Bạn cần biết

Vi khuẩn Hp và bệnh dạ dày

.

Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (Hp) là một trong những loại nhiễm khuẩn phổ biến nhất ở Việt Nam và trên thế giới. Vi khuẩn Hp có hình chữ S, ở đầu có các lông mao giúp chuyển động trong lớp nhầy của niêm mạc dạ dày, tá tràng. Chúng tiết ra các men và độc tố làm tổn thương niêm mạc dạ dày, tá tràng, gây viêm loét cấp tính và mạn tính.

Nhiễm khuẩn Hp có thể dẫn tới viêm dạ dày mạn tính tiến triển; là nguyên nhân chính gây loét dạ dày, tá tràng, ung thư dạ dày và u lympho. Nhiễm Hp còn liên quan các bệnh như: thiếu máu thiếu sắt, xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, gia tăng dị ứng…

Xét nghiệm Hp

Tất cả các trường hợp bị loét hoặc có tiền sử loét dạ dày tá tràng, u lympho liên quan niêm mạc đường tiêu hóa, từng điều trị ung thư dạ dày sớm qua đường nội soi.

Những đối tượng khác gồm: người bị khó tiêu chức năng, người phải sử dụng thuốc NSAIDs, aspirin trong thời gian dài.

Ngoài ra, cần xem xét kiểm tra Hp cho những trường hợp bị thiếu máu thiếu sắt không rõ nguyên nhân, xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn; cân nhắc xét nghiệm cho những người có tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày; hoặc trong gia đình có trẻ bị bệnh do Hp thì bố mẹ cũng nên kiểm tra để có phương án dự phòng, điều trị phù hợp.

Phát hiện Hp bằng cách nào?

Hiện tại, có 2 nhóm phương pháp xét nghiệm để phát hiện vi khuẩn Hp: xâm lấn và không xâm lấn.
Phương pháp xâm lấn: bệnh nhân được lấy 1 mẫu mô sinh thiết qua nội soi dạ dày tá tràng để kiểm tra bằng test urea nhanh, mô bệnh học, hoặc nuôi cấy. Phương pháp này có độ nhạy và độ chính xác rất cao. Nội soi đường tiêu hóa trên này thường cần thiết cho các bệnh nhân có các triệu chứng đường tiêu hóa hoặc các triệu chứng báo động nhằm xem xét thêm tình trạng niêm mạc dạ dày tá tràng có viêm loét, khối u hay không.

Phương pháp không xâm lấn: bệnh nhân không cần nội soi dạ dày tá tràng, việc tìm Hp được thực hiện nhờ xét nghiệm phân hoặc test hơi thở. Phương pháp này cũng có độ chính xác và độ đặc hiệu cao, được khuyến cáo sử dụng.

Trong nhóm này có một loại xét nghiệm mà hiện nay phần lớn mọi người vẫn hiểu sai, đó là xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu có thể phát hiện được các kháng thể do hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất ra để chống lại vi khuẩn Hp. Tuy nhiên, xét nghiệm này chỉ có giá trị dịch tễ học và chứng minh đã từng nhiễm Hp hay không vì kháng thể có thể tồn tại sau 4 tháng hoặc lâu hơn mặc dù bệnh nhân đã diệt hết Hp. Do đó, xét nghiệm máu không được khuyến cáo sử dụng để chẩn đoán nhiễm Hp.
Nói chung, hiện tại có nhiều phương pháp xét nghiệm phát hiện Hp với độ chính xác cao. Mỗi phương pháp có ưu nhược điểm riêng. Vì vậy, bệnh nhân nên khám và tư vấn bác sĩ để lựa chọn phương pháp thích hợp nhất cho mình.

Điều trị

Hội Tiêu hóa Việt Nam khuyến cáo: Điều trị diệt trừ Hp ở bệnh nhân nhiễm Hp trong các trường hợp: viêm loét dạ dày tá tràng, khó tiêu chức năng, ung thư dạ dày đã được điều trị nội soi hoặc phẫu thuật, thiếu máu thiếu sắt, xuất huyết giảm tiểu cầu.

Điều trị dự phòng ung thư dạ dày cho người nhiễm Hp trong các trường hợp: có tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày, khối u dạ dày dạng polype, viêm teo niêm mạc dạ dày, sử dụng NSAIDs, aspirin kéo dài hoặc mong muốn tiệt trừ Hp.

Điều trị tiệt trừ Hp giúp làm lành vết loét, giảm nguy cơ loét tái phát, giảm nguy cơ biến chứng chảy máu dạ dày, thửng dạ dày, giảm tỷ lệ phát triển thành ung thư dạ dày.

Hiện tại, không có một thuốc đơn độc nào có thể điều trị khỏi nhiễm khuẩn Hp, việc điều trị cần phối hợp nhiều loại thuốc.

Việc điều trị Hp hiện gặp nhiều thách thức làm tăng tỷ lệ thất bại, tăng nguy cơ tái phát bệnh do: tác dụng phụ, đề kháng kháng sinh, thất bại điều trị, thiếu theo dõi và tái nhiễm. Vì vậy, cần tuân thủ đúng đơn thuốc của bác sĩ: mua đúng đơn, uống đủ thời gian, uống đúng thời điểm của từng thuốc; không tự ý sử dụng đơn thuốc cũ hoặc mượn đơn thuốc của người khác để điều trị bệnh; sau khi hoàn thành phác đồ điều trị, bệnh nhân phải tái khám theo lời dặn của bác sĩ để kiểm tra lại Hp. Trong quá trình điều trị, nếu triệu chứng không thuyên giảm hoặc gặp tác dụng bất lợi của thuốc, phải thông báo ngay với bác sĩ điều trị.

ThS.BS TRẦN QUỐC KHÁNH

(Phòng khám đa khoa Pasteur Đà Nẵng)

;
.
.
.
.
.
.