.

Chuyện binh nông - dưới góc nhìn của một vị tướng

.

Có thể nhiều người đã biết về Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí (ảnh), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng tham mưu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội…

Và, có lẽ nhiều người chưa biết về con đường binh nghiệp đầy bi hùng của vị tướng này: 23 tuổi được phong quân hàm thiếu tá, 27 tuổi là Trung đoàn trưởng bộ binh, nhiều lần “đọ súng” với nhiều tướng tá chế độ Sài Gòn. Trong trận đánh Cấm Dơi - Quế Sơn cách đây 40 năm, sau gần 30 ngày giao tranh, Trung tướng ngụy Sài Gòn Ngô Quang Trưởng đã lên tiếng chào thua bằng 6 từ: “Vĩnh biệt Hòn Chiêng - Cấm Dơi”.

* Thưa Thiếu tướng, trải qua nhiều trận đánh với nhiều cương vị khác nhau, đâu là điểm mạnh nhất của Trung đoàn 38 bộ binh anh hùng một thời ông là Trung đoàn trưởng?

- Thần tốc, bất ngờ, mưu mẹo, khôn khéo, đó là tố chất của người chỉ huy. Đây là cách đánh dựa trên căn bản phải bảo đảm bí mật tuyệt đối, kế thừa, dựa vào tư tưởng quân sự bất hủ của ông cha ta ngày xưa, cụ thể là của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, tức lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy đoản binh mà thắng trường trận. Không xác định tư tưởng này, cách đánh này làm sao chúng ta có khả năng đánh thắng địch khi mà địch có vũ khí tối tân, có quân đội chính quy hùng mạnh bậc nhất châu Á bấy giờ dưới sự hỗ trợ, trang bị đến tận răng của Mỹ về khí tài, vật lực, tài lực cũng như trực tiếp tham chiến của hơn 1 triệu lượt quân đội và các nước đồng minh thuộc hải, lục, không quân…

* Thực tế trong quá trình “bày binh bố trận” trong nhiều trường hợp không thể bảo đảm được yếu tố bí mật thì làm sao có thể đánh bất ngờ?

- Thực tế trong quá trình chuẩn bị, di chuyển quân, bày binh bố trận do khách quan hay chủ quan khó tránh khỏi bị lộ. Trong một số điều kiện, trường hợp phải quyết đoán, chuyển bị động thành chủ động. Người chỉ huy trên chiến trường phải biết địch, biết ta, tỉnh táo trong mọi tình huống để có sự quyết đoán. Không cứ làm tướng mà làm lãnh đạo, thời nào cũng vậy phải quyết đoán. Quyết đoán không có nghĩa phi dân chủ, khác với gia trưởng độc đoán. Một khi đã xung trận phải biết sử dụng lực lượng mạnh nhất tập trung đánh vào nơi hiểm yếu của địch, biến chỗ mạnh của địch thành yếu và ngược lại, tạo ra thế và lực cho từng trận đánh. Cho nên, một quân đội mạnh không cứ đông quân, được trang bị, khí tài hiện đại, cái chính là ý chí, mưu trí và niềm tin.

* Để trở thành vị một vị tướng cần có phẩm chất gì? Chúng tôi muốn hỏi theo quan điểm (chủ quan) của riêng Thiếu tướng.

- Cái này các anh phải hỏi các nhà lý luận, nghiên cứu về quân sự. Tôi chỉ xuất thân từ một người lính đi lên. Tham gia chiến trận, đánh mãi rồi có kinh nghiệm trận mạc thôi chứ chưa có điều kiện nghiên cứu và đúc kết thành lý luận. Tuy nhiên qua kinh nghiệm có thể nêu ra mấy vấn đề cùng nhau nghiên cứu, đó là: Biết ta, biết địch, dám đánh, quyết đánh và biết đánh.

