.

Hòa Vang chăm lo cuộc sống người có công

.

Từ chính sách nhân văn của thành phố mà nhiều quận, huyện đã đồng loạt triển khai công tác hỗ trợ sửa chữa và xây dựng mới nhà ở cho người có công cách mạng. Riêng đối với huyện Hòa Vang, chăm lo cuộc sống gia đình người có công được xác định là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của Đảng bộ huyện.

Niềm vui bên những căn nhà mới

Qua khảo sát của UBND xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, đầu năm 2016, gia đình ông Phùng Văn Chuyện, thôn Cẩm Toại Đông, thương binh nặng 1/4, bị mù mắt được hỗ trợ 60 triệu đồng để xây mới nhà. Sống cùng gia đình người con trai và 3 đứa cháu trong căn nhà mới khang trang, vợ chồng ông Chuyện cảm thấy ấm lòng trước sự quan tâm của các cấp dành cho người có công cách mạng, đã hy sinh đôi mắt vì cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Ở thôn Nam Thành (xã Hòa Phong), gia đình bà Chế Thị Xuyến là vợ liệt sĩ, con trai bị địch bắt tù đày, cũng vừa được hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa chữa căn nhà đã xuống cấp.

Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, cán bộ phụ trách Lao động-Thương binh và Xã hội xã Hòa Phong, trong năm 2016, xã rà soát và đến nay đã hoàn thành sửa chữa, xây mới 153 căn nhà cho gia đình người có công cách mạng. Điều đáng nói là địa phương đã vận động kinh phí 100 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng 2 ngôi nhà, số còn lại từ ngân sách thành phố và huyện. “Mỗi căn nhà xây mới được hỗ trợ 60 triệu đồng, còn sửa chữa thì tùy theo mức độ xuống cấp, xã sẽ hỗ trợ từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Những căn nhà xây cho gia đình chính sách khẳng định chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước và thành phố khi chăm lo chu đáo đời sống người có công cách mạng, không để cuộc sống của họ thấp so với mặt bằng chung của người dân”, chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cho biết.  

Cũng giống như xã Hòa Phong, nhiều gia đình người có công ở xã Hòa Nhơn cũng được hỗ trợ sửa chữa, xây nhà mới từ chính sách nhân văn thành phố. Bà Đỗ Thị Út (trú thôn Phước Thái, xã Hòa Nhơn) là gia đình có công cách mạng, con bà không may bị bệnh tâm thần nên cuộc sống rất khó khăn. May mắn là đầu năm 2016, xã Hòa Nhơn đưa vào diện cần hỗ trợ xây nhà mới nên đến nay, bà Út đã yên tâm, không lo sợ mỗi khi mùa mưa đến phải tất tả hứng nước mưa dột lỗ chỗ trong nhà. Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát, bên cạnh việc hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà, tùy vào tình trạng sức khỏe hiện tại của người có công, xã sẽ hỗ trợ sinh kế cho gia đình để làm ăn, cải thiện thu nhập.

Hỗ trợ cải thiện điều kiện sống

Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Bùi Nam Dũng cho biết, đến nay, huyện đã tiến hành rà soát hộ người có công về chính sách, thu nhập, nhà ở để có biện pháp hỗ trợ cụ thể, quan tâm đến các hộ có nguyện vọng về trợ cấp xã hội, hỗ trợ vốn vay, giải quyết việc làm. Đặc biệt, có giải pháp đối với hộ người có công đơn thân, hộ không còn sức lao động để thoát nghèo, từng bước nâng mức thu nhập người có công. Theo chuẩn nghèo mới của thành phố, toàn huyện Hòa Vang hiện có 5.216 hộ nghèo, trong đó 479 hộ người có công trong mức chuẩn nghèo, chiếm 9,2% tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện. Qua khảo sát, có 137 hộ thu nhập từ 900.000 đồng đến 1,1 triệu đồng/tháng, còn lại 342 hộ có thu nhập dưới 900.000 đồng/tháng.

Trên thực tế, đa số người có công cách mạng hiện nay đều cao tuổi, sức khỏe yếu và thường đau ốm. Do vậy, một trong những giải pháp mà huyện Hòa Vang nghiên cứu áp dụng đó là ngoài chế độ trợ cấp của Nhà nước theo quy định chung thì huyện vận dụng Quyết định số 14/2009/QĐ-UBND ngày 30-5-2009 của UBND thành phố về trợ cấp thường xuyên, đột xuất đối với người có công cách mạng mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Bằng những giải pháp đồng bộ, huyện Hòa Vang phấn đấu đến cuối năm 2017, 100% hộ người có công còn sức lao động trên địa bàn thoát nghèo.

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.