APEC

Tổng quan về APEC

09:45, 19/06/2017 (GMT+7)

LTS: Từ số báo này, Báo Đà Nẵng mở chuyên mục  “APEC 2017” với mục đích đưa đến bạn đọc cái nhìn tổng quan về APEC cùng những hoạt động quan trọng trong năm APEC 2017 và Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11 tới.

Lịch sử hình thành

Sau Đại chiến thế giới lần thứ hai, thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Những nỗ lực cải cách kinh tế, mở rộng thương mại, tạo đà cho kinh tế đi lên đã gặp phải trở ngại lớn, đó là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và tình trạng phân biệt đối xử trong buôn bán thương mại quốc tế.

Để giải quyết vấn đề này, các nước dự định thành lập Tổ chức Thương mại quốc tế (ITO) với tư cách là một tổ chức chuyên môn thuộc Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy thương mại quốc tế, song cuối cùng chỉ đi đến việc ký kết Hiệp định chung về Thuế quan và thương mại (GATT) vào ngày 23-10-1947 với những chế định giới hạn ở việc điều tiết vấn đề ràng buộc và cắt giảm thuế quan.

Sau khi GATT chính thức có hiệu lực từ 1-1-1948, nhiều vòng đàm phán đa phương được tổ chức với nỗ lực mở rộng thêm nội dung của GATT để hướng tới việc thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhưng vẫn gặp phải rất nhiều bế tắc vì không dung hòa được các mâu thuẫn về quyền lợi của các nước.

Đến đầu thập kỷ 80, hệ thống thương mại toàn cầu lại đứng trước những đe dọa nghiêm trọng của tình trạng suy thoái kinh tế. Ứng phó với tình hình đó, nhiều nước đã áp dụng các công cụ bảo hộ thương mại, những rào cản thương mại mới để bảo vệ ngành sản xuất và thị trường nội địa, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Hệ quả của tình trạng trên là tiến trình toàn cầu hóa kinh tế, tự do hóa thương mại bị đe dọa. Trào lưu khu vực hóa phát triển mạnh mẽ, đi đầu là Khối cộng đồng kinh tế châu Âu (EC) với thỏa thuận thành lập một thị trường chung vào năm 1992 và ráo riết thành lập một liên minh tiền tệ với một đồng tiền chung.

Lo sợ EC trở thành một “pháo đài thương mại”, Hoa Kỳ cũng bắt đầu chuyển hướng từ việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương sang thành lập những thỏa thuận thương mại song phương và khu vực, thể hiện bằng việc thành lập khu vực thương mại tự do với Canada năm 1983 - nhân tố cơ bản để thành lập Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sau này.

Năm 1988, Hiệp định thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Canada được ký kết và năm 1992 kết nạp thêm Mexico vào NAFTA. Châu Á mặc dù đạt được thành tựu rất to lớn về khía cạnh kinh tế trong những thập niên 70 và 80 với sự phát triển nhanh chóng của những nền kinh tế như Nhật Bản và các “con rồng châu Á”, nhưng thực sự chưa có được một hình thức liên kết kinh tế chính thức, liên chính phủ và toàn khu vực để đảm bảo quyền và lợi ích của các quốc gia châu Á trước sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và khu vực hóa như châu Âu và Bắc Mỹ.

Trong khi đó, từ những năm 70, 80 của thế kỷ XX, trao đổi thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng nhanh chóng. Năm 1989, xuất khẩu hàng hóa của các nước châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) sang Hoa Kỳ đạt 25,8% tổng kim ngạch thương mại và xuất khẩu từ Hoa Kỳ sang các nước này đạt 30,5% tổng kim ngạch thương mại.

