Những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) có những cách làm hiệu quả, không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo mà còn giảm nguy cơ tái nghèo. Phương châm hỗ trợ chủ yếu là tìm đúng địa chỉ hộ nghèo để trao trực tiếp “cần câu” giúp họ thoát nghèo bền vững.
Nắm tâm tư, nguyện vọng để hỗ trợ
Bà Trần Minh Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Khánh Nam cho rằng, muốn người nghèo thoát nghèo thì phải tìm hiểu họ thiếu công cụ sản xuất gì để hỗ trợ, phải trao “cần câu” để họ chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế.
Và thực tế, trong thời gian qua, cách làm trên giúp cho nhiều người nghèo trên địa bàn phường thoát nghèo bền vững. Qua khảo sát đối với các hộ đặc biệt nghèo mà 4 năm trước đã được phường hỗ trợ phương tiện, chi phí học nghề, vốn kinh doanh, hầu hết các hộ đã và đang có ngành nghề mới, thu nhập tương đối ổn định.
Từng là hộ nghèo “thâm niên” của phường Hòa Khánh Nam, được chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí 5 triệu đồng mua bò về nuôi từ 4 năm trước, đến nay gia đình bà Nguyễn Thị Bích (tổ 165, khu dân cư Khánh Sơn) tự xin rút ra khỏi danh sách hộ nghèo của phường. Nhắc lại những ngày tháng cơ cực, bà Bích rơm rớm nước mắt: “Chẳng có gia đình nào muốn mang trên mình hai chữ nghèo khổ cả, nhưng cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên cái nghèo cứ theo đuổi miết. Gia đình cũng trăn trở, suy nghĩ để làm sao có cuộc sống khá hơn, con cái được ăn học đàng hoàng.
Nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của gia đình muốn chăn nuôi bò sữa và sửa lại ngôi nhà đã xuống cấp, trong năm 2012, Ban vận động Quỹ vì người nghèo của phường đã hỗ trợ gia đình 5 triệu đồng để nuôi bò nên từ lúc ban đầu chỉ có một bò mẹ đến giờ đã sinh thêm 2 chú bò con nữa. Cứ đà này chỉ vài năm nữa là đàn bò sẽ lên đến cả chục con”.
Gia đình ông Phan Văn Đạt (ở tổ 8, phường Hòa Khánh Nam) không có đất sản xuất, lại đông người, thiếu phương tiện làm ăn. Thế nhưng, sau khi nhận được hỗ trợ 3 triệu đồng để sửa chiếc xe gắn máy hư hỏng nặng, ông Đạt quyết định dùng phương tiện này để chở heo thuê. Ông Đạt tâm sự: “Mỗi ngày chở thuê heo và đi thồ cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Bây giờ có nghề ổn định và thu nhập cũng tương đối nên cuộc sống đã khấm khá hơn trước”. Cũng theo ông Đạt, nghề này kiếm tiền dễ nhưng không làm được lâu bởi sức khỏe không cho phép, vậy nên ông đang bàn tính với gia đình tìm một công việc khác ổn định hơn.
Huy động mọi nguồn lực
Theo bà Trần Minh Phương, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, những năm qua, phường Hòa Khánh Nam đã xây dựng các dự án sản xuất theo từng ngành, nghề cho đối tượng hộ nghèo. Song song đó, tổ chức vận động xây dựng Quỹ vì người nghèo bằng nguồn vốn và phương tiện sản xuất. Cuộc vận động đã được cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài phường tích cực hưởng ứng. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm nay, Quỹ vì người nghèo của phường đã huy động được gần 340 triệu đồng. T
ừ nguồn vốn này, Ban vận động Quỹ vì người nghèo của phường sẽ tiếp tục khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nghèo xem họ cần hỗ trợ phương kế gì để chuyển đổi ngành nghề làm ăn; đồng thời phân công các hội, đoàn thể, từng đảng viên và các doanh nghiệp nhận đỡ đầu hộ nghèo, trực tiếp hướng dẫn hộ nghèo cách làm ăn hiệu quả. Ngoài việc hỗ trợ phương tiện, vốn làm ăn, trong năm 2016, phường cũng đã đề ra kế hoạch xây mới và sửa chữa 20 ngôi nhà cho các hộ gia đình chính sách, hộ đặc biệt nghèo. Đến thời điểm này, phường đã hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà mới và sửa chữa 9 ngôi nhà với tổng kinh phí gần 190 triệu đồng.
Ông Võ Khoa Nguyên, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam cho biết: Với phương châm “Dân giúp dân, Nhà nước hỗ trợ, đoàn thể vận động, từng hộ tự lo”, những năm qua, phường Hòa Khánh Nam đã huy động mọi nguồn lực để tạo điều kiện cho người nghèo từng bước ổn định cuộc sống, nhất là hỗ trợ về nhà ở, giáo dục, y tế, lao động, việc làm, các điều kiện sinh hoạt và nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Để có được chuyển biến trên, theo ông Nguyên, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của phường là trao “cần câu” cho các hộ nghèo chứ không cho “con cá”; đồng thời thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, làm cho từng hộ nghèo và đặc biệt nghèo có ý thức trách nhiệm tự vươn lên, tránh trông chờ, ỷ lại vào sự cưu mang của cộng đồng xã hội.
Trọng Hùng