SỔ TAY

Lợi bất cập hại từ thiết bị công nghệ nông trại điện thoại

.

Hiện nay, mô hình nông trại điện thoại (PhoneFarm) đã trở thành phương tiện phổ biến để nhiều doanh nghiệp, cá nhân có thể tăng lượt tương tác, độ nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội. Đây được xem là một phương thức mới, đánh lừa được sự kiểm tra, kiểm duyệt gắt gao của các ứng dụng, trang mạng xã hội.

Một bộ mô hình nông trại điện thoại gồm nhiều thiết bị điện thoại được lắp ráp để thực hiện tăng tương tác, lượt theo dõi ảo. Ảnh: CHIẾN THẮNG
Một bộ mô hình nông trại điện thoại gồm nhiều thiết bị điện thoại được lắp ráp để thực hiện tăng tương tác, lượt theo dõi ảo. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Ông Nguyễn Trọng Tín, Giám đốc Công ty CP Truyền thông và Công nghệ OneMore (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) chia sẻ, trung bình, mỗi tháng doanh nghiệp chi phí khoảng từ 30-50 triệu đồng để thuê máy móc, nhân lực chạy tương tác bằng PhoneFarm, nhằm giúp các đối tác được tăng độ nhận diện, thúc đẩy doanh số bán hàng trên các kênh mạng xã hội. Ban đầu lượng tương tác rất ổn định nhưng thời gian gần đây thì lượt tương tác không bằng trước, giá trị tạo ra từ hình thức này cũng giảm.

Qua tìm hiểu, PhoneFarm đang gây ra nhiều rủi ro cho người dùng như chi phí lắp đặt, bảo dưỡng khá tốn kém; nguy cơ cháy nổ, hư hỏng, gây hại tới môi trường; không mang lại được hiệu quả công việc như mong đợi. Chị Cao Thị Thùy Dung (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, để phục vụ phát triển kênh mạng xã hội, chị có sắm một bộ PhoneFarm với giá gần 50 triệu đồng. Việc mua bán rất đơn giản, người bán hỗ trợ lắp đặt nên chị chỉ cần kết nối thao tác, các lệnh cơ bản là có thể hoạt động. Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi mua, các thiết bị đã gặp lỗi liên tục khiến chị phải bỏ rất nhiều thời gian và tiền bạc để khắc phục sự cố.

Được biết, các bộ PhoneFarm thường được ghép từ những chiếc điện thoại cũ đã hỏng màn hình, pin, camera, cảm biến, vẫn có thể hoạt động khi cấp nguồn điện. Anh Huỳnh Công Lịch, chủ cửa hàng kinh doanh điện thoại HCL Store (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) cho hay, thời gian qua, lượng người tìm tới để đặt hàng, thu mua các bảng mạch điện thoại thông minh tăng mạnh, từ 50-100 thiết bị/ngày.

Các thiết bị điện thoại được thu thập qua chương trình thu cũ, thu xác của cửa hàng, nguồn nhập rất đa dạng từ các hội, nhóm chuyên mua bán điện thoại cũ và nhập lẻ từ người dùng. Một số bộ mạch điện thoại thông minh nếu còn sử dụng tốt sẽ được thu mua với giá từ 150.000 - 300.000 đồng/chiếc tùy vào cấu hình từng loại, với các bộ mạch bị hỏng hoặc đã qua sửa chữa thì giá chỉ từ vài chục ngàn đồng/chiếc. Đối với những sản phẩm này thì cửa hàng anh không bảo hành, sửa chữa vì phần lớn được xem là rác công nghệ.

TS. Võ Quang Sơn, Phó trưởng Khoa Điện, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, kết cấu của một mô hình PhoneFarm rất thô sơ từ phần mạch chủ, nguồn cấp điện. Thông thường, một bộ PhoneFarm gồm bốn phần là nguồn, quạt, nơi đặt bo mạch và phần để cố định điện thoại. Chỉ cần cài một ứng dụng duy nhất, tất cả các thiết bị điện thoại thông minh sẽ nhận lệnh điều khiển giống hệt nhau với các thao tác y như người thật. Các thiết bị chủ yếu được dùng đều đã cũ, sau khi lắp ráp thì đa số người dùng sẽ hoạt động tối đa từ 10-15 tiếng/ngày.

Điều này gây ra nhiều rủi ro cho người sử dụng với việc các thiết bị có thể hư hỏng sau thời gian ngắn hoạt động hoặc những rủi ro khác về an toàn cháy nổ, an toàn thông tin. Về bản chất, PhoneFarm lợi dụng cơ chế đề xuất của các nền tảng mạng xã hội, đó là nếu có nhiều tương tác cho một nội dung thì nền tảng sẽ phổ biến nội dung đó rộng rãi hơn đến người dùng. Dịch vụ like ảo, view ảo nhiều lần bị các nền tảng mạng xã hội cấm vì vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng nên PhoneFarm cũng có thể bị các nền tảng quét và loại bỏ bất cứ lúc nào do gian lận.

Thượng tá Lê Cao Tâm, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Đà Nẵng) thông tin, nhiều đối tượng xấu sử dụng các thiết bị tăng tương tác cho mục đích xấu như lan truyền tin giả gây ảnh hưởng cho lợi ích Nhà nước, tập thể, cá nhân. Hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội diễn ra với nhiều công nghệ mới, thủ đoạn tinh vi, ảnh hưởng lớn đến công tác bảo đảm an ninh thông tin và đời sống của người dân; đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Lực lượng công an đã chủ động triển khai thực hiện các giải pháp ngăn chặn những nguy cơ về an ninh mạng trên địa bàn thành phố.

CHIẾN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.