Riêng đối với Nhật Bản, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 34,2% tổng kim ngạch xuất khẩu và Hoa Kỳ xuất sang Nhật đạt 12,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Lo ngại rằng các đối tác thương mại chủ yếu của mình chỉ tập trung vào các thị trường trong nước và gia tăng các hình thức bảo hộ thương mại, những nước có đặc điểm kinh tế phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài là Úc, Nhật  Bản và Hàn Quốc đã nêu sáng kiến thành lập Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) với mục đích thực hiện đối thoại chính sách nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của chủ nghĩa cô lập khu vực và thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại, làm động lực/đầu tàu thúc đẩy đàm phán trong GATT/WTO.

Tháng 11-1989, các Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại của 12 nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Úc, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brunei, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, và New Zealand đã nhóm họp ở thủ đô Canberra (Úc), thành lập ra APEC. Tháng 11-1991, APEC kết nạp thêm Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan; tháng 11-1994, kết nạp thêm Chile, Mexico và  Papua New Guinea.

Tháng 6-1996, Việt Nam chính thức nộp đơn xin gia nhập APEC và Hội nghị Thượng đỉnh thường niên APEC tại Vancouver (Canada) tháng 11-1997 đã quyết định kết nạp Việt Nam, Nga và Peru là thành viên chính thức của APEC vào tháng 11-1998, nâng tổng số thành viên lên 21 nền kinh tế. Tại Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 10 tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 14-11-1998, Việt Nam chính thức trở thành thành viên APEC.

Với 25 năm hình thành và phát triển, APEC là một cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực và trên thế giới, dẫn dắt tiến trình tự do hóa thương mại và đầu tư, thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc vì hòa bình và phát triển. APEC hội tụ hầu hết các nền kinh tế năng động nhất của khu vực, đại diện cho khoảng 39% dân số thế giới; đóng góp 57% GDP và 47% thương mại toàn cầu. Những thỏa thuận của APEC đã góp thần giảm gần 3 lần mức thuế quan trung bình ở khu vực và tăng 7 lần thương mại hàng hóa nội khối. Hiện nay, APEC đã quyết định ngừng việc kết nạp thành viên mới để chấn chỉnh tổ chức.
Mục tiêu hoạt động

APEC được thành lập với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng trong khu vực đồng thời thắt chặt các mối quan hệ trong cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương. Các biện pháp được thực hiện là cắt giảm thuế và các rào cản thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu và xây dựng các nền kinh tế hiệu quả. Mục tiêu dài hạn của APEC được nêu rõ trong Tuyên bố Bogor 1994 của các nhà lãnh đạo: “Thương mại, đầu tư tự do và thông thoáng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2010 đối với thành viên APEC phát triển và năm 2020 đối với các thành viên APEC đang phát triển”. Để thực hiện mục tiêu đó, các hoạt động của APEC dựa trên cơ sở 3 trụ cột: Tự do hóa thương mại và đầu tư; Thuận lợi hóa kinh doanh; Hợp tác kinh tế và kỹ thuật.

Hoạt động của APEC được điều tiết bởi những nguyên tắc cơ bản sau:

(1) Toàn diện: Thực hiện tự do hóa và thuận lợi hóa toàn diện ở các lĩnh vực nhằm tháo gỡ những cản trở trong quá trình thực hiện mục tiêu lâu dài về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư;

(2) Phù hợp với GATT/WTO: Các biện pháp và chương trình hành động áp dụng thực hiện mục tiêu tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư phải phù hợp với quy tắc, luật lệ và thỏa thuận trong khuôn khổ của GATT/WTO;

(3) Đảm bảo mối tương đồng giữa các thành viên trong việc thực hiện tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư. Các nền kinh tế thành viên tuy có sự khác biệt về trình độ phát triển nhưng đều phải tiến hành một cách thích đáng các biện pháp tự do hóa và thuận lợi hóa đối với thương mại và đầu tư;

(4) Không phân biệt đối xử: Các thành viên APEC sẽ áp dụng hoặc cố gắng áp dụng nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các thành viên. Kết quả thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư không phải chỉ áp dụng cho các thành viên mà cả với các nước không phải là thành viên;

