.

Tìm nguồn cung cấp thực phẩm theo chuỗi

.

Xây dựng chuỗi cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn là một trong những mục tiêu quan trọng trong đề án Kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nông, thủy sản trên địa bàn Đà Nẵng vừa được UBND thành phố ban hành vào cuối tháng 7.

Tạo sự liên kết chặt chẽ

TS Lê Thị Minh Hằng, giảng viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), người tham gia xây dựng đề án Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm cho thành phố nhấn mạnh, nguồn gốc thực phẩm nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến chất lượng thực phẩm không bảo đảm khi đến tay người tiêu dùng.

Người tiêu dùng rất khó có thể phân biệt được xuất xứ, chất lượng thực phẩm. Tâm lý bất an khi lựa chọn thực phẩm hiện rất phổ biến xuất phát từ những nguyên nhân này. “Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xây dựng dựa trên sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, doanh nghiệp, Nhà nước và các nhà khoa học; trong đó doanh nghiệp đóng vai trò cầu nối, mang thực phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng thông qua sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước”, TS Minh Hằng cho biết.

Thực tế hiện nay tại Đà Nẵng, việc kinh doanh thực phẩm, cụ thể là nông sản sạch, rất nhỏ lẻ, manh mún. Theo thống kê, hiện có trên

20 cửa hàng kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, vì chiến lược kinh doanh thụ động, quy mô nhỏ nên hiện tại những cửa hàng này vẫn chưa được cơ quan quản lý Nhà nước cấp giấy chứng nhận an toàn.

Trong khi đó, nông dân các vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn an toàn vẫn phải tự thân tìm kiếm đầu ra và hoàn toàn bị động vào giá cả, thị trường. “Người nông dân buộc phải tự tìm nơi tiêu thụ và phụ thuộc vào tính chất bấp bênh của thị trường, thì những nguyên tắc, kỹ thuật trong nuôi trồng, sớm muộn sẽ bị phá vỡ, thương hiệu thực phẩm an toàn sẽ không còn được đặt lên hàng đầu”, TS Hằng phân tích thêm.
Kể từ khi hình thành các vùng rau an toàn như La Hường, Túy Loan, đã có rất nhiều kế hoạch tiêu thụ, đưa nông sản sạch từ những vùng này đến tay người tiêu dùng nhưng đều thất bại. Rau an toàn thậm chí không cạnh tranh nổi các loại rau thông thường về giá cả và hình thức.

Sản lượng bấp bênh

Mới đây, UBND thành phố đồng ý đề xuất của Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thành lập các cửa hàng trong chuỗi cung ứng rau an toàn tại các chợ trên địa bàn thành phố. Theo đó, nông sản sạch được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap tại vùng rau an toàn Túy Loan sẽ được tiêu thụ tại các điểm như: chợ Hàn, chợ Mới, chợ Nguyễn Tri Phương. Đây là bước tiến đầu tiên trong mục tiêu xây dựng điểm kinh doanh nông sản được kiểm soát ATVSTP theo chuỗi. 40 hộ sản xuất (60 lao động) tại hợp tác xã (HTX) rau Túy Loan sẽ được bao tiêu toàn bộ sản lượng.

Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản sẽ là đơn vị quản lý Nhà nước phối hợp với địa phương, HTX xây dựng và giám sát quy trình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn an toàn. Giá rau an toàn Túy Loan khi đem bán ở chợ sẽ không cao hơn nhiều so với các loại rau khác do không phải “gánh” một số loại phí (đã được thành phố hỗ trợ). Tuy  nhiên, chỉ sau 3 ngày đi vào hoạt động, chuỗi cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch này phải… tạm dừng vì sản lượng không ổn định!

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông- lâm sản và thủy sản cho biết, do đặc thù thời tiết, thổ nhưỡng, nhất là có mùa nắng kéo dài, việc sản xuất nông sản tại các vùng rau an toàn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, diện tích đất canh tác nhỏ lẻ, xen kẽ nhau nên các hộ dân không thể sản xuất chuyên canh mà chủ yếu xen canh dẫn đến sản lượng không được bảo đảm. “Sản lượng nông sản an toàn do thành phố tự cung cấp hiện nay rất ít vì những nguyên nhân trên.

Đó cũng là thách thức khi xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn được kiểm soát chặt từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Vừa rồi, chúng tôi làm việc với một số địa phương có vùng rau an toàn quy mô lớn như Quảng Nam, Lâm Đồng để tìm hiểu, tiến tới việc ký kết cung cấp nguồn nông sản sạch, sản lượng ổn định. Có như vậy, chuỗi cửa hàng cung ứng nông sản sạch mới hoạt động bền vững được”, ông Tứ nói.   

PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.