Không để dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào Việt Nam

.

Ngày 14-9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ đông xuân và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành Trung ương, địa phương nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới; cần tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam.

Ngoài ra, cũng cần triển khai vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn; nhanh chóng tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn.

Tại hội nghị, đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh ở người, virus gây bệnh lây lan chậm trên các đàn lợn, nhưng lợn bị nhiễm bệnh thì gần như 100% là chết và phải tiến hành tiêu hủy cả đàn lợn có lợn bị nhiễm bệnh cũng như các đàn lợn ở xung quanh. Từ ngày 3-8 đến ngày 6-9, tại Trung Quốc đã xuất hiện 13 ổ dịch bệnh này tại 6 tỉnh.

Theo Sở NN&PTNT thành phố, để chủ động phòng chống, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Đà Nẵng, Sở NN&PTNT đã đề xuất và tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện, phường, xã và các sở, ngành có liên quan khẩn trương kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn nhập vào địa bàn thành phố và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh và có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.

Đồng thời, tuyên truyền, khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng và mua thịt lợn tại các cơ sở kinh doanh bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm, đã qua kiểm soát của cơ quan thú y cũng được tăng cường.

Ngoài ra, các lực lượng chức năng cũng đang phối hợp kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm là quà biếu, hàng xách tay, thực phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn tại các sân bay, cảng biển nhằm hạn chế và ngăn chặn nguy cơ thịt lớn nhiễm bệnh vào thành phố, nhất là đối với khách du lịch và nhập cảnh...

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.