(5) Đảm bảo công khai: Minh bạch hóa mọi luật lệ, chính sách hiện hành tại các thành viên APEC;

(6) Lấy mức bảo hộ hiện tại làm mốc: Các thành viên chỉ có giảm dần các biện pháp bảo hộ chứ không được tăng thêm;

(7) Cùng bắt đầu, quá trình liên tục và thời gian biểu khác nhau: Trình độ và điều kiện phát triển kinh tế khác nhau, khi thực hiện mục tiêu tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, các nền kinh tế thành viên có các thời gian biểu khác nhau với ưu tiên về thời gian đối với nền kinh tế đang phát triển là 10 năm so với nền kinh tế phát triển;

(8) Có sự linh hoạt trong việc thực hiện các vấn đề về tự do hóa thương mại và đầu tư vì trình độ phát triển kinh tế của các thành viên APEC khác nhau;

(9) Hợp tác kỹ thuật: APEC chủ trương hợp tác kinh tế, kỹ thuật để thúc đẩy thực hiện tự do hóa, thuận lợi hóa, thương mại và đầu tư.

Cơ chế hoạt động

APEC hoạt động như một diễn đàn hợp tác kinh tế và thương mại đa phương. Đây là diễn đàn duy nhất cam kết cắt giảm các rào cản thương mại và tăng cường đầu tư mà không đòi hỏi sự ràng buộc pháp lý về mặt thực thi đối với các thành viên. Thành công của diễn đàn đạt được thông qua việc tăng cường đối thoại chính sách và tôn trọng ý kiến của các thành viên. Các quyết định trong APEC đều dựa trên cơ sở cùng có lợi, đồng thuận, tự nguyện và phù hợp với các quy định của GATT/WTO với mục tiêu tăng cường hệ thống thương mại đa biên, ủng hộ tự do hóa thương mại và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư. Các nền kinh tế thành viên thực hiện IAP và CAP nhằm mở cửa thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cơ cấu tổ chức

Tuy hình thức là một diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực mở, nhưng APEC có một cơ chế tổ chức và hoạt động khá chặt chẽ. APEC có trụ sở Ban thư ký, có Giám đốc điều hành Ban thư ký, cùng các Ủy ban, Tiểu ban và các Nhóm công tác chuyên môn được thành lập trong từng lĩnh vực hoạt động cụ thể. Dưới đây là một số khái quát về cơ chế tổ chức và hoạt động của APEC.

(1) Hội nghị các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC: Đây là cơ quan có quyết định cao nhất của APEC, nơi định ra các định hướng chiến lược và viễn cảnh dài hạn cho APEC. Hội nghị thường được tổ chức vào tháng 11 hằng năm để phê duyệt các kế hoạch, kiến nghị do Hội nghị Bộ trưởng đệ trình và vạch ra phương hướng, nhiệm vụ cho năm kế tiếp. Việc tổ chức Hội nghị các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC được đánh giá như dấu mốc biến APEC từ một cơ chế đối thoại, tư vấn kinh tế thuần túy thành một cơ chế như là một tổ chức quốc tế thực sự.

(2) Hội nghị Bộ trưởng: Được tổ chức định kỳ hằng năm trước Hội nghị các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC, bao gồm Hội nghị Bộ trưởng Thương mại, các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành như Vận tải, Hàng không, Bưu chính viễn thông, Ngoại giao-Thương mại...

Chức năng chủ yếu của các Hội nghị Bộ trưởng là xem xét, thông qua nguyên tắc, mục tiêu, nội dung của các chương trình hành động; đánh giá tiến trình hợp tác APEC cũng như hoạt động của các Ủy ban, các Nhóm công tác và các Nhóm đặc trách; xem xét và đánh giá việc thực hiện các sáng kiến của Hội nghị Cấp cao không chính thức; và xem xét thông qua ngân sách hoạt động hằng năm của APEC. Trên cơ sở đó, báo cáo kết quả hoạt động và đệ trình các sáng kiến, kế hoạch mới lên Hội nghị các Nhà lãnh đạo APEC.

