Có một mặt trận khác góp phần vào thắng lợi chung

.

ĐNO- Trong ký ức bà Lê Thị Kinh (bí danh Phan Thị Minh), ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3-1975 là hình ảnh mẹ mình, cụ Phan Thị Châu Liên, Hội trưởng Hội Phụ nữ giải phóng Đà Nẵng lúc bấy giờ, đọc diễn văn chào mừng thành phố giải phóng. Cùng thời điểm đó, bà Kinh đang trong đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Một mặt trận khác góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, thống nhất nước nhà.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (hàng đứng, thứ 7 trái sang) cầm tay, chúc mừng bà Lê Thị Kinh (ngồi giữa) nhân dịp được trao tặng Huy Hiệu 80 năm tuổi Đảng. Ảnh: PV
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (hàng đứng, thứ 7 trái sang) cầm tay, chúc mừng bà Lê Thị Kinh (ngồi giữa) nhân dịp được trao tặng Huy Hiệu 80 năm tuổi Đảng. Ảnh: PV

Trong phim tài liệu “Giải phóng Đà Nẵng” do Xưởng phim Thời sự tài liệu Trung ương sản xuất tháng 4-1975, ghi lại hình ảnh bà Phan Thị Châu Liên, Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng Đà Nẵng, đọc diễn văn chào mừng trong ngày giải phóng: “Trong giờ phút lịch sử, với khí thế bừng bừng cách mạng, chị em hãy ra sức phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Theo hồi ký của bà Kinh (do gia đình cung cấp), bà còn nhớ trận giải phóng Quảng Nam và Đà Nẵng, dân Quảng trong đoàn như các anh Đinh Bá Thi, Phan Nhẫn và bà, kể cả bộ trưởng Nguyễn Thị Bình hết sức phấn khởi. Cuốn phim “Giải phóng Đà Nẵng” gửi ra, bà có được niềm vui vô hạn thấy mẹ mình, bà Phan Thị Châu Liên, sau 21 năm xa cách, đứng phát biểu kêu gọi phụ nữ toàn miền Nam tiếp tục tham gia giải phóng quê hương. Tiếp sau giải phóng Sài Gòn là những ngày hân hoan vui mừng cùng với bà con và bạn bè quốc tế.

Trong hồi ký, bà Kinh kể lại, gần cuối năm 1972, chiến trường miền Nam sôi động. Để phối hợp tốt với phong trào chống chiến tranh, đặc biệt là phong trào ở Mỹ, chị Ngọc Dung (Thư ký riêng của bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam) đề xuất việc ra bản tin tiếng Anh (trước kia chỉ có bản tin tiếng Pháp từ trong nước gửi ra) vì bây giờ đối tượng chủ yếu là nhân dân Mỹ. Nhưng cả đoàn chỉ có một phiên dịch tiếng Anh.

Đoàn phải rút gọn các bản tin tiếng Anh của Thông tấn xã Giải phóng gửi từ trong nước ra bằng telex và đưa tin thế nào cho hợp với môi trường xã hội Mỹ. Lúc đó có chị Diana Johnstone, một phụ nữ Mỹ sống độc thân với con gái, đang làm việc với một hãng thông tấn Pháp đã tình nguyện giúp đoàn.

"Chị Dung và tôi mang đến cho chị những tin tiếng Pháp, tiếng Anh mà chúng tôi cắt dán, nhờ chị ấy xem lại rồi đánh máy để về quay luôn trên máy rô-nê-ô của cơ quan. Có lúc chị ấy cười phá lên vì cách dùng từ nhầm lẫn, không thích hợp của ta. Bản tin tiếng Anh được quay rô-nê-ô thành mấy chục bản, phát đi các địa chỉ ở Mỹ, Bắc Âu và Nhật Bản được bạn bè rất hoan nghênh", trích hồi ký.

Theo hồi ký, bà Kinh kể: Thấm thía vấn đề tù nhân là sinh mạng của hàng vạn đồng chí, đồng bào đang sống trong ngục tù của địch. Chúng tôi lo địch sẽ thực hiện thủ đoạn giấu tù, tráo tù, thủ tiêu những người con trung kiên nhất của ta. Cho nên khi sắp kí kết hiệp định, qua các linh mục, tăng ni và các lực lượng tiến bộ, chúng tôi thu lượm những tin tức từ trong nước về vấn đề tù nhân.

Chúng tôi biết nhiều “Việt cộng” từ Côn Đảo đã được đưa về nhà lao Chí Hòa, Sài Gòn và tráo hồ sơ thành “tù thường phạm”, phân tán ra nhiều nơi, nhiều nhà tù trong nước. Không loại trừ những người con kiên cường nhất của cách mạng sẽ bị thủ tiêu. Chúng tôi phát động một chiến dịch lập danh sách tù cách mạng ở khắp các nhà lao miền Nam. Nhờ đó ta đã có những danh sách dài tên các anh chị em đang bị giam giữ. Chị Ngọc Dung đã cung cấp cho đoàn đàm phán những tư liệu nóng hổi, đủ chứng cứ khiến cho phía đối phương phải sửng sốt.

