4 an
Mạnh tay xử lý vi phạm giao thông đường sắt
Để kéo giảm tai nạn trên tuyến đường sắt, lực lượng chức năng Đà Nẵng đang thiết lập lại trật tự an toàn giao thông (ATGT) nhằm giải quyết tình trạng cố ý không chấp hành hiệu lệnh hoặc cố tình vượt đèn đỏ, vượt gác chắn khi tàu sắp đến.
Theo Thiếu tá Trần Hải Hoàng, Đội phó Đội 2, Phòng 11, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), phụ trách 7 tỉnh, thành khu vực miền Trung, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có 32 đường ngang hợp pháp giao cắt với đường sắt. Trong số này có 26 đường ngang có người gác, 3 đường ngang có hệ thống cảnh báo tự động và 3 đường ngang có biển báo. Vì nhiều nguyên nhân, nguy cơ TNGT ở các đường ngang này luôn rình rập.
Điển hình và phức tạp nhất là đường ngang khu vực ngã tư đường Trường Chinh - Lê Trọng Tấn (quận Cẩm Lệ). Đây là đường ngang hợp pháp có người gác, hệ thống đèn tín hiệu giao thông đường bộ và đường sắt được kết nối đồng bộ, song do mật độ phương tiện giao thông quá lớn nên mỗi lúc tàu chạy qua vẫn có nhiều phương tiện len lỏi, chen chúc ở khu vực nguy hiểm này. Bên cạnh đó, mặc dù có tín hiệu cấm rẽ vào đường ngang mỗi khi tàu sắp đến nhưng nhiều phương tiện vẫn cố tình rẽ trái và dừng chờ ngay giữa tuyến đường Trường Chinh khiến giao thông qua đây thường ách tắc cục bộ.
Theo ông Hoàng Quốc Nam (trú phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ), tại ngã tư này thường xuyên xảy ra va chạm giữa các xe mỗi khi tàu chạy qua. Nhiều trường hợp tài xế tranh thủ phóng xe qua đường sắt khi có tín hiệu tàu sắp đến. Ngoài ra, khá phổ biến là dọc hành lang tuyến đường song song với đường sắt, người dân phơi đồ, đặt các bảng hiệu quảng cáo và tập kết vật liệu xây dựng vi phạm khổ giới hạn đường sắt.
Đà Nẵng còn có 30 đường băng ngang đường sắt bất hợp pháp (đường dân sinh) và đều được cắm biển “Chú ý tàu lửa”. Trong đó, chính quyền địa phương các quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Cẩm Lệ đã tổ chức lực lượng chốt gác tại 12 đường dân sinh có nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt và đóng thu hẹp cấm ô-tô ở 15 đường ngang dân sinh. Tuy nhiên, đường dân sinh ở khu ga Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc) và bến Bà Tân (phường Hòa Hiệp Nam, cùng quận Liên Chiểu) vẫn có xe cơ giới qua lại thường xuyên dù nơi đây đã làm cửa thu hẹp.
Thiếu tá Trần Hải Hoàng cho biết: “Đã có tín hiệu đèn đỏ, chuông reo hoặc chắn đang dịch chuyển song nhiều người vẫn cố lách qua, đây là một trong những nguyên nhân gây TNGT cao nhất”. Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra 2 vụ TNGT đường sắt làm 2 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển phương tiện không quan sát khi qua đường ngang giao với đường sắt. “Từ đầu năm, chúng tôi đã phối hợp với các ban, ngành chức năng liên quan tiến hành lập đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm trên các đường ngang nhằm siết chặt trật tự ATGT. Các trường hợp cố tình vi phạm đều bị xử lý nghiêm, thậm chí sẽ tước bằng lái đối với những lỗi vi phạm nghiêm trọng”, Thiếu tá Trần Hải Hoàng nói. Lực lượng liên ngành cũng đã lập biên bản xử phạt 16 trường hợp, trong đó, các lỗi vi phạm như: không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường khi có tàu hỏa đi qua, cố tình vượt barie khi tàu sắp đến, quay đầu xe, đỗ xe trong phạm vi đường ngang... Lực lượng chức năng còn tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi hướng dẫn, đồng thời khảo sát các đường ngang tồn tại bất cập để khắc phục.
Thiếu tá Trần Hải Hoàng cho biết, Ban ATGT thành phố, Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải và UBND các quận, huyện có đường sắt chạy qua tiếp tục phối hợp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường bộ cho nhân dân. Chính quyền địa phương có đường sắt đi qua cần phối hợp với Công ty CP Đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng trong việc ngăn chặn việc lấn chiếm xây dựng nhà ở, lều quán hoặc trồng cây xanh che chắn, vi phạm tầm nhìn. Riêng với 2 khu vực chợ tạm trên địa bàn Liên Chiểu, cơ quan chức năng đang đề nghị địa phương có biện pháp giải tỏa hẳn.
ĐẮC MẠNH