Được sự giúp đỡ của các cán bộ Hội Phụ nữ Đà Nẵng, nhiều thanh-thiếu niên nghiện ma túy đã tìm thấy “đường về”...
Coi người nghiện như người thân
Từ học sinh ngoan hiền, luôn vâng lời thầy cô, ba mẹ, một ngày, H.V.T (SN 1992, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) bỗng trở thành cái tên khiến hàng xóm e ngại bởi em thường xuyên tụ tập với những thanh niên nghiện ngập. T. bắt đầu sử dụng ma túy từ tháng 10-2014. Đến tháng 1-2015, T. bị công an phường Hòa Hải phát hiện và phạt hành chính khi đang sử dụng ma túy với bạn tại xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Từ đó, T. được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Đà Nẵng, trong đó, trực tiếp là bà Mai Thị Thuận, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Hải nhận cảm hóa, giúp đỡ. Những ngày đầu, cứ mỗi lần thấy bà Thuận đến tìm, T. lại né tránh hoặc tỏ thái độ khó chịu, bất hợp tác. Mưa dầm thấm lâu, từ chỗ “thấy là né”, T. đã xem bà Thuận như người mẹ thứ hai. “Cô Thuận hết lời động viên, phân tích để em hiểu rõ về quá trình cắt cơn...”, T. bồi hồi nhớ lại. T. cũng đã làm đơn xin cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với sự đồng hành của “mẹ Thuận”.
Sau khi điều trị cắt cơn thành công tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn, T. được Hội LHPN phường xin vào làm tại một cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ, đồng thời hỗ trợ cho em một máy mài và máy cắt đá trị giá 5 triệu đồng. T. vui mừng khi đã hoàn toàn tránh xa những người bạn không tốt và em cũng không tái nghiện, có thể đi làm đều đặn. T. chia sẻ: “Nhờ có cô Thuận, chủ xưởng và các anh em trong xưởng, em dần nhận ra mình phải thay đổi để không phụ lòng và sự kỳ vọng của mọi người”.
“Chúng tôi và gia đình luôn bên bạn”
Đây là mô hình do Hội LHPN thành phố phát động ngay khi được UBND thành phố giao cảm hóa 30 thanh-thiếu niên nghiện ma túy. Bà Hoàng Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết, trên hành trình cùng các em vượt qua giai đoạn khó khăn, Hội xác định không gọi các em là “thanh-thiếu niên nghiện ma túy” mà phải là “thanh-thiếu niên nghiện ma túy lần đầu”, để người cảm hóa và người được cảm hóa đều thấy còn nhiều hy vọng đổi thay phía trước.
Qua tiếp xúc, Hội LHPN thành phố nhận thấy, bên cạnh số ít các em đua đòi, sớm nhiễm tật xấu, sống bốc đồng, bất cần, số còn lại đa phần là những em có hoàn cảnh đáng thương khi gia đình khó khăn và bản thân các em không nhận được sự chia sẻ, đùm bọc, dưỡng dục từ đấng sinh thành.
Với 30 trường hợp, Hội LHPN đề ra 30 biện pháp giáo dục, cảm hóa khác nhau. Em được tiếp tục học văn hóa, em chuyển sang học nghề, em được hỗ trợ phương tiện đi lại, sinh kế, tìm việc làm... Có em ở phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) bị gãy chân vì tai nạn giao thông, các cấp Hội đã vận động kinh phí giúp em chữa bệnh, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế và cả vốn cho mẹ em làm ăn.
Đến nay, 23/30 thanh-thiếu niên nghiện ma túy do các cấp Hội giúp đỡ đã tiến bộ rõ rệt. Đây là con số đáng mừng. Tuy nhiên, theo bà Hương, điều những người làm công tác cảm hóa mong mỏi nhất là nhận nhiều hơn nữa sự hợp tác từ gia đình và bản thân các em. Không ít lần hội viên phụ nữ phải chịu cảnh bị xua đuổi khi muốn tiếp cận thanh-thiếu niên nghiện ma túy. Nhiều chị chọn cách đến nhà gặp các em vào đêm khuya. Bà Hoàng Thị Thu Hương tự hào nói: “Chính nhờ sự kiên trì vận động cùng tình yêu thương chân thành, những cán bộ Hội đã thực sự là chỗ dựa tin cậy để các em trải lòng, từ đó dần thay đổi bản thân và tiến bộ”.
MỘC MIÊN