4 an
Tăng cường kiểm soát chất lượng thực phẩm
Là địa phương có đến 80% nông sản, thực phẩm được cung ứng từ nơi khác, Đà Nẵng đang triển khai kiểm soát chất lượng đầu vào nguồn thực phẩm. Trong bối cảnh hiện nay, khi việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện, không giới hạn và khó kiểm soát, các chương trình ký kết hợp tác chuỗi cung ứng an toàn là cách làm mang lại hiệu quả trong việc làm “sạch” đầu vào.
Phòng Y tế quận Thanh Khê vừa tổ chức lấy các mẫu rau, củ, quả tại chợ Quán Hộ, chợ Tam Thuận và Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm để xét nghiệm các chỉ tiêu trong nông sản như Carbendazim, Permethrin, Bifenthrin. Đây là hoạt động triển khai hằng năm nhằm kiểm soát chất lượng thực phẩm. Ngoài nông sản, nguồn nước uống tại các cơ sở giáo dục cũng được lấy để xét nghiệm các chỉ tiêu như Coliforms,. P.aeruginosa, E. coli, Clostridia, Enterococci.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương và phòng chuyên môn, việc xét nghiệm các hoạt chất trong thực phẩm, nhất là nông sản hiện nay là cần thiết nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Theo ông Hồ Thuyên, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, đây là một trong những khó khăn mà địa phương gặp phải trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quận.
“Hiện nay có rất nhiều hoạt chất, thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trong trồng trọt nhưng các đơn vị thực hiện xét nghiệm chỉ xét nghiệm được một số thuốc bảo vệ thực vật nhất định. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về chất lượng nông sản, khi mà dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không được kiểm soát hết. Ngoài ra, việc trả kết quả xét nghiệm chậm cũng gây nhiều khó khăn, địa phương chỉ có thể kiểm soát, cảnh báo nguy cơ về sau mà thôi”, ông Thuyên cho biết.
Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản vượt ngưỡng cho phép là thực tế tồn tại lâu nay trong hoạt động trồng trọt nông, lâm sản.
Đây cũng chính là rào cản kỹ thuật trên con đường hội nhập, xuất khẩu của nông sản Việt Nam. Dưới góc độ tiêu dùng, người dân hiện nay đều lo ngại khi người sản xuất, nuôi trồng thực phẩm quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.
“Dưới góc độ quản lý Nhà nước, việc kiểm tra, giám sát và phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đều được thực hiện thường xuyên, định kỳ. Cơ sở pháp lý cho hoạt động chuyên môn này chính là Thông tư số 50/2016/TT-BYT ngày 30-12-2016 của Bộ Y tế Quy định mức tối đa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, như phản ánh của các đơn vị, địa phương, danh mục thuốc và mức quy định tối đa thì có hạn, trong khi số thuốc được sử dụng trong trồng trọt lại quá nhiều. Lực lượng chuyên môn không có cơ sở để kiểm soát, phát hiện và điều chỉnh kịp thời”, ông Hải cho biết.
Để nâng cao chất lượng nông sản, những năm qua, Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố đã tổ chức ký kết các chuỗi cung ứng nông sản an toàn với các địa phương như Quảng Nam, Lâm Đồng, Tiền Giang, Bình Định, Gia Lai…
Việc ký kết chuỗi cung ứng nông sản an toàn sẽ giúp địa phương truy xuất nguồn gốc một cách rõ ràng. Nguồn cung ứng là các cơ sở sản xuất, nuôi trồng theo các tiêu chuẩn nông sản sạch, an toàn tư VietGap, GlobalGap. Dưới sự giúp sức, “bảo trợ” của địa phương ký kết, trong đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành làm đầu mối trung tâm, nguồn cung ứng nông sản cho thành phố sẽ được duy trì trên cơ sở bảo đảm các quy định, điều kiện về an toàn thực phẩm.
“Điều đáng tin cậy là người nông dân chăn nuôi, trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap đã được tập huấn và giám sát kỹ về các quy trình, trong đó có vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này sẽ làm hạn chế, loại bỏ tình trạng lạm dụng thuốc, phun thuốc một cách ngẫu hứng, tùy tiện trong trồng trọt hiện nay. Khi các kỹ thuật nông nghiệp được áp dụng đúng dưới sự hỗ trợ, giám sát của cơ quan chức năng thì chất lượng nông sản sẽ an toàn khi đến tay người tiêu dùng”, ông Hải cho biết thêm.
PHAN CHUNG