Phòng ngừa ớt bột nhiễm độc tố

.

Vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố kết quả kiểm tra ớt bột khô có chứa chất aflatoxin (độc tố gây xơ gan dẫn đến ung thư gan) chiếm 36,25%.

Nguyên nhân do các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh ớt bột khô không đảm bảo các điều kiện bảo quản dẫn tới sản phẩm ớt bột bị ẩm sinh ra nấm mốc. Bào tử nấm mốc có trong ớt sinh ra độc tố aflatoxin B1 gây độc hại đối với người.

Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng (BQL ATTP) đã tiến hành các hoạt động rà soát, thống kê cơ cơ sở sản xuất, chế biến ớt bột trên địa bàn thành phố. Đồng thời kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, lấy mẫu ớt bột tại các cơ sở kinh doanh (chủ yếu tại  chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Mới) để xét nghiệm các chỉ tiêu độ ẩm, nấm mốc và độc tố aflatoxin.

Qua rà soát thống kê cho thấy hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng không có cơ sở sản xuất chế biến ớt bột quy mô lớn, chủ yếu các hộ kinh doanh mua ớt tươi về phơi khô và chế biến số lượng ít để bán lẻ.

Các hộ kinh doanh ớt bột tại chợ Cồn lấy hàng chủ yếu là từ các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. Các hộ bán lẻ ớt bột tại các chợ Hàn, Đống Đa…lấy lại từ các đầu mối từ chợ Cồn, số lượng lấy hàng khá ít (từ 2-3kg/lần).

Qua kiểm tra, việc bảo quản ớt bột tại các quầy bán lẻ ở các chợ không được tốt; sản phẩm ớt bột thường chứa trong các bao PE hở miệng, để nơi không khô ráo, thậm chí có nơi để trên nền đất, vì vậy nguy cơ ớt bột bị ẩm dễ phát sinh nấm mốc là nguyên nhân chính làm cho ớt bột có chứa độc tố aflatoxin.

Để an toàn khi sử dụng bột ớt khô, BQL ATTP khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn và bảo quản ớt bột:

- Về màu sắc:

Ớt bột khô nguyên chất sẽ có màu giống như màu đồng hoặc hơi nâu một chút, kém phần tươi sáng. Lý do, ớt bột được làm từ ớt tươi làm thành bột ớt khô thì cần phải qua quá trình phơi sấy.

Dưới nhiệt độ cao, màu sắc của ớt sẽ không còn sặc sỡ và đỏ tươi như trước. Do vậy, nếu như các sản phẩm bột ớt có màu đỏ đẹp thì rất có thể đó là những loại không bảo đảm chất lượng, đã được nhuộm tẩm phẩm màu.

- Về bao gói, nhãn mác:

Có đầy đủ thông tin nhà sản xuất, địa chỉ, số điện thoại, hạn sử dụng, cách bảo quản và không có dấu hiệu tẩy xóa. Tốt nhất là đóng gói trong các hộp nhựa với đầy đủ thông tin như trên.

- Về mùi vị:

Những loại ớt bột được trộn, nhuộm phẩm màu sẽ không có mùi và vị cay đặc trưng, thường có mùi phẩm màu. Còn ớt bột thật thì sẽ có hương thơm, vị cay riêng biệt. Những người không quen nếu ngửi mùi thì có thể hắt hơi, bị sặc mùi.

- Cách bảo quản bột ớt:

Thông thường bột ớt có thể được bảo quản tốt trong hơn một năm nếu được bảo quản đúng cách. Bảo quản bột ớt trong lọ thủy tinh hay bình, đậy kín nắp, đặt ở những nơi khô ráo, thoáng gió, tránh ánh sáng trực tiếp chẳng hạn trong tủ bếp. Nếu lượng bột ớt lớn thì có thể bảo quản lạnh. Khi đó hãy sử dụng túi đựng kín khí dùng trong tủ lạnh (tốt nhất nên sử dụng hai lần túi).

Liên quan đến các loại thực phẩm dễ bị nhiễm nấm mốc và sinh ra độc tố aflatoxin còn có các loại nông sản như ngũ cốc (gạo, ngô, kê, đậu, lúa mì), hạt có dầu (lạc, đậu tương, hạt hướng dương), cà phê, hạt điều…

Các loại thực phẩm này nếu được cất giữ quá lâu, bảo quản khu vực ẩm ướt, không được đem ra phơi nắng, thì khả năng bị mốc là rất cao. Nhiều người vì muốn tiếp tục dùng nên không bỏ đi những thực phẩm bị mốc đó, hậu quả là cơ thể có nguy cơ mắc ung thư và các bệnh liên quan về gan khác do độc tố vi nấm aflatoxin gây ra.

Do đó, BQL ATTP đề nghị người dân và các cơ sở kinh doanh lưu ý trong việc bảo quản, sử dụng các loại thực phẩm nêu trên để bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng.

ĐNO 

;
.
.
.
.
.
.