Phụ nữ cùng "sống xanh"

.

Cùng với mô hình “Sống xanh”, phụ nữ Đà Nẵng đang từng ngày góp phần cải thiện môi trường và cảnh quan cộng đồng; trong đó trước hết là bảo vệ chính sức khỏe bản thân và gia đình.

Những hàng đậu bắp, ớt, mồng tơi, rau muống xanh mướt… là công sức của các hội viên Chi hội Phụ nữ số 2 (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) chăm sóc mỗi ngày. Chị Lê Thị Thu, Chi hội trưởng phấn khởi nói: “Mùa này chưa phải cao điểm, vào mùa xuân, nếu đặt chân đến nơi này mới cảm nhận được sự xanh mát, trù phú của một vùng ven đô vẫn còn khá nhiều hộ sống bằng nghề nông”.

Chi hội số 2 hiện có 25 hội viên tham gia phong trào “Sống xanh” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố phát động. Các chị là nông dân “chính hiệu”, sống bằng nghề nông lâu năm. Tuy nhiên, nếu trước đây việc sản xuất thực hiện theo kiểu manh mún, thì nay các chị đã làm đúng bài bản và nhận được sự hỗ trợ hạt giống, cây giống, kỹ thuật từ Hội Nông dân, vốn vay từ Hội Phụ nữ… “Sản phẩm làm ra chủ yếu cung cấp cho người dân trong khu vực và có khi bỏ mối ở chợ. Thu nhập mỗi hội viên bình quân 4-5 triệu đồng/tháng. Mô hình đã góp phần cải thiện đời sống các chị và cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho cộng đồng”, chị Lê Thị Thu nói.

Chị Trần Thị Bích Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) cho biết, phong trào “Sống xanh” được triển khai sâu rộng trên địa bàn phường, từ các hộ cá thể đến các chi hội. Mỗi nơi một kiểu làm nhưng hướng đến cái chung là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hưởng ứng chương trình “Thành phố 4 an”.

Trong khi đó, các quận trung tâm lại triển khai “Sống xanh” theo cách khác. Chi hội 13 phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) sôi nổi với mô hình “Thu gom rác thải”. Kiên trì mỗi tháng 4 lần vào ngày thứ bảy hằng tuần, Chi hội lại tổ chức phân loại chai, lọ nhựa đem bán gây quỹ, tổng quỹ Hội thu được từ mô hình này lên đến 30 triệu đồng. Chi hội hiện có 8 tổ dân phố, đa phần hội viên là lao động phổ thông và buôn bán nhỏ, thu nhập thấp, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Do đó, phần lớn tiền quỹ dùng trao quà cho chị em nghèo, động viên họ vươn lên trong cuộc sống. Chương trình thu hút 143 hội viên tham gia. Cũng từ ý nghĩ “sống xanh”, các chị tận dụng vải bạt để may túi đi chợ cấp phát cho hội viên, phụ nữ nhằm hạn chế sử dụng túi ni-lông…

4 tháng nay, Hội LHPN quận Hải Châu cũng triển khai mô hình “Đường xanh – Hè phố sạch” đến các cấp Hội cơ sở. Đến nay, nhiều chi hội đã đăng ký các tuyến đường tự quản, phối hợp với chính quyền thực hiện “Phường thân thiện với môi trường”, tiếp tục phát động phong trào “Phân loại rác thải tại nguồn”. Cán bộ phụ nữ phải làm gương trong thực hiện mô hình như: không vứt rác ra đường; không để rác trước mặt nhà; không đem rác nhà ra để vỉa hè; có trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc hoa, cây xanh trước cổng nhà, khu dân cư…

Chị Nguyễn Thị Mỹ Cảnh, Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Khê dẫn chứng, hiện nay trên địa bàn quận có 12 CLB Sống xanh gồm 304 thành viên; 110 nhóm Sống xanh với 701 thành viên. Mỗi khu dân cư tùy thuộc tình hình thực tế lại có cách làm phù hợp. “Những việc làm tuy nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn về kinh tế, bảo đảm môi trường trên địa bàn quận, giảm lo ngại khi sử dụng thực phẩm và môi trường sống”, chị Cảnh nói.

HÀ THU
 

;
.
.
.
.
.