4 an

Hiệu quả mô hình "3 cần"

15:12, 09/10/2017 (GMT+7)

Từ năm 2014, Đảng ủy phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) đã phát động toàn thể cán bộ, nhân viên thực hiện mô hình “3 cần” với các nội dung cụ thể: Cần phải gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân; cần phải hiểu dân, học dân; cần nghe dân nói, nói dân nghe, làm cho dân tin.

Mô hình “3 cần” được triển khai rộng khắp và duy trì thường xuyên trong các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, với sự đăng ký nội dung thực hiện của từng bộ phận, cán bộ, nhân viên phù hợp với nhiệm vụ của mỗi đơn vị, cá nhân. Đơn cử như bộ phận văn phòng UBND phường đăng ký thực hiện mô hình liên thông giải quyết một lần về làm khai sinh, nhập hộ khẩu và cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ sơ sinh, tạo ra nhiều thuận lợi cho công dân, nhất là phụ nữ đơn thân hay các cặp vợ chồng trẻ, tránh được tình trạng công dân không nắm rõ quy định nên nhập khẩu trẻ sơ sinh chậm trễ, hoặc không được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế đối với trẻ dưới 6 tuổi. Bà Ngô Thị Thanh Thọ ở tổ 15C, một mình nuôi con nhỏ cho biết: “UBND phường đã làm các loại giấy khai sinh, nhập khẩu và cấp thẻ BHYT cho con tôi rất nhanh chóng, kịp thời. Tôi rất hài lòng”.

Trên địa bàn phường, mô hình “3 cần” được triển khai bằng nhiều biện pháp cụ thể như phân công đảng ủy viên phụ trách các chi bộ khu dân cư, bố trí cán bộ phường đứng điểm ở các tổ dân phố, vừa tuyên truyền vận động tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh trong thực tế đời sống nhân dân. Cụ thể như hộ bà Nguyễn Thị Thanh ở tổ 8D, chồng mất sớm, nuôi 3 con ăn học, trước đây bà buôn bán chai bao bằng xe đạp, hết sức vất vả mà lãi rất ít, cuộc sống triền miên khó khăn. Thực hiện “gần dân, có trách nhiệm với dân…”, biết được nguyện vọng của bà Thanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Phan Thị Kim Diệu đã vận động toàn Hội đóng góp kinh phí, mua cho bà Thanh 1 chiếc xe máy để bà đi phụ hồ cho các đội thầu xây dựng kết hợp thu nhặt chai bao, giấy vụn bán cho các đại lý phế liệu. Từ đó, bà Thanh có việc làm, thu nhập hằng ngày, các con bà ngoài giờ học cũng phụ giúp mẹ để có thêm thu nhập. “Cán bộ phường thường xuyên thăm hỏi, động viên và hướng dẫn cho tôi cách thức làm ăn, đã giúp gia đình tôi vượt khó vươn lên thoát nghèo”, bà Thanh chia sẻ.

Đặc biệt, lãnh đạo UBND phường và các bộ phận chức năng đã tổ chức đối thoại với nhân dân ở từng cụm dân cư trong phường. Qua đó, nắm bắt cụ thể đời sống và nguyện vọng của người dân, giải quyết kịp thời các công việc thiết thực trong khả năng của địa phương và đề đạt cấp trên những vấn đề ngoài phạm vi quyền hạn. Mới đây, trong cuộc đối thoại tại cụm dân cư 5, khi nghe người dân phản ánh xưởng mộc của ông N.V.S gây ồn ào, ô nhiễm môi trường do các loại máy móc và mùi sơn PU, làm ảnh hưởng đời sống nhân dân, Chủ tịch UBND phường Mai Xuân Tuấn đã tổ chức kiểm tra thực tế và vận động ông S. đưa xưởng mộc ra khỏi khu dân cư. Vận động khéo kết hợp xử lý kiên quyết, chỉ một thời gian ngắn, ông S. đã đưa xưởng mộc đến địa điểm khác ngoài khu dân cư với sự cho phép của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Thời gian qua, mô hình “3 cần” đã đem lại nhiều kết quả khả quan đối với quá trình xây dựng và phát triển địa phương. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong toàn phường đã vận động gần 2.300 hộ di dời đến nơi ở mới để thực hiện 12 dự án xây dựng với tổng diện tích 355ha. Triển khai các dự án đều được quán triệt kỹ, làm cho người dân thông suốt, tự giác thu dọn cây trồng, vật kiến trúc, bàn giao mặt bằng trước và đúng thời hạn...

Đánh giá về mô hình “3 cần” ở phường Hòa Phát, Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ Huỳnh Thị Tam Thanh khẳng định, mô hình này tạo nhiều thuận lợi cho nhân dân, đồng thời nâng cao phẩm chất và năng lực của cán bộ, nhân viên.

LÊ VĂN THƠM

.