Nhân dịp Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 chuẩn bị diễn ra ở thành phố Đà Nẵng, phóng viên TTXVN tại Argentina đã phỏng vấn giáo sư Guillermo Perez Cena thuộc Khoa Ngoại thương của Đại học Thế kỷ 21, thành viên Hiệp hội Hợp tác và hội nhập châu Á-châu Mỹ.
Dây chuyền sản xuất linh phụ kiện điện tử tại Công ty TNHH Flexcom Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc, tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN) |
Giáo sư Cena cho biết ông vừa có chuyến làm việc 10 ngày tại Việt Nam và ông cảm nhận được không khí chuẩn bị sôi động cho Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam.
Theo ông, việc Việt Nam đăng cai tổ chức APEC, diễn đàn đa phương góp phần thúc đẩy các quan hệ liên kết giữa các nền kinh tế thành viên, lần này là một thách thức.
Hiện nay, APEC đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc thúc đẩy kết nối giữa tất cả các nền kinh tế thành viên, toàn cầu hóa và tự do thương mại.
Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam đưa ra chính sách đối ngoại hướng tới việc quốc tế hóa hoàn toàn.
Theo giáo sư Cena, thứ nhất, ở Đông Nam Á, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh nhất trong những năm qua và một trong những yếu tố quan trọng đó là việc Việt Nam phát triển nguồn nhân lực hướng tới nền kinh tế kỹ thuật số.
Yếu tố thứ hai, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mà doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò chủ đạo. Điều đó phản ánh Việt Nam đang phát triển dựa trên sự đóng góp và tham gia tích cực của doanh nghiệp vừa và nhỏ vào nền kinh tế trong nước.
Ông cũng cho rằng Việt Nam đang theo đuổi một chính sách đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế. Việt Nam là quốc gia vô cùng thân thiện và chắc chắn sẽ đóng góp cũng như tham gia tích cực vào APEC. Việt Nam dành nhiều mối quan tâm trong việc đăng cai tổ chức APEC 2017 sau khi đã tổ chức thành công sự kiện này trong năm 2006.
Về triển vọng phát triển quan hệ giữa Argentina và Việt Nam trong bối cảnh Argentina muốn gia nhập Liên minh Thái Bình Dương mà trong đó 3 trong 4 nước là thành viên của APEC, giáo sư Cena khẳng định chính sách đối ngoại của Argentina đã thay đổi trong gần 2 năm trở lại đây, hướng nhiều tới khu vực Đông Nam Á.
Trao đổi thương mại tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm 49% tổng kim ngạch thương mại trên toàn thế giới, bởi vậy Argentina không mong muốn bị loại khỏi thị trường này.
Ông nhấn mạnh thế giới cần rất nhiều lương thực, thực phẩm và Argentina, quốc gia sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, có rất nhiều tiềm năng để đáp ứng nhu cầu này. Do đó, thị trường Đông Nam Á là thách thức với hàng nông phẩm của Argentina. Vì vậy, Argentina bắt đầu tiếp cận các nước châu Á, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhiều thỏa thuận khác.
Tổng thống Mauricio Macri đã thực hiện chuyến thăm tới Colombia và Chile để bày tỏ mong muốn trở thành quan sát viên của Liên minh Thái Bình Dương. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu tiên.
Giáo sư Cena cho rằng thách thức thật sự đó là khả năng hợp tác giữa khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Argentina không những cần đưa ra các chính sách để có thể tạo giá trị gia tăng trong sản xuất lương thực mà còn cần phải đưa ra các chính sách liên quan tới hậu cần, đó là tuyến hành lang nối hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Việc xây dựng tuyến hành lang giữa Brazil, Argentina và Chile sẽ là chìa khóa trong tiến trình kết nối trao đổi giữa các nước châu Á-Thái Bình Dương với Mercosur.
Là thành viên của Mercosur, Argentina quan tâm đến các thị trường truyền thống như khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, giáo sư Cena tin rằng trong năm nay và năm tới, các nước Mercosur sẽ bắt đầu triển khai nhiều thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp Đông Nam Á, đặc biệt với các doanh nghiệp Việt Nam và Indonesia.
Đề cập đến triển vọng TPP sau khi Mỹ quyết định rút khỏi hiệp định này, giáo sư Cena cho biết 11 nước còn lại trong TPP đang tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận đã được ký kết mà không có sự tham gia của Mỹ.
Theo ông, trên thực tế, Việt Nam là nước đang phát triển với tốc độ rất nhanh, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 6-6,5% mỗi năm.
Trong những năm gần đây, Mỹ là thị trường xuất khẩu rất quan trọng của Việt Nam. Mỹ thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam vì sự phát triển có lợi cho cả hai nước. Ông cho rằng trong mối quan hệ với Việt Nam, một hiệp định song phương với Mỹ sẽ quan trọng hơn, ngoài khuôn khổ TPP. Tuy nhiên, TPP sẽ giúp Việt Nam tăng cường liên kết kinh tế với 11 nước còn lại tham gia ký kết TPP, thúc đẩy phát triển kinh tế vi mô, thực thi những chính sách và triển vọng kinh tế vĩ mô.
Mặc dù vậy, giáo sư Cena tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục chính sách đàm phán hướng tới mở rộng quan hệ thương mại và kinh tế với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển vững chắc nhất. Theo ông, Việt Nam đang củng cố chặt chẽ chính sách đối ngoại trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
Theo Vietnam+