Bà Lê Tị Kinh (ngồi giữa) cùng con cháu trong gia đình. Ảnh: PV
Bà Lê Thị Kinh (ngồi giữa) cùng con cháu trong gia đình. Ảnh: PV

Có hai nhân chứng người Pháp đã tích cực cùng ta đấu tranh trong vấn đề tù nhân ở miền Nam là Jean-Pierre Debris và André Menras là hai thanh niên tình nguyện Pháp đã đến Việt Nam giảng dạy tại trường Pascal của Pháp ở Đà Nẵng. Sau hai năm mục kích những tội ác của Mỹ- ngụy, các anh đã tự phát tổ chức may cờ Mặt trận Giải phóng và in truyền đơn kêu gọi ủng hộ kháng chiến. Sau đó họ bị bắt, bị đánh đập và giam ở nhà lao Chí Hòa.

Qua hai năm tiếp xúc với các tù nhân yêu nước, họ đã trở thành hai đồng chí Pháp của tù nhân Việt Nam, trình độ tiếng Việt và trình độ chính trị được nâng lên bội phần. Các anh còn hưởng ưu tiên là được người của sứ quán Pháp đến thăm, được giữ radio và nhận một số báo chí tiếng Pháp. Hai anh đã nhanh chóng chia sẻ thông tin với các đồng chí Việt Nam. Một trong những ra-đi-ô của hai anh đã được bí mật chuyển ra Côn Đảo. Khi sắp kí kết Hiệp định Paris, rất đột ngột các anh được chính quyền Sài Gòn trao trả cho sứ quán Pháp với điều kiện phải đưa về Pháp trong vòng 24 tiếng.

Đêm giao thừa ở Paris rét đậm, tôi đang ở nhà mấy người bạn để trao đổi chia sẻ với nhau về những trận B52 ném bom tàn bạo vào Hà Nội ngay đêm Noel vừa qua. Thình lình được tin có hai người bạn là Jean-Pierre và André đến tìm. Với thái độ đàng hoàng và vui vẻ, họ báo gia đình đã đến sân bay đón nhưng họ yêu cầu cho đến gặp đoàn trước khi về sum họp với gia đình.

Họ móc từ trong đế dép ra cả một “kho tài liệu” do các đồng chí trong tù giao cho họ chuyển đến đoàn: Những thông tin mới nhất về các nhà tù, danh sách cùng những bức thư ngắn của tù nhân, có bức viết bằng máu để nêu tính chất khẩn thiết của tình hình. Đặc biệt có những dòng ghi vội của những người trên đường bị di chuyển… Hai anh đã làm nhiều việc, khiến cho dư luận chú ý đến nguy cơ bị sát hại của tù nhân yêu nước Việt Nam. Dư luận thế giới phẫn nộ lên án và đòi chặn tay tội ác đối với tù nhân.

Ngày 2-5-1975, bà Kinh đi Anh theo kế hoạch mời trước đó của phong trào. Bà đi một mình, hành lý chỉ một cái xách tay với mấy trăm bánh đa nem theo “đặt hàng” của anh Ngọc (đại diện miền Bắc ở London). Vừa xuống máy bay, bà đã thấy có một nhóm người bám theo bấm máy ảnh lia lịa.

"Anh Ngọc cho biết sẽ có một cuộc họp báo lớn ngay tại sân bay. Rất nhiều phóng viên với máy ghi âm và quay phim đã chờ sẵn. Không được chuẩn bị gì hết, nhưng bình tĩnh và tự tin trong tư thế người chiến thắng, tôi dựa vào những thông tin đã có và vốn hiểu biết về chủ trương đường lối để trả lời không ngập ngừng tất cả các câu hỏi bằng tiếng Pháp, có phiên dịch chuyển sang tiếng Anh", bà Kinh kể trong hồi ký.

"Có những câu khá hóc búa như: “Tại sao đến nay chưa có liên hệ viễn thông với thế giới?”. Tôi đáp: “Suốt cuộc chiến đấu chúng tôi luôn khắc phục khó khăn để giữ liên hệ với quốc tế, trong chiến thắng chúng tôi rất cần bạn bè hiểu các thành quả đã đạt được, gián đoạn thông tin chỉ do kĩ thuật mà thôi”. May quá liền hôm sau các phóng viên phương Tây đã có tin điện từ Sài Gòn gửi về. Hôm sau nhiều tờ báo lớn đưa bài và ảnh về cuộc họp báo trên. Tối hôm đó, Phong trào Hòa bình đã tổ chức một cuộc mít tinh rất đông người dự. Báo Morning Star (Sao Mai) của Đảng Cộng sản Anh đăng bài dài với nhiều hình ảnh và khẳng định đó là “Cuộc chào mừng chiến thắng và đón đại diện của Việt Nam”, trích hồi ký.

Đó là những ngày sôi động mà mãi mãi bà Kinh không bao giờ quên.

TRỌNG HUY (lược ghi)

;
;
.
.
.
.
.
.