Chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết

.

Dịch sốt xuất huyết (SXH) có dấu hiệu bùng phát trong thời gian gần đây, cao nhất tính từ đầu năm 2018 đến nay. Các địa phương gấp rút triển khai các biện pháp cần thiết để dịch không lan rộng…

Phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu.
Phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu.

Ngày 14-9, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã tổ chức họp khẩn với các Trung tâm Y tế quận, huyện, các địa phương, Đội Y tế dự phòng để bàn bạc và phân tích những vấn đề trong công tác phòng, chống dịch SXH. Các biện pháp cần thiết phải được triển khai trong thời gian tới, phòng tránh dịch bùng phát trên diện rộng và kéo dài đến hết năm 2018.

Là một trong những địa phương tập trung đông dân cư tại quận Sơn Trà, phường Thọ Quang hiện nay ghi nhận 93 người mắc SXH. Tỷ lệ này không cao so với tổng số dân trên 35.000 người, tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương, nếu không tổ chức dập dịch thì nguy cơ bùng phát sẽ lan trên diện rộng, khi đó hậu quả sẽ rất lớn.

Hiện có 7 ổ dịch tại 37/103 tổ dân dân phố có nguy cơ bùng phát. “Địa phương đã phối hợp với ngành y tế dự phòng tổ chức phun hóa chất tại các ổ dịch với diện tích khoảng 200m2 tại mỗi ổ. Diện tích phun sẽ được mở rộng hơn so với trước để khoanh vùng và hạn chế tình trạng bùng phát”, bà Lê Thị Kim Thương, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, cho biết.

Tương tự, tại quận Liên Chiểu, một trong những địa phương có số ca mắc SXH cao nhất thành phố, việc phòng, chống dịch vẫn đang được gấp rút triển khai. Từ đầu năm 2018 đến nay, quận Liên Chiểu ghi nhận hơn 520 ca mắc SXH với 33 ổ dịch được phát hiện, trong đó, chỉ riêng tháng 8 đã phát hiện 14 ổ dịch.

“Chương trình phòng chống dịch vẫn được thực hiện theo kế hoạch của Bộ Y tế và ngành y tế thành phố, trong đó tập trung chủ yếu vào việc tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức cho người dân diệt lăng quăng và phát quang bụi rậm.

Ngoài ra, địa phương còn phối hợp với các trường tiểu học, THCS, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các em học sinh trong việc vệ sinh sạch sẽ các khu vực xung quanh gia đình, nhà trường”, ông Nguyễn Văn Khanh, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng quận Liên Chiểu cho biết.

Cũng theo đơn vị này, Liên Chiểu hiện là địa bàn khá rộng, diện tích đất trống còn nhiều và là nơi tập trung đông nhất lực lượng công nhân, sinh viên. Đó cũng là thực trạng khiến nhiệm vụ phòng, chống SXH luôn khó khăn hơn các địa phương khác.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, tính đến ngày 9-9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.923 trường hợp mắc SXH, trong đó tập trung nhiều ở một số địa phương như quận Liên Chiểu (521 ca), quận Thanh Khê (324 ca), quận Hải Châu (281 ca), quận Cẩm Lệ (236 ca). Ngành y tế cũng phát hiện 152 ổ dịch, trong đó từ tháng 7 đến tháng 9 đã phát hiện 118 ổ.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, SXH có dấu hiệu gia tăng từ tháng 8 đến nay, trung bình mỗi tuần toàn thành phố ghi nhận 100 ca mắc SXH mới, đây là tỷ lệ cao nhất trong năm 2018 tính đến thời điểm hiện tại.

“So với cùng kỳ năm 2017 thì tỷ lệ này có giảm nhưng nếu không có biện pháp kịp thời, khả năng SXH sẽ bùng phát và kéo dài đến hết năm 2018 là rất cao. Nhưng để làm được điều đó lại không hề dễ vì nhiệm vụ này cần sự cung tay của ngành y tế, địa phương và bản thân mỗi người dân”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Theo ngành y tế, cái “gốc” của phòng chống dịch là diệt lăng quăng bằng cách vệ sinh xung quanh môi trường sống, thu dọn các vật dụng chai, lọ, lốp xe có khả năng chứa nước mưa và hợp tác với y tế trong việc phun hóa chất.

Chính vì thế, vai trò của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động và ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường trong khu dân cư là rất lớn.

“Cần nhấn mạnh là một mình ngành y tế không thể lo hết được mà chỉ hỗ trợ, hướng dẫn về mặt chuyên môn, kỹ thuật và cung ứng thuốc, hóa chất cho các địa phương. Tuy nhiên hiện nay, nhiều nơi vẫn chưa quyết liệt thực hiện nhiệm vụ này, thậm chí khi nhân viên y tế đi phun hóa chất còn bị chính người dân không hợp tác và đuổi ra khỏi nhà”, bác sĩ Thạnh chia sẻ.

Đà Nẵng khống chế được nhiều dịch bệnh

Theo báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang, tính đến ngày 9-9, tại 11 tỉnh, thành khu vực miền Trung ghi nhận có 11 dịch bệnh mà người dân địa phương đang mắc phải, trong đó nhiều nhất là SXH với hơn 8.200 trường hợp mắc (2 ca tử vong ở Bình Định, Khánh Hòa) và tay-chân-miệng với 4.472 trường hợp mắc. Có một số dịch bệnh nguy hiểm đã xuất hiện ở các tỉnh như bạch hầu (tỉnh Quảng Nam, tử vong 1 người), liên cầu lợn (Quảng Ngãi, Bình Thuận), Rubella (Bình Định), dại (Phú Yên, Quảng Ngãi), viêm não Nhật Bản (Bình Thuận, Phú Yên)… Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, ngoài dịch SXH và tay - chân - miệng bùng phát theo mùa, hiện trên địa bàn thành phố không ghi nhận và phát hiện mới số ca mắc các dịch bệnh trên, trong đó nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ yếu tố dự phòng được triển khai chặt chẽ giữa các địa phương trong thành phố và cơ sở y tế.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.