Trong sách Bảo giám (có thể của Tôn Tử) có ghi rằng, làm tướng phải có khí lượng. Khí lượng của tướng lớn nhỏ khác nhau. Đại thể: Tướng mà che điều gian, giấu điều họa, không nghĩ đến điều quân, chúng oán ghét, đó là tướng chỉ huy mười người. Tướng mà sớm dậy khuya nằm, lời lẽ kín đáo, đó là tướng chỉ huy được trăm người. Tướng thắng mà biết lo, mạnh mà giỏi đánh, đó là tướng chỉ huy nghìn người. Tướng mà ngoài mặt hăm hở, trong lòng ân cần, biết người khó nhọc, thương kẻ đói rét, đó là tướng chỉ huy được vạn người. Tướng mà gần người hiền, tiến người tài, ngày thường cẩn thận, thành thực rộng rãi, giỏi việc dẹp loạn, đó là tướng chỉ huy được mười vạn người. Tướng mà dùng nhân ái với kẻ dưới, lấy tín nghĩa để thu phục, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa biết lòng người, coi bốn biển như một nhà, đó là tướng chỉ huy được cả thiên hạ…

* Nhà nước ta xây dựng quân đội trên cơ sở “quân đội của dân, do dân, và vì dân” trên nền quốc phòng toàn dân, “quân đội từ nhân dân mà ra”, “kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng”. Quan điểm của Thiếu tướng về vấn đề này?

- Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về việc xây dựng quân đội nhằm đảm đương đồng thời hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Thực tế trong thời gian qua khi quân đội tham gia làm kinh tế đã đem lại nhiều thành quả quan trọng trong việc phát triển kinh tế, ứng dụng phát triển các thành tựu, kể cả khoa học công nghệ mang lại nhiều thành quả to lớn.

Xây dựng lực lượng quân đội chính quy hiện đại, quốc phòng gắn với kinh tế, kinh tế với quốc phòng là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay. Từ xa xưa, cách đây 1.000 năm ông cha ta đã áp dụng chính sách này khi xây dựng quân đội.

Chính sách “ngụ binh ư nông”, tức quân đội gắn liền với nông dân, nông nghiệp và nông thôn xuất hiện từ thời nhà Đinh thế kỷ X.

* Chúng ta học hỏi được gì chính sách “ngụ binh ư nông” của người xưa trong việc xây dựng quân đội trong tình hình hiện nay?

- Ngày nay, quân đội ta được hình thành hai khối lực lượng, khối lực lượng thường trực và khối lực lượng dự bị. Quân thường trực đủ mạnh để sẵn sàng chiến đấu, còn quân dự bị tham gia xây dựng kinh tế được tổ chức huấn luyện chu đáo, sẵn sàng động viên vào quân đội khi cần.

Tuy nhiên chúng ta không thể áp dụng, học hỏi toàn bộ bởi quân đội ngày xưa khác, thiếu chuyên nghiệp và hiện đại. Vả lại, đây là nội dung, đề tài quá rộng, khó có thể nói hết được, tuy nhiên với cương vị là người lính tôi có thể nêu một vài suy nghĩ riêng tư.

Ví dụ, hiện nay, Đảng, Nhà nước ta có chính sách khuyến nông, đưa khoa học, kỹ thuật ứng dụng vào nông nghiệp, kể cả về cây, con, giống giúp bà con nông dân, nhất là các vùng sâu, vùng xa, các địa phương nghèo. Nếu biết cách triển khai bộ đội địa phương có thể cùng cục, chi cục khuyến nông tham gia công tác này. Đối với nông dân khi hướng dẫn họ cách làm ăn không có cách gì bằng “trăm nghe không bằng một thấy”. Bà con ta thấy làm rồi, thấy hiệu quả rồi có thể làm theo dễ dàng chứ tuyên truyền, động viên mãi chưa chắc hiệu quả. Hay trong lĩnh vực khuyến ngư, đánh bắt, nuôi trồng, đào tạo nghề chúng ta cũng có thể áp dụng mô hình này. Đây là hoạt động đầy nhân văn bởi hơn ai hết trong các cuộc chiến tranh cứu nước, bảo vệ Tổ quốc người nông dân thiệt thòi nhiều nhất, đóng góp sức người nhiều nhất. Tôi được biết mỗi năm Nhà nước ta dành hàng chục nghìn tỷ đồng cho công tác khuyến nông, khuyến ngư, đào tạo nghề cho bà con nông dân, ngư dân, con em gia đình chính sách. Có thể giao cho quân đội làm một số dự án thí điểm. Tất nhiên, quân đội làm gì cũng phải đặt nhiệm vụ, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu lên hàng đầu, như vậy phải thường xuyên xây dựng quân đội theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và kỷ luật nghiêm minh làm gốc.

* Xin cảm ơn Thiếu tướng.

AN MY thực hiện

;
.
.
.
.
.