.

Sách mới, sách hay

.

1. Tập tục đời người (tác giả Phan Cẩm Thượng, NXB Hội Nhà văn, 11-2017) là một bộ sử Việt Nam. Nhưng, nó không phải lịch sử nước Việt với tư cách một quốc gia mà là lịch sử người Việt trong cuộc sống làm người hằng ngày. Tác giả không viết về các triều đại hưng suy, diễn biến các cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài hàng ngàn năm của dân tộc Việt, các biến cố chính trị trọng đại… như chúng ta thường thấy trong các bộ sử Việt. Ở đây, ta bắt gặp một lịch sử Việt Nam gần gũi hơn, đời thường hơn. Phan Cẩm Thượng cho thấy phần lịch sử này cũng không kém phần quan trọng, nếu không hơn. Vâng, có thể còn hơn, bởi vì con người phải sống như thế này, làm những cái này trước, rồi mới có thể làm những cái được coi là trọng đại kia. Mới có thể làm nên Lịch sử “lớn”. Hoặc nói cho cùng, những cái to lớn, trọng đại kia, theo cách nào đó rất có thể do chính những cái này chi phối, thậm chí đến quyết định. Vì nó có trước. Nó là cái nền. Nó bền bỉ và lâu dài hơn các triều đại và các chế độ.

2. Kỷ luật tích cực với tình yêu và giới hạn (10-2017, NXB Lao động) được coi là một trong 10 cuốn sách kinh điển về chủ đề xây dựng tính kỷ luật cho trẻ trong suốt 30 năm qua, theo đánh giá của tạp chí văn học dành cho các bà mẹ. Cuốn sách được xuất bản từ cách đây 30 năm, liên tục được tác giả, Ts. Jerry Wuckoff và đồng sự của ông, Barbana C.Unell, cập nhật nội dung trong suốt quá trình thực hành và nghiên cứu của họ. Cuốn sách được chia làm 2 phần: Phần 1 là lý thuyết: gồm 4 chương, bạn đọc chỉ cần đọc 4 chương này để nắm được những nguyên lý cơ bản trong việc xây dựng tính kỷ luật và khuôn phép cho con. Sau đó gấp sách lại. Và phần 2, thực hành. Trong đó có 43 tình huống về hành vi cần điều chỉnh của trẻ trong cuộc sống hằng ngày. Bất cứ khi nào bố mẹ thấy trẻ có hành vi chưa đúng, hãy mở sách ra, tìm đọc nội dung liên quan. Rất nhiều chuyên gia đã để lại lời khen tặng dành cho cuốn sách. Một trong số đó là bác sĩ Marianne Neifert, tác giả cuốn sách Dr. Mom (tạm dịch: Mẹ là bác sĩ của con): “Một hướng dẫn quan trọng nhằm giúp bạn thấu hiểu tầm ảnh hưởng của kỷ luật lên não bộ trẻ em”.

Hải Âu

;
.
.
.
.
.