Kiểm soát sản xuất, kinh doanh rượu

.

Cơ quan chức năng đang gặp khó trong kiểm soát sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn thành phố do vướng quy định pháp lý.

Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 2 doanh nghiệp được cấp phép sản xuất rượu công nghiệp với quy mô 1,2 triệu lít/năm. Ngoài ra còn có khoảng 374 hộ sản xuất rượu thủ công, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Hòa Vang với 238 cơ sở.

Hầu hết cơ sở vật chất của những nơi chế biến rượu thủ công đã lạc hậu; sản phẩm không nhãn mác, không được công bố chất lượng. Theo Sở Công thương, thực tế này khiến việc kiểm soát rượu “3 không” (không nhãn mác, không địa chỉ sản xuất, không thành phần) gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, do giá cả bình dân và do thói quen sử dụng nên nhiều người vẫn chuộng “rượu quê” được nấu bằng phương pháp thủ công bất chấp nguy cơ xảy ra ngộ độc.

Nghị định 94/2012/NĐ-CP năm 2012 quy định về sản xuất, kinh doanh rượu có nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu phải có giấy phép và rượu là sản phẩm hàng hóa bắt buộc phải đăng ký bản công bố hợp quy với điều kiện bắt buộc là phải có giấy đăng ký kinh doanh”.

Tuy nhiên trên thực tế, ngày 29-10-2014, UBND thành phố ban hành Quyết định số 39/2014/QĐ-UBND và nhấn mạnh, ngành nghề sản xuất rượu thuộc danh mục ngành nghề không được phép cấp mới giấy chứng nhận kinh doanh, không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong khu dân cư.

“Điều đó có nghĩa, các hộ sản xuất rượu thủ công trên địa bàn thành phố không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên tất yếu sẽ không thể thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Thực tế này kết hợp với việc làm giả rượu ngày càng tinh vi khiến công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, buôn bán sản phẩm rượu gặp rất nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, mất ATVSTP”, ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết.

Để kiểm soát ATVSTP đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu và các sản phẩm liên quan, thời gian qua, Sở Công thương đã phối hợp với các quận, huyện, ban quản lý các chợ trên địa bàn thành phố tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các hộ sản xuất rượu, công tác phòng, chống ngộ độc rượu, tổ chức lấy mẫu rượu và test nhanh chỉ tiêu methanol, đồng thời xử phạt nặng những cơ sở vi phạm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Phúc, để kiểm soát tốt và có hiệu quả đối với lĩnh vực này cần có hành lang pháp lý phù hợp, từ đó cơ quan chức năng mới có đủ cơ sở, thẩm quyền thanh, kiểm tra và xử lý kịp thời, hiệu quả những sai phạm.

“Đề nghị UBND thành phố sớm ban hành văn bản bãi bỏ Quyết định 39 năm 2014 để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất rượu thủ công nhỏ lẻ được đăng ký kinh doanh và thực hiện các thủ tục đăng ký bản công bố hợp quy và giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý độ tuổi người sử dụng, sản xuất rượu cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng ý thức được tác hại của các loại rượu, bia”, ông Phúc đề xuất.

PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.