.

Chuyển biến từ tuyên truyền giao thông trong sinh viên

.

Những năm trước đây, sinh viên trên địa bàn thành phố thường bị nêu tên tại những hội nghị tổng kết về công tác an toàn giao thông do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế. Hình ảnh từng nhóm sinh viên băng ngang dải phân cách hoặc đi xe dàn hàng ngang sau giờ tan học trên các trục đường lớn đã trở nên quen thuộc.

Và hậu quả là những vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm do chính sinh viên gây ra. Để hạn chế tình trạng này, gần đây các trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền về an toàn giao thông, góp phần nâng cao nhận thức an toàn giao thông cho sinh viên.

Đến nay, theo đánh giá của Đại học Đà Nẵng, các chương trình về an toàn giao thông đã thực sự mang lại hiệu quả. Số lượng sinh viên vi phạm cũng như TNGT đã giảm mạnh, đặc biệt 2 năm nay chưa xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng nào.

Từ năm 2014, Đại học Đà Nẵng đã  đảm bảo 100% sinh viên được tuyên truyền và đăng ký không vi phạm trật tự an toàn giao thông và trở thành một trong 3 đại học vùng của cả nước hoàn thành chỉ tiêu này. Trong số các chương trình đã thực hiện, chương trình “Sinh viên Đại học Đà Nẵng với an toàn giao thông” do Đại học Đà Nẵng và Công ty Yamaha Việt Nam phối hợp tổ chức đã trở thành ngày hội với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực.

Với các nội dung như: thi hùng biện về chủ đề an toàn giao thông, thi điều khiển xe máy vượt chướng ngại vật, lái xe an toàn, cấp cứu nạn nhân TNGT..., có rất nhiều sinh viên tham gia. Đặc biệt, các trường lồng ghép nội dung tuyên truyền an toàn giao thông vào các hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khóa của trường như các chương trình “Hành quân về địa chỉ đỏ”, “Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp” hoặc tham gia công tác xã hội giúp đỡ người dân vùng lũ lụt...

Nếu như trước đây, mỗi khi triển khai các hoạt động này sinh viên tham gia đi trên đường rất lộn xộn thì nay đã đi đúng luật, vừa đảm bảo ATGT vừa tạo nên hình ảnh đẹp, giúp người tham gia giao thông noi theo... Bên cạnh những hoạt động bề nổi như vậy, Đại học Đà Nẵng còn chú trọng các hoạt động tuyên truyền có chiều sâu thông qua việc phát động các cuộc thi đưa ra sáng kiến cải thiện giao thông, hội thảo về tác hại của rượu, bia với người tham gia giao thông.

Những hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông của Đại học Đà Nẵng thực sự lôi cuốn sinh viên tham gia và mang lại hiệu quả thiết thực. Với trên 50.000 sinh viên, hy vọng rằng, các chương trình tuyên truyền về an toàn giao thông của Đại học Đà Nẵng sẽ góp phần cùng xã hội nâng cao ý thức bảo đảm an toàn giao thông, chung tay cùng thành phố thực hiện tốt chương trình “4 an”.

Thanh Vân

;
.
.
.
.
.