Việc nghiêm cấm chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm sống tại một số địa phương trên địa bàn thành phố đã được các cấp, ngành triển khai thực hiện suốt 10 năm qua. Trong bối cảnh hiện nay, khi thành phố đang xây dựng mục tiêu “Thành phố 4 an”, trong đó có an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thì nhiệm vụ này càng trở nên cấp thiết.
Tháng 5-2006, UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 12/2006 về nghiêm cấm chăn nuôi, giết mổ và mua bán gia súc, gia cầm ở một số địa phương trên địa bàn thành phố. Tiếp theo đó, tháng 4-2012, quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật sống trên địa bàn Đà Nẵng, trở thành những hành lang pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng có cơ sở xử lý những sai phạm.
Theo Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, Công an thành phố, trong những năm qua, lực lượng Công an đã kiểm tra, xử lý các hành vi chăn nuôi, giết mổ, mua bán gia súc, gia cầm trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và một số phường thuộc quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn theo Chỉ thị 12/2006/CT-UBND.
Đến nay, tại các địa bàn trung tâm thành phố như quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà không còn trường hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm làm ảnh hưởng đến môi trường. Tính từ tháng 5-2012 đến nay, lực lượng Công an đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 64 vụ (5 tổ chức, 59 cá nhân) với các hành vi vi phạm như cố tình bơm nước vào bò trước khi giết mổ, sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch trong sơ chế, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật với tổng số tiền hơn 362 triệu đồng và tịch thu, tiêu hủy hàng chục tấn sản phẩm động vật.
Ngoài ra, lực lượng này còn phối hợp với Chi cục Thú y thành phố tổ chức tuần tra đêm, chốt chặn trên các tuyến đường trọng điểm như Hoàng Văn Thái, Tôn Đức Thắng, Điện Biên Phủ, Đống Đa... Qua đó, phát hiện lập biên bản 41 cá nhân sử dụng mô-tô vận chuyển sản phẩm động vật vi phạm về ATVSTP.
Các địa phương như quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang cũng đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, theo ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, dù việc kiểm soát hoạt động giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm đã dần đi vào nền nếp nhưng tình trạng giết mổ không tập trung và không bảo đảm quy định về ATVSTP vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Ngoài lý do chủ quan còn có yếu tố khách quan như cơ sở vật chất các điểm giết mổ trên địa bàn chưa bảo đảm, không đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt ở các xã miền núi nên người dân không mặn mà tham gia hoạt động giết mổ tập trung.
Vì vậy, việc xây dựng các khu giết mổ tập trung phù hợp với tình hình địa phương và đáp ứng được nhu cầu của người dân là cần thiết hơn bao giờ hết, tạo điều kiện để việc quản lý, giám sát hoạt động giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm chặt chẽ hơn.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác quản lý, xử phạt hành vi vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đã nhấn mạnh, vẫn còn tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ trong các vùng cấm, thả rông gia súc, gia cầm trên đường phố. Việc kinh doanh giết mổ nhỏ lẻ vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, đặc biệt là huyện Hòa Vang và khu vực chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu).
Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân, nhất là người vận chuyển sản phẩm động vật sau giết mổ vẫn còn hạn chế. Ông Hồ Kỳ Minh đề nghị trong thời gian đến, các ngành, đơn vị, địa phương liên quan cần tiếp tục kiểm tra, giám sát việc giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, đặc biệt tập trung xử lý vấn đề chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, đồng thời chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không hiệu quả hoặc không bảo đảm vệ sinh môi trường. UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu còn để xảy ra tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ gia súc, gia cầm ở hộ gia đình tại địa bàn mình quản lý.
PHAN CHUNG