tuyến sau. Đến đơn vị mới, tôi có được một cái thú nữa là được chiến đấu dưới quyền chỉ huy của đại đội trưởng Lưu Ngọc Tuyến. Hồi đó, tên anh thành niềm kiêu hãnh của chiến sĩ toàn trung đoàn. Anh em thường kể chuyện về anh như kể về một nhân vật trong thần thoại.

Một buổi sáng, có người đến đón tôi về đơn vị mới. Nhìn chàng trai mái tóc đen láng, nước da trắng hồng như da con gái, tôi có ý coi thường.

- Đồng chí là liên lạc đại đội Hai à? - Thấy anh nhe hai hàm răng trắng trong đều đặn ra cười, tôi ngỡ mình đoán đúng. Xốc ba lô lên vai, vừa bước theo anh, tôi vừa tích cực hỏi chuyện để làm quen - Này, nghe nói đại đội trưởng bên ấy “hắc xì dầu” lắm, hả?

- Yên trí, ông ấy mà “hắc xì dầu” thì lính mình hè nhau trị cho một mẻ là hết ngay thôi.

- Ái chà! To gan gớm nhỉ? Dám bảo trị đại đội trưởng nhé. Về bên ấy tớ sẽ mách ông Tuyến cho mà xem. Này, cậu đã đến hai mươi chưa đấy?

- Hai mươi thế nào? Hăm mốt tuổi trên đầu rồi.

- Tân binh à?

- Sao lại tân binh? Bốn tuổi lính rồi đấy!

Tôi thầm ghen với anh, “Bằng tuổi em mình chứ mấy, mà nó đã có “thâm niên”. Còn mình thì mới nhập ngũ được sáu tháng!”. Tôi hỏi tiếp.

- Sao người ta lại gọi ông Tuyến là “con sóc Trường Sơn” hả cậu?

Anh bạn ngoái lại nhìn tôi, đột nhiên đỏ mặt lên:

- Hình như cậu Tuyến trèo cây nhanh như sóc thì phải?

Tôi hơi bực mình vì hai tiếng “cậu Tuyến”. Ai lại gọi thủ trưởng bằng cậu? Dân chủ quá trớn. Tay này phải giáo dục nhiều hơn mới được. Không dè, ý nghĩ đó của tôi chốc nữa sẽ trở nên buồn cười. Chỉ vì tay liên lạc “dân chủ quá trớn” đó chính là đại đội trưởng Lưu Ngọc Tuyến, trên đường công tác về, đã ghé vào đón tôi.

Hai hôm sau, có liên lạc gọi tôi lên trụ sở ban chỉ huy đại đội.

Tuyến đón tôi ngay trước cửa một căn hầm hình chữ “A”:

- Vào đây, ông anh! Ông anh bí mật gớm nhỉ? Kỹ sư địa chất phải không? Thế mà không tự giới thiệu ngay từ đầu.

Tôi cũng định trách lại anh vì lý do tương tự.

Anh kéo tôi vào hầm. Lôi trong chiếc vỏ bom bi mẹ ra một tập bản đồ địa hình gồm nhiều loại có tỷ lệ khác nhau, anh nói với giọng e thẹn rất dễ thương:

- Chẳng giấu gì ông anh, bọn tôi toàn cán bộ mới được đề bạt tại chiến trường, nên việc sử dụng bản đồ còn lúng túng. Biết ông anh là kỹ sư địa chất, nên nhờ giúp đỡ.

Tôi bỏ ra đúng một tuần hướng dẫn cho bốn vị chỉ huy đại đội cách dùng mấy loại bản đồ được ghi bằng tiếng Anh. Từ đấy, Tuyến thấy tôi là “của quý”, anh giữ riết tôi lại bên mình với danh nghĩa là “văn thư đại đội”, nhưng anh em lại gọi đùa tôi là “cố vấn đặc biệt”.

Tuyến là người dễ gần gũi, dũng cảm, hăng hái, chân thành và hết lòng hết sức với đồng đội. Trong chiến đấu, anh là một chỉ huy thông minh, quả quyết, đầy mưu mẹo. Những lúc rỗi rãi, chúng tôi nhiều lần tâm sự với nhau về hoàn cảnh gia đình, về dự định tương lai. Anh chăm chú lắng nghe mỗi bận tôi nói về tài nguyên của Tổ quốc, và nhờ tôi giảng giải một số kiến thức sơ đẳng về địa chất. Anh tỏ ra rất mê nghề này. Nhiều lần anh nói: “Sau chiến tranh, thế nào tôi cũng xin làm học trò ông anh”. Dần dần, tuy cương vị rất khác nhau, hai chúng tôi đã trở thành đôi bạn thân. Bước qua năm 1972, khi đại đội đột nhập đồn Đồng Chuối thì anh bị thương nặng. Tôi rất đau lòng phải xa anh. Từ đó đến nay, hơn bốn năm đằng đẵng, tôi luôn hỏi han tin tức về anh nhưng toàn nhận được những tin khủng khiếp. Người thì cho rằng anh đã hy sinh ngay sau khi bị thương nặng ở Đồng Chuối. Kẻ khác bảo, anh trở lại chiến đấu và hy sinh tại chiến trường Tây Nguyên vào mùa xuân năm 1973. Lại có người quả quyết: Anh có dự Chiến dịch Hồ Chí Minh và đã hy sinh ở Xuân Lộc. Sau mỗi lần nhận được một cái tin như thế, tôi kém ăn, kém ngủ mất mấy ngày. Năm ngoái mới ở chiến trường ra, tôi tình cờ gặp một anh bạn cùng đại đội Hai cũ. Anh ta cho biết, Tuyến hiện ở trại thương binh Hà Bắc. Tôi xin phép về đó tìm anh, nhưng chẳng gặp. Tôi yên chí anh đã hy sinh thật rồi. Và trái tim tôi thường nhói lên mỗi lần nhớ lại con người đã khuất đó…