(3) Hội nghị Quan chức cấp cao: Hội nghị này được triệu tập thường kỳ 3 lần trong một năm, trước khi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao-Thương mại. Nhiệm vụ chính của hội nghị là để triển khai quyết định của Hội nghị Bộ trưởng, đệ trình các khuyến nghị, chương trình hợp tác lên Hội nghị Bộ trưởng xem xét. Các quan chức cấp cao cũng đảm nhận việc xem xét, điều phối ngân sách và các chương trình hoạt động của các Ủy ban, Tiểu ban và các Nhóm công tác.

(4) Ban thư ký: Ban thư ký APEC làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hội nghị Quan chức cấp cao và có quan hệ thông tin liên lạc trực tiếp, thường xuyên với các nền kinh tế thành viên, các Ủy ban, các Nhóm công tác và Nhóm đặc trách của APEC. Nhiệm vụ chính của Ban thư ký hoàn toàn mang tính chất hành chính, phục vụ các Hội nghị của APEC, theo dõi việc triển khai các dự án.

(5) Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC: ABAC có nhiệm vụ là tăng cường sự hợp tác của APEC với khu vực doanh nghiệp và thúc đẩy sự tham gia của giới doanh nghiệp vào các hoạt động hợp tác của APEC. ABAC bắt đầu hoạt động sau Hội nghị Bộ trưởng ở Osaka 1995 thay cho Diễn đàn Kinh doanh Thái Bình Dương (PBF) do Hội nghị Cấp cao không chính thức thành lập. ABAC tập trung vào các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, tài chính và đầu tư, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), phát triển nguồn nhân lực, quan hệ giao dịch qua biên giới. Thành viên của ABAC là những nhân vật có uy tín trong giới doanh nghiệp của các nền kinh tế thành viên APEC, mỗi thành viên cử 1 đến 3 đại diện, trong đó thường có một đại diện cho SMEs.

(6) Các ủy ban và tiểu ban chuyên môn của APEC: Ủy ban Thương mại và Đầu tư; Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Quản lý và Ngân sách; Ủy ban điều hành SOM về hợp tác kinh tế và kỹ thuật; Tiểu ban về thủ tục hải quan; Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn.

(7) Các Nhóm công tác trong APEC: Để triển khai thành công các chương trình hành động thực hiện các mục tiêu đề ra, ngoài các Ủy ban và Tiểu ban, APEC còn có một hệ thống gồm khoảng trên 10 Nhóm công tác chuyên ngành và trên 4 Nhóm đặc trách trợ giúp hoạt động của APEC trên các lĩnh vực cụ thể như:

Nhóm hợp tác kỹ thuật nông nghiệp, du lịch, giao thông vận tải, nghề cá, phát triển nguồn nhân lực, năng lượng, viễn thông, công nghệ và khoa học công nghiệp, bảo tồn tài nguyên biển, xúc tiến thương mại, doanh nghiệp vừa và nhỏ… Các Nhóm đặc trách bao gồm: Nhóm đặc trách của các chuyên gia về chống tham nhũng và minh bạch; Nhóm đặc trách về chống khủng bố; Nhóm đặc trách về y tế; Nhóm đặc trách về sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp.

Ngoài ra còn có một số các mạng lưới, tiến trình, tổ hợp, diễn đàn khác trong APEC bao gồm: Mạng lưới đầu mối liên hệ về giới; Mạng lưới đầu mối liên hệ về văn hóa; Tiến trình Bộ trưởng Tài chính; Tổ hợp các Trung tâm nghiên cứu APEC; Diễn đàn về đổi mới khoa học đời sống; Hệ thống thực phẩm APEC.

TH.S (tổng hợp theo tài liệu của Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế)

.