.
GÓP Ý DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Nhà nước “có trách nhiệm” chứ không “tạo điều kiện”

Tôi thống nhất cao về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992. Tuy nhiên, để cho Hiến pháp được rõ ràng về nội dung và chặt chẽ về câu từ, tôi xin góp một số ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Về Lời nói đầu, ngay vào phần mở đầu, Hiến pháp xác định “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử”. Như vậy, đến nay chúng ta vẫn chưa xác định được lịch sử dân tộc trải qua bao nhiêu nghìn năm; nhưng chúng ta có thể khẳng định việc dựng nước, mở nước và giữ nước của dân tộc ta đã có từ lâu đời, trải qua hơn mấy nghìn năm. Do đó, tôi đề nghị thay cụm từ “mấy nghìn năm lịch sử” bằng từ “hàng nghìn năm lịch sử”. Đề nghị thêm cụm từ “Giải phóng dân tộc” sau câu “… nhân dân ta đã giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và (giải phóng dân tộc)”. Cũng trong Lời nói đầu, tôi đề nghị thay câu “Dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin” bằng câu “Trên quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin”.

Trong Chương I về Chế độ chính trị (từ Điều 1 đến Điều 14), về bố cục, tôi đề nghị sắp xếp các điều trong Chương I theo thứ tự về: tổ chức Đảng - Nhà nước - Mặt trận và nên sắp xếp các Điều 11, 12, 13, 14 ngay sau Điều 1 của Hiến pháp để liền mạch hơn và logic hơn.

Đối với Điều 4, quy định về vai trò và sự lãnh đạo của Đảng. Ở khoản 1, cụm từ “… giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc” lặp đi lặp lại hai lần, do vậy cần viết gọn lại như sau: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong và đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam”.

Đối với Điều 9, ở khoản 2 đề nghị bổ sung thêm cụm từ “là bộ phận của hệ thống chính trị” trước cụm từ “... là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”. Cũng tại khoản 2 có cụm từ “Tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân” đề nghị thay từ “tinh thần” bằng từ “đồng thuận”. Cũng tại khoản 2 đề nghị thêm từ “quyền” và từ “hợp pháp” để thành câu đầy đủ: “… chăm lo bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân”. Khoản 3 ghi: “Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động”. Đề nghị thay từ “tạo điều kiện” bằng từ “bảo đảm điều kiện” để khẳng định Nhà nước có trách nhiệm chứ không phải tạo điều kiện.

Điều 10 quy định về tổ chức Công đoàn. Theo tôi, các tổ chức chính trị-xã hội đều có vị trí quan trọng như nhau trong xã hội và trong hệ thống chính trị. Chính vì thế, trong Hiến pháp có điều quy định về tổ chức Công đoàn Việt Nam thì các tổ chức chính trị- xã hội khác như: Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân... cũng nên có các Điều quy định rõ trong Hiến pháp.

Ở khoản 4, Điều 13, tôi đề nghị thêm cụm từ “của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” sau câu “Ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa   XHCN Việt Nam là Ngày Tuyên ngôn Độc lập 2 tháng 9 năm 1945” để cho đầy đủ và khớp với các khoản 1, 2, 3 đã ghi.

Chương II, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trong 37 điều, thì cụm từ “mọi người” và “công dân” được sử dụng nhiều. Song chưa xác định rõ ràng khi nào, trường hợp nào là của mọi người, là của công dân. Vì, quyền con người mới sinh ra đã có, nên dùng mọi người có quyền là đúng. Riêng quyền công dân thì phải đến một độ tuổi nhất định nào đó (như hiện nay công dân đủ 18 tuổi mới có quyền bầu cử…). Do vậy, tôi đề nghị cân nhắc kỹ việc xác định, quy định nói về quyền con người và quyền công dân ở các điều của Chương II này.

HÀ THỊ MINH PHƯỢNG

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng

VĂN NỞ ghi

;
.
.
.
.
.