4 an
Đà Nẵng "đón" thực phẩm an toàn
Với nguồn cung tại chỗ hạn chế như hiện nay, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân và khách du lịch, năm 2017, Đà Nẵng chủ động liên kết với nhiều địa phương trong cả nước để đưa nguồn hàng thực phẩm sạch về thị trường thành phố.
Tết Nguyên đán cận kề, nhưng thời tiết bất lợi khiến nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả khan hiếm, đẩy giá thành lên cao. Không chỉ vậy, yêu cầu bức thiết về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) khi thành phố sắp đăng cai, tổ chức các sự kiện lớn như Tuần lễ Cấp cao APEC, lễ hội pháo hoa... đòi hỏi các mặt hàng thực phẩm phải bảo đảm chất lượng.
Năm 2016, thành phố triển khai nhiều biện pháp bảo đảm ATVSTP đến các hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, thực tế mỗi năm Đà Nẵng tiêu thụ từ 80.000 - 90.000 tấn rau, củ, quả, trong khi diện tích sản xuất chỉ đáp ứng được 10%.
Vì vậy, việc liên kết cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn giữa các tỉnh, thành phố sẽ góp phần giải quyết nhu cầu lâu dài sử dụng rau an toàn của nhân dân, trước mắt là phục vụ dịp Tết Nguyên đán.
Khảo sát tại các chợ cho thấy, trong số nguồn hàng thực phẩm rau, củ từ các địa phương khác về Đà Nẵng, hàng hóa từ Lâm Đồng chiếm số lượng lớn; tiếp đến là nguồn hàng từ các tỉnh Gia Lai, Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Trung Quốc...
Song, sản phẩm Đà Lạt được người dân Đà Nẵng ưa chuộng hơn cả dù giá thành cao hơn. Tuy vậy, lâu nay do phụ thuộc vào thương lái thu mua nên nguồn hàng chưa thực sự ổn định về giá cả lẫn số lượng. Giải quyết thực tế này, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã ký kết hợp tác cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn với tỉnh Lâm Đồng.
Hai địa phương sẽ phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về ATVSTP của chuỗi nông sản; kiểm soát chặt chẽ sản phẩm nông sản được sản xuất từ tỉnh Lâm Đồng đưa đến tiêu thụ tại Đà Nẵng, nhất là tại các siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng… để bảo đảm ATVSTP và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ theo quy định.
Ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt G.A.P cho hay: “Chúng tôi có sản phẩm xuất khẩu đi Nhật Bản, châu Âu, trong khi sản phẩm đưa về Đà Nẵng còn hạn chế. Đà Nẵng có dân số tương đối đông nên đây là cơ hội tốt cho người bán và người mua. Chúng tôi hy vọng sản phẩm nông sản công nghệ cao của Đà Lạt có cơ hội lớn để phục vụ người dân Đà Nẵng”, ông Cường bày tỏ.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Đà Nẵng, khi sản phẩm tại chỗ không đáp ứng được nhu cầu thì việc liên kết với các địa phương khác có thế mạnh hơn cần được quan tâm. Như vậy, hàng hóa từ vùng sản xuất được phân phối đến nơi tiêu dùng trực tiếp, không qua nhiều tầng trung gian.
Hiện một số nhà bán lẻ trên địa bàn như siêu thị Co.opMart Đà Nẵng có nguồn gốc từ hai vùng rau đã được chứng nhận VietGap là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông nghiệp Anh Đào (Đà Lạt) và Làng rau Trà Quế (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Sản phẩm nông sản của Công ty TNHH MTV Khoa Hưng Thịnh có nguồn gốc từ cơ sở sản xuất rau an toàn Tâm An Farm tại xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã được chứng nhận VietGap... Bà Phan Như Yến, Giám đốc siêu thị Intimex Đà Nẵng chia sẻ: “Thời gian qua, siêu thị đã đưa được một số sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng ở các tỉnh phía nam như Đà Lạt, Bình Dương, Cần Thơ, Bến Tre... về thị trường Đà Nẵng”.
Đà Nẵng là một trong 3 thành phố được Bộ NN&PTNT chọn thí điểm tham gia Ban chỉ đạo kiểm soát chuỗi an toàn thực phẩm do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT làm trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Phó ban. Ngoài việc liên kết với Lâm Đồng, Đà Nẵng chủ trương xem xét thêm nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước cung cấp các sản phẩm khác.
Ngay từ những ngày đầu năm 2017, các sở, ngành và cơ quan liên quan đã bắt đầu tổng kê khai, kiểm tra nguồn gốc rau, củ, quả, thịt vào các chợ đầu mối; sau đó đến các chợ quận, huyện. Theo quy định của UBND thành phố, các mặt hàng rau, thịt, cá đưa về các chợ phải có nguồn gốc, nếu không sẽ trả lại.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng đề nghị Sở Công thương sớm làm tờ trình UBND thành phố về việc xây dựng chợ đầu mối thứ hai tại xã Hòa Phước vì chợ đầu mối Hòa Cường quá tải; bên cạnh đó, thúc đẩy các ngành sớm bố trí nhân lực tại các chợ nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa trước khi về chợ; đồng thời đầu tư các vùng rau an toàn hiện nay tại các quận, huyện theo chương trình VietGap...
"Bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân là một trong những trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ quản chặt vấn đề này. Nếu sản phẩm đầu vào không đủ tiêu chuẩn, chúng tôi sẽ kiểm định không cho vào thị trường Đà Nẵng và thông báo cho nhân dân Đà Nẵng không sử dụng rau không an toàn; về lâu dài phải can thiệp như thế để nhân dân và du khách yên tâm" Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng |
DUYÊN ANH