APEC

Thông qua Bản Tuyên bố chung các Bộ trưởng Tài chính APEC 2017

19:55, 21/10/2017 (GMT+7)

ĐNO - Chiều 21-10, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 bế mạc và thông qua Bản Tuyên bố chung của các Bộ trưởng.

a
Các đại biểu họp báo về tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài Chính APEC 2017. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Bản Tuyên bố chung thể hiện sự thống nhất của các Bộ trưởng trong việc thông qua nội dung về các chủ đề gồm: kinh tế toàn cầu và khu vực; kế hoạch hành động Cebu; đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận; tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai; tài chính bao trùm. 

Bên cạnh đó, Bản Tuyên bố chung còn đề cập đến một số vấn đề khác như: triển khai sáng kiến công nhận lẫn nhau về công ty quản lý quỹ Châu Á (ARFP), xây dựng Chương trình nghị sự Thúc đẩy bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội.

Đối với vấn đề kinh tế toàn cầu và khu vực, các bộ trưởng cam kết sử dụng các công cụ chính sách - cả tiền tệ, tài khóa và cơ cấu - ở cấp độ quốc gia cũng như phối hợp chung để đạt được mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và bao trùm.

Đặc biệt, các bộ trưởng thống nhất từ bỏ việc phá giá cho mục tiêu cạnh tranh và sẽ không hướng các mục tiêu tỷ giá vào mục tiêu cạnh tranh; tái khẳng định vai trò quan trọng của các chương trình cải cách cơ cấu đối với tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và bao trùm.

Trong chủ đề về đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng, các bộ trưởng thông qua Tuyên bố chính sách về Đa dạng hóa các nguồn lực tài chính và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân cho đầu tư cơ sở hạ tầng tại các nền kinh tế thành viên APEC, qua đó khuyến khích các nền kinh tế cân nhắc các kiến nghị nhằm cải thiện nguồn đầu tư dài hạn cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Với chủ đề về tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, Bản Tuyên bố chung hoan nghênh 2 báo cáo: Về phương pháp phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu tài sản công và cơ sở dữ liệu bảo hiểm; và báo cáo quản lý tài chính tài sản công ứng phó với thiên tai trong khu vực APEC do Ngân hàng thế giới phối hợp với các nền kinh tế APEC thực hiện.

Nhận thức vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc cung cấp các công cụ chuyển đổi rủi ro trên thị trường, các bộ trưởng khuyến khích các nền kinh tế phát triển quan hệ đối tác với khu vực tư nhân để tìm kiếm các giải pháp tiềm năng. Các bộ trưởng còn đặc biệt khuyến khích các nền kinh tế tiếp tục cải thiện hệ thống thông tin rủi ro phù hợp với hoàn cảnh của từng nền kinh tế.

Liên quan đến chủ đề về tài chính bao trùm, các bộ trưởng đề nghị Ngân hàng thế giới (WB), Công ty Tài chính Quốc tế, Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC) và các đối tác phát triển quốc tế khác tiếp tục hỗ trợ các nền kinh tế APEC triển khai các sáng kiến nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả cơ sở hạ tầng tài chính trong khu vực và thúc đẩy hợp tác về thông tin tín dụng nhằm hỗ trợ đầu tư và thương mại xuyên biên giới.

Ngoài các chủ đề ưu tiên, Bản Tuyên bố chung nêu rõ sự đánh giá cao của các bộ trưởng đối với những hỗ trợ từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng thế giới (WB) và Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC) cho Tiến trình Bộ trưởng Tài chính trong năm nay.

Các bộ trưởng cũng bày tỏ lời cảm ơn Việt Nam đã đăng cai tổ chức Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017, cùng tiến tới Hội nghị Bộ trưởng Tài chính lần thứ 25 tại Papua New Guinea vào tháng 10 năm 2018.

Tại phiên họp báo ngay sau lễ bế mạc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nội dung trong bản Tuyên bố chung.

Phóng viên Khang Ninh, Báo Đà Nẵng nêu câu hỏi tại buổi họp báo. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Phóng viên Khang Ninh, Báo Đà Nẵng nêu câu hỏi tại buổi họp báo. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, hai nội dung được nhấn mạnh là đầu tư dài hạn cơ sở hạ tầng và tài chính bao trùm. Đặc biệt, trong Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017, các bộ trưởng đã thảo luận về kết quả hợp tác đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng, thông qua tuyên bố chính sách về đa dạng hóa nguồn lực tài chính, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, kết quả hợp tác về tài chính bao trùm sẽ là nội dung quan trọng được tổng hợp trong báo cáo tăng trưởng bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội sẽ trình lên các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017.

“Những kết quả mà hội nghị đạt được sẽ đóng góp vào việc xây dựng động lực mới của liên kết kinh tế phối hợp, thúc đẩy kết nối hạ tầng khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thực hiện mục tiêu “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” của Năm APEC 2017”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định.

KHANG NINH – QUỐC KHẢI

.