Nhưng… anh lại ở đây, cùng một trường với tôi! Chúng tôi đã gặp nhau trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt: Anh trở thành học trò của tôi. Con người mà trước đây trong quan hệ công tác, tôi phải đứng nghiêm mặt mỗi lần báo cáo, thì nay lại gọi tôi bằng “thầy giáo”, xưng “em”.

Nhưng sao anh lại có thể là một học sinh kém được nhỉ? Đột nhiên tôi nói to một mình - “… Thưa thầy… Lay-en… nguyên lý… Thưa thầy…” một con người có đủ tài trí chỉ huy cả đại đội chủ công lập nên bao thành tích huy hoàng như anh, mà lại ấp úng với cái “nguyên lý hiện đại”? Hay anh chưa yên tâm với cương vị mới? Anh chán ngắt với cảnh phải “thưa thầy” xưng “em” khi đã từng được người khác đứng trước mặt để “báo cáo đại đội trưởng”? Trời! Sao anh lại so kè như thế? Lẽ ra anh phải xác định khi đất nước còn giặc thì anh là một chỉ huy trong quân đội; nay đất nước bước vào giai đoạn hòa bình kiến thiết, thì anh phải chiến đấu làm một học sinh kém! Xấu hổ lắm!... Tôi nghĩ vậy và nảy ra ý định muốn làm công tác tư tưởng cho anh để yên tâm với cương vị mới, sau đó tôi sẽ dành nhiều thì giờ kèm cặp để anh học tốt hơn.

Buổi chiều, tôi đạp xe trở lại khu Trắc họa. Một học sinh cùng lớp với Tuyến cho tôi biết Tuyến đã rủ cậu ta chủ nhật này ra chỗ tôi chơi. Học sinh ấy nói tiếp.

- Anh Tuyến bảo rằng, sở dĩ anh xin vào đây học, một mặt vì mê nghề địa chất, nhưng mặt khác là để tìm thầy giáo. Chắc thầy giáo mới trở về trường nhỉ?

- Tôi về đầu tháng giêng năm nay.

- Tài chi trước đây anh Tuyến hỏi thăm hoài mà không biết thầy ở đâu.

- Anh Tuyến học yếu lắm, em nhỉ?

Cậu học sinh ngơ ngác một lúc rồi trả lời:

- Không đâu ạ. Anh ấy là một học sinh tiên tiến của lớp em đấy.

- Học sinh tiên tiến? Lưu Ngọc Tuyến kia mà?

- Vâng, anh Tuyến thương binh, bị điểm kém sáng nay.

Tôi chưa hết ngờ vực:

- Hay anh ta chỉ kém môn địa chất lịch sử?

- Không đâu ạ. Anh là cán sự môn học đó. Bây giờ anh ấy đang giúp cho các bạn học yếu ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.

- Cán sự? Tại sao sáng nay anh tỏ ra không nắm vững các khái niệm đơn giản về kiến trúc vỏ quả đất?
Người học sinh trả lời:

- Dạ, chính sáng nay, cả lớp chúng em đều ngạc nhiên, không hiểu vì sao anh Tuyến lại như thế.
Tôi bước nhanh ra lớp, và xin lỗi mấy học sinh vì cắt ngang buổi tự tu của họ. Nhưng các bạn trẻ không lấy thế làm phiền. Họ biết quan hệ giữa tôi và Tuyến, và nằng nặc yêu cầu tôi kể chuyện chiến đấu trong chiến trường.

Khoảng nửa giờ sau, tôi hỏi Tuyến:

- Tại sao sáng nay anh không trả lời được câu hỏi của tôi?

Tuyến cười bẽn lẽn, giọng không khàn một chút nào:

- Thưa thầy thời gian gần đây em bị một cái tật: Hễ gặp điều chi xúc động mãnh liệt quá là tự nhiên quên mất tất cả, phải đến mười phút sau mới nhớ lại được.

Tôi cười:

- À! Thế có nghĩa là sáng nay anh bị điểm kém vì “tội” xúc động!

- Thưa thầy, vì… bốn năm nay em luôn hỏi han tin tức về thầy. Tin lành thì ít, tin dữ lại nhiều. Nay…
Tuyến chưa nói hết câu, chúng tôi đã ôm ghì lấy nhau. Hai luồng hơi ấm của chúng tôi lại truyền cho nhau như những đêm đông năm nào dưới căn hầm hình chữ “A” suốt dãy Trường Sơn đi đánh giặc.

HOÀNG BÌNH TRỌNG

;
.
.
